Chung tay phân loại chất thải rắn tại nguồn

Giảm lượng rác thải ra môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được nguồn tài nguyên, thời gian xử lý rác thải… là những lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn đem lại.

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Vĩnh Cửu chọn xã Bình Lợi làm điểm triển khai mô hình Ngôi nhà xanh. Ảnh: ĐVCC

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Vĩnh Cửu chọn xã Bình Lợi làm điểm triển khai mô hình Ngôi nhà xanh. Ảnh: ĐVCC

Nhận thức được điều này, từ nhiều năm trước, các cấp, các ngành trong tỉnh, nhất là Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN), tổ chức Đoàn các cấp đã chủ động triển khai từ nhiều năm trước.

Triển khai từ sớm

Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phí Thị Thu Hà cho biết, thời gian qua, các cấp hội đã tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường và hướng dẫn phân loại rác tại nguồn; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về phân loại rác tại nguồn; phát tờ rơi, túi vải tuyên truyền giảm dần sử dụng bao gói bằng ny-lông, nhựa dùng một lần. Đặc biệt, từ năm 2018, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội không dùng sản phẩm nhựa một lần trong tổ chức sự kiện tại cơ quan, đơn vị và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hàng ngày.

Cùng với tuyên truyền, vận động, các cấp hội đã và đang triển khai nhiều mô hình chống rác thải nhựa, phân loại chất thải rắn tại nguồn hiệu quả. Có thể kể đến là các mô hình Đổi rác tái chế nhận quà, Tuyến đường không rác, Biến rác thải nhựa thành tiền, Ngôi nhà xanh, Tủ phế liệu... Từ những mô hình này đã tạo kinh phí hỗ trợ hội viên khó khăn, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, thực hiện chương trình Mẹ đỡ đầu tại địa phương...

Những năm qua, việc tuyên truyền, vận động phân loại chất thải rắn tại nguồn được các cấp, các ngành triển khai song hiệu quả chưa cao, tỷ lệ người dân tham gia phân loại chất thải rắn tại nguồn còn hạn chế…

Là một trong những đơn vị đi đầu trong phân loại chất thải rắn tại nguồn, bà Trần Mỹ Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Cửu, cho biết toàn huyện hiện có 3 xã Bình Lợi, Bình Hòa và Trị An đã triển khai mô hình Ngôi nhà xanh. Theo đó, đều đặn vào thứ bảy và chủ nhật tuần thứ 2 của tháng, các chi hội tổ chức ra quân tổng vệ sinh, thu gom phế liệu để đóng góp cho Ngôi nhà xanh.

Việc thực hiện mô hình này vừa góp phần nâng cao nhận thức phân loại chất thải rắn tại nguồn, bảo vệ môi trường, vừa hình thành thói quen tiết kiệm, giúp đỡ nhau lúc khó khăn; đặc biệt là góp phần thiết thực vào việc phân loại chất thải rắn tại nguồn. Tính đến tháng 4-2024, mô hình Ngôi nhà xanh tại 3 xã đã thu gom gần 1,1 ngàn kg chất thải rắn các loại.

Đổi rác thải lấy quà, đổi pin cũ lấy cây… là mô hình đang được tổ chức Đoàn, hội ở một số địa phương thực hiện. Chị Hoàng Thảo Trâm, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Kỹ năng sống Trảng Bom (thuộc Hội Liên hiệp thanh niên huyện Trảng Bom), cho biết câu lạc bộ thường xuyên tổ chức chương trình Đổi rác thải lấy quà tại các trường học và nơi công cộng. Không chỉ đổi rác thải nhựa lấy quà mà câu lạc bộ còn tuyên truyền phân loại chất thải rắn tại nguồn, giúp người dân hiểu được ý nghĩa, cách phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Phối hợp phân loại chất thải rắn tại nguồn

Để công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt hiệu quả, Tỉnh ủy ban hành Công văn số 6718-CV/TU chấp thuận đề xuất của Ban Dân vận Tỉnh ủy về thực hiện mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn. Trong đó, Hội LHPN tỉnh và Tỉnh đoàn là 2 đơn vị chủ trì thực hiện.

Đầu tháng 4 vừa qua, Hội LHPN tỉnh và Tỉnh đoàn đã có kế hoạch phối hợp thực hiện mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Bà Phí Thị Thu Hà cho biết, theo kế hoạch, Hội LHPN tỉnh và Tỉnh đoàn phấn đấu từ tháng 4 đến tháng 8-2024 sẽ lựa chọn xây dựng điểm từ 1-2 mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn. Từ đó có đánh giá và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh đối với những mô hình hiệu quả.

Hội LHPN tỉnh và Tỉnh đoàn đã hướng dẫn các cấp hội, Đoàn tuyên truyền, vận động; tổ chức hoạt động tập huấn, nâng cao kiến thức; thực hiện thu gom chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế đối với các hộ gia đình đã đăng ký thực hiện mô hình; đồng thời, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ việc mua bán, trao đổi nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế từ thực hiện mô hình.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Cửu Trần Mỹ Ngọc cho biết, thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh và Tỉnh đoàn, tới đây, huyện sẽ ra mắt mô hình Ngôi nhà nhân ái - thu gom, biến rác thải nhựa thành tiền thực hiện hoạt động an sinh xã hội; tổ chức đổi rác thải lấy quà, trồng cây xanh…

“Thông qua hoạt động này, chúng tôi hy vọng, các cấp hội, Đoàn, hội viên, đoàn viên và nhân dân hiểu được tính ý nghĩa của việc phân loại chất thải rắn tại nguồn và tích cực thực hiện, tạo chuyển biến trong công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn” - bà Ngọc nói.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202405/chung-tay-phan-loai-chat-thai-ran-tai-nguon-aaf39a6/