Chung tay chăm lo cho thế hệ tương lai

Thời gian qua, việc bảo vệ trẻ em đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em như vấn đề phát triển thể chất, dinh dưỡng, bảo vệ trẻ em trên môi trường internet, nhất là mạng xã hội vẫn còn nhiều vấn đề phải làm. Báo Quân đội nhân dân ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6.

Ông ĐẶNG HOA NAM, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội):

Chú trọng bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, việc tìm hiểu, học tập của trẻ em trên không gian mạng ngày một thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trẻ em cũng chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều từ những thông tin tiêu cực trên internet. Vì vậy, việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là hết sức cần thiết. Theo số liệu của Cục Trẻ em, trong năm 2022, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp xử lý những trường hợp này. Có thể thấy, đây là những con số đang báo động khẩn về vấn đề bảo vệ trẻ em trước những thông tin mạng độc hại hiện nay. Nguyên nhân dẫn đến những hệ quả trên là do trẻ em bị tác động lớn bởi công nghệ internet, môi trường mạng. Trước đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã gióng lên cảnh báo nguy cơ về những vấn đề liên quan đến tác động của trí tuệ nhân tạo, trong đó có ChatGPT đối với trẻ em và việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Hệ thống pháp luật Việt Nam đã có quy định pháp lý để góp phần bảo vệ an toàn và phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Tôi cho rằng, đây là một chính sách, chương trình rất kịp thời. Về phía Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chúng tôi cũng đã chủ động tham mưu cho Bộ trưởng để xây dựng các kế hoạch thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025". Biện pháp quan trọng để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong thời gian tới đó là duy trì và tiếp tục hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan để tạo cho trẻ em môi trường an toàn, không gian mạng lành mạnh. Bên cạnh đó, vai trò của xã hội, nhà trường và gia đình là rất cấp thiết qua việc giáo dục, truyền thông và nâng cao nhận thức cho trẻ em, thanh, thiếu niên, từ đó, các em có thể tự nhận biết và phân biệt, bảo vệ chính mình trên môi trường mạng.

THU THỦY (ghi)

Giờ tan trường của các em học sinh Trường Mầm non xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: HỒNG ANH

Giờ tan trường của các em học sinh Trường Mầm non xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: HỒNG ANH

Thiếu tá, bác sĩ NGUYỄN TÂM LONG, Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108:

Chăm sóc trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần

Không khó để nhận thấy, trẻ em thời nay có điều kiện đầy đủ về vật chất, phương tiện học tập, vui chơi hơn thế hệ bố mẹ, ông bà rất nhiều. Tuy nhiên, đời sống tinh thần của trẻ lại thực sự nghèo đi và gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc. Ước tính, trẻ em Việt Nam rối loạn phổ tự kỷ dao động từ 0,5% đến 1%. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay, cả nước có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ, tập trung chủ yếu ở trẻ em. Những con số thống kê về số ca trẻ được phát hiện mắc các bệnh rối loạn phát triển như tự kỷ, tăng động hay các bệnh lý trầm cảm... đã chứng minh rằng, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em chưa được quan tâm đúng mức trong một thời gian dài. Đây thực sự là một lỗ hổng lớn trong công cuộc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Vậy để lấp đầy lỗ hổng đó, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

Trước tiên, chúng ta cần hiểu sức khỏe tinh thần của trẻ chính là cách mà trẻ suy nghĩ, cảm nhận và hành động về thế giới xung quanh. Loại sức khỏe này bao gồm cảm xúc, tâm lý và xã hội của trẻ. Sức khỏe tinh thần tích cực sẽ giúp trẻ em có một tương lai tốt đẹp hơn. Để việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ được hiệu quả và lâu bền hơn, cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ. Cha mẹ nên lựa chọn các thực phẩm tốt cho sức khỏe như ngũ cốc nguyên cám; cá nhiều chất béo; rau, củ, quả tươi... Sử dụng các món ăn chế biến từ thực phẩm bảo đảm tại nhà, hạn chế cho trẻ dùng thức ăn nhanh, đồ ăn ngọt hoặc chiên rán. Cha mẹ nên cân bằng thời gian ngủ, nghỉ ngơi của trẻ với các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí. Khi ngủ đủ giấc, tinh thần của trẻ sảng khoái, giúp trẻ có thể hoạt động khỏe khoắn, tươi vui. Cho trẻ vận động đủ, thể dục-thể thao giúp tinh thần của trẻ thoải mái. Cha mẹ có thể đồng hành cùng con trong các hình thức tập luyện thể dục-thể thao như chạy bộ buổi sáng, chơi cầu lông, đạp xe.

Gia đình và nhà trường là hai đối tượng tiếp xúc và đồng hành cùng trẻ nhiều nhất, do đó, quý phụ huynh cùng các thầy, cô giáo cần có sự phối hợp cũng như có phương pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ hợp lý, khoa học để trẻ có thể phát triển mạnh khỏe, toàn diện nhất. Trước tình trạng thanh, thiếu niên mắc chứng tự kỷ, trầm cảm, tự tử... có xu hướng gia tăng, việc mở rộng dịch vụ tham vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần tại gia đình, cộng đồng cũng là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu, cần triển khai sớm và rộng khắp. Việc chăm sóc tinh thần và sức khỏe cho trẻ có ý nghĩa quan trọng với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, để các thế hệ tương lai được lớn lên, trưởng thành, có ích cho xã hội.

MAI HẰNG (ghi)

Cô và trò điểm trường Làng Lao, Trường Mầm non Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ảnh: HỒNG NGUYÊN

Cô và trò điểm trường Làng Lao, Trường Mầm non Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ảnh: HỒNG NGUYÊN

Cô giáo LÊ HẢI YẾN, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái:

Mong dần thay thế bữa ăn cặp lồng của học sinh vùng cao

Trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân ở đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân lớn nhất là do kinh tế kém phát triển dẫn đến bữa ăn của trẻ thiếu cả về số lượng và chất lượng. Khẩu phần ăn của trẻ không hợp lý, trẻ không ăn đủ bữa tối thiểu. Trong cặp lồng cơm của học sinh ở các điểm bản trường tôi thường xuyên vắng bóng thịt, cá, chỉ có cơm trắng, canh rau, vài củ gừng chấm muối. Tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi đã hạn chế khả năng học tập, lao động và đóng góp xây dựng, phát triển địa phương cũng như phát triển đất nước của trẻ em DTTS và miền núi.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải đã tham mưu ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng, chống suy dinh dưỡng cho học sinh DTTS giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn huyện Mù Cang Chải; giao chỉ tiêu, nhiệm vụ theo từng năm và cả giai đoạn cho từng đơn vị xã và đến tận các đơn vị trường; phối hợp, chỉ đạo các xã, các trường học mầm non vận động phụ huynh đóng góp kinh phí, tham gia cùng nhà trường nấu ăn cho các em, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ 2-5 bữa/tuần tại các điểm bản, dần thay thế bữa cơm cặp lồng, góp phần giảm tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân, nâng cao tầm vóc, thể trạng của trẻ.

Mặc dù cơ sở vật chất nhà ăn, nhà bếp của trường còn gặp nhiều khó khăn nhưng cứ bước vào năm học mới, Ban giám hiệu nhà trường luôn có kế hoạch kiểm kê trang thiết bị, đồ dùng phục vụ nấu ăn; bổ sung và thay thế các thiết bị, đồ dùng không bảo đảm an toàn; thường xuyên kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh ăn uống trong trường và lưu mẫu thức ăn theo quy định... Nhờ vậy, hằng năm, vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm trong nhà trường luôn được bảo đảm. Tôi mong muốn thời gian tới có thể nấu ăn cho tất cả các em học sinh ở các điểm bản, thay thế bữa cơm cặp lồng.

NGUYỄN HUYỀN (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chung-tay-cham-lo-cho-the-he-tuong-lai-729725