Chuẩn bị đón làn sóng xuất khẩu sầu riêng

Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường nước bạn. Lâm Đồng, là địa phương có diện tích sầu riêng lớn và xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nhiều năm trở lại đây đang cố gắng xây dựng các vùng trồng đạt chuẩn cũng như đáp ứng các nhu cầu để tham dự vào thị trường rộng lớn này.

Mùa sầu riêng Lâm Đồng

Mùa sầu riêng Lâm Đồng

Nghị định thư quy định, tất cả các vùng trồng, cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và được cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư này thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác. Cùng với các quy định về xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng và thối hỏng; phải áp dụng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng hóa chất hoặc sinh học và các biện pháp canh tác khác, kiểm tra và kiểm dịch thực vật nghiêm túc của phía Trung Quốc…, sầu riêng Việt Nam nói chung và sầu riêng Lâm Đồng nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn, đồng thời cũng là thách thức lớn.

Theo thông tin của ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, diện tích sầu riêng trong tỉnh khoảng 11.234 ha, sản lượng đạt khoảng 75.597,4 tấn. Riêng huyện Đạ Huoai là vùng trồng sầu riêng chủ lực của tỉnh với diện tích gần 4.000 ha, sản lượng hơn 25.000 tấn/năm. Trong đó, xã Hà Lâm chiếm khoảng 1.500 ha, được coi là “thủ phủ” sầu riêng của địa phương. Đưa sầu riêng Lâm Đồng xuất chính ngạch sang Trung Quốc là mong mỏi của nông dân và nông nghiệp địa phương.

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lâm Đồng, đơn vị đã rà soát các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đăng ký mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp, HTX, các đơn vị liên quan rà soát, đối chiếu điều kiện của vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng theo quy định của Tiêu chuẩn cơ sở về Thiết lập và giám sát vùng trồng, Tiêu chuẩn cơ sở về Thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói và Nghị định thư. Kết quả, hiện, Lâm Đồng có 1 doanh nghiệp là Công ty TNHH Long Thủy đã hoàn thiện hồ sơ về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo yêu cầu của Cục Bảo vệ thực vật và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào tháng 1/2022. Đồng thời, có 12 doanh nghiệp, HTX với diện tích 809,7 ha và 310 hộ đăng ký hoàn thiện hồ sơ sản xuất sầu riêng theo TCCS 774:2020/BVTV để sẵn sàng cung cấp thông tin khi có yêu cầu kiểm tra của phía Việt Nam cũng như Trung Quốc. Ngoài chuẩn bị sẵn sàng về mặt thủ tục, ngành Nông nghiệp cũng tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy, hướng dẫn nông dân về quy trình trồng và chăm sóc sầu riêng đúng chuẩn, đảm bảo không vi phạm các quy định do phía Trung Quốc yêu cầu, giảm nguy cơ ảnh hưởng tới sầu riêng Việt.

Về phía Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, đơn vị này cho hay cũng xúc tiến doanh nghiệp tham gia Lễ hội sầu riêng trong khuôn khổ Hội chợ Trung Quốc - ASEAN được tổ chức tại Nam Ninh, Trung Quốc. Đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp Lâm Đồng tham gia vào chuỗi cung ứng sầu riêng Trung Quốc - ASEAN. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Lệ Hường, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp của Sở Công thương tỉnh cho biết, thông qua kết nối của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp tỉnh Hồ Nam - Trung Quốc có nhu cầu tiếp xúc với doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng Việt Nam và Sở đang tích cực kết nối doanh nghiệp Lâm Đồng với doanh nghiệp Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh tìm kiếm đối tác và bạn hàng phù hợp. Theo dự tính, Sở sẽ kết hợp cùng VCCI tổ chức doanh nghiệp tỉnh Hồ Nam gặp gỡ doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng ngay tại vùng sầu riêng Lâm Đồng.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), từ năm 2010 đến nay, tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh, duy trì trung bình hàng năm hơn 16%. Tại Việt Nam, sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu khá nhiều sang Trung Quốc dưới dạng múi, đã tách vỏ và được cấp đông. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Việc chính thức ký Nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch giúp sầu riêng Việt có đầu ra bền vững.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202208/chuan-bi-don-lan-song-xuat-khau-sau-rieng-3129371/