Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng
Sáng 29/9, tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Các đại biểu cử tri nghe Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội cả nước; hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố từ sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đến nay và dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4 sắp tới.
Đại biểu đại diện cho đông đảo cử tri 37 xã, thị trấn của huyện Thủy Nguyên đã bày tỏ vui mừng và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trước triển vọng tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước theo báo cáo thống kê và đánh giá của các tổ chức quốc tế. Các đại biểu cũng phát biểu 10 ý kiến về nhiều vấn đề nổi bật, vừa mang tính bao quát, vừa mang tính cụ thể với sự quan tâm của đông đảo người dân.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cảm ơn những ý kiến đóng góp vừa mang tính đặc thù, nhưng nhiều ý kiến cũng mang tính tổng quát cả nước của các cử tri.
Chủ tịch Quốc hội cũng vui mừng thông báo về những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước thời gian qua.
Đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, nước ta vừa trải qua thời kỳ khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột giữa các nước trên thế giới. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến các địa phương, nước ta đã thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế quý III năm nay đạt mức 13,67%, 9 tháng tổng tăng trưởng GDP bình quân khoảng 8,83%. Nếu quý IV, chúng ta tập trung nỗ lực thì nước ta hoàn toàn khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả năm.
Cùng với đó, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã hoạt động tích cực, tham gia đóng góp nhiều ý kiến xác đáng trong công tác xây dựng các dự án luật, trong thực hiện các chương trình giám sát của Quốc hội và của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành nhiều thời gian để trả lời cặn kẽ các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Cử tri Đỗ Tiến Lợi, nguyên Phó Bí thư Thường trực huyện Thủy Nguyên đề nghị có cơ chế định giá thuốc, bảo đảm cung ứng đủ thuốc khám chữa bệnh, khắc phục tình trạng người có bảo hiểm y tế phải mua thuốc ngoài khá tốn kém, nhất là người nghèo; cơ chế, chính sách bảo đảm đời sống cho cán bộ, viên chức y tế, tránh việc thất thoát nguồn lực và thu hút được nhân tài cho ngành.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV cũng giao Chính phủ “tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế”. Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngành y tế thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong cung ứng thuốc, nhằm bảo đảo đủ thuốc khám chữa bệnh. Nhờ vậy, khó khăn đang từng bước được giải quyết, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế đã giảm, công tác đấu thầu thuốc đang tích cực được triển khai.
Cử tri Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền nêu ý kiến, với một số luật hiện nay đang được lấy ý kiến sửa đổi và bổ sung rộng rãi tới các cử tri và các cơ quan quản lý, nhà nước cần đưa ra cách nhìn rõ về việc luật chặt chẽ nhưng phải cụ thể hóa các điều khoản rõ hơn để giảm các văn bản nghị định, thông tư hướng dẫn và giảm được thủ tục hành chính giúp cho các cơ quan công quyền dễ thực hiện, dễ điều hành, doanh nghiệp và người dân cũng tham chiếu dễ dàng hơn.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận ý kiến và cho hay, Quốc hội đang triển khai thực hiện Đề án Quốc hội điện tử, trong đó thiết kế phần mềm (sử dụng trí tuệ nhân tạo) để tích hợp các luật, điều luật phục vụ cho việc rà soát, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về các vấn đề trong hệ thống pháp luật. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân. Tại Hội nghị Trung ương sắp tới có nội dung bàn về chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và việc phát triển doanh nghiệp Việt.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Phạm Văn San (xã Quảng Thanh) và nhiều ý kiến cử tri đều có chung ý kiến đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành nhanh chóng phê duyệt quy hoạch chung của thành phố Hải Phòng. Đây là một việc rất quan trọng, là cơ sở để thành phố công khai minh bạch quy hoạch và không để làm vướng thủ tục hành chính khi chưa có quy hoạch chung. Việc này thành phố Hải Phòng đã trình gần 2 năm qua vẫn chưa xong. Đồng thời, các cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục giám sát làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm chậm phê duyệt quy hoạch các địa phương trên cả nước thuộc về cơ quan, tổ chức hay từ phía các địa phương?
Chủ tịch Quốc hội xin ghi nhận ý kiến của cử tri, đây là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, do đó, Chủ tịch Quốc hội sẽ có ý kiến với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội cũng trả lời cụ thể các ý kiến về: bổ sung nội dung mới trong khám, chữa bệnh vào dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh; tình trạng cán bộ, bác sĩ ngành y bỏ việc; về tình trạng giáo viên nghỉ việc, thiếu giáo viên và công tác biên soạn sách giáo khoa; về bảo vệ môi trường; về phòng, chống bạo lực gia đình; về cải cách tiền lương và chế độ, chính sách với công chức, viên chức; về hỗ trợ doanh nghiệp; về công tác phòng cháy, chữa cháy; về nhà ở xã hội cho công nhân…
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc lao động di chuyển từ khu vực công sang khu vực tư và ngược lại, một bộ phận rời khỏi thị trường và một bộ phận khác gia nhập thị trường lao động là bình thường. Nhưng khi lực lượng bác sĩ, giáo viên di chuyển ra khu vực tư đông thì cần phải nghiên cứu xem có vấn đề gì bất thường không, nhất là về thu nhập.
Đặc biệt, về chính sách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội cho biết, do tác động của dịch bệnh nên lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại; mức lương cơ sở cũng chưa được thực hiện. Do vậy, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ bàn về việc sớm quay trở lại thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Trước mắt, khi chưa thực hiện cải cách tiền lương thì nên chăng cần tăng lương cơ sở. Nếu tình hình phát triển kinh tế khởi sắc thì ngân sách có điều kiện tích lũy để thực hiện chính sách cải cách tiền lương.