Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm

ĐBP - Để chủ động ngăn chặn, kiểm soát nguy cơ xâm nhiễm dịch cúm gia cầm (CGC), bảo vệ sản xuất và ngăn chặn các nguy cơ lây sang người, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp.

Cán bộ thú y xã Thanh An (huyện Điện Biên) tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã.

Ông Phùng Văn Sở, thôn Đồng Tâm, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) rất lo lắng cho đàn gà, ngan, vịt, chim cút, bồ câu hơn 800 con trước nguy cơ phát sinh dịch bởi thời gian cuối năm thương lái mua bán, vận chuyển nhiều. Chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh, ngoài việc hàng ngày cho ăn đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh chuồng trại, khử trùng bằng vôi bột, ông Sở đã tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia cầm; kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực chuồng nuôi.

Ông Sở cho biết: Để chăn nuôi gia cầm hiệu quả thì người chăn nuôi phải chủ động phòng chống dịch bệnh, không nên trông chờ hoàn toàn vào hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Cả cơ nghiệp của gia đình trông vào đàn gia cầm nên khi vừa biết thông tin dịch cúm gia cầm có nguy cơ tái phát, gia đình tôi đã chủ động đi mua vắc xin về tiêm phòng. Ngoài ra, tôi luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, bổ sung chất dinh dưỡng, sử dụng đèn sưởi giữ ấm cho gia cầm.

Huyện Điện Biên là một trong những địa phương có đàn gia cầm lớn với hơn 1 triệu con. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh CGC, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng dịch; tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm; tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường tại các khu vực chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia cầm và các sản phẩm của gia cầm.

Ông Vừ A Chía, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Đến nay, tại 12 xã vùng lòng chảo chăn nuôi tập trung gia cầm, thú y huyện triển khai tiêm trên 1 triệu liều vắc xin CGC. Trung tâm thường xuyên cử cán bộ đến các hộ dân để tuyên truyền phòng chống dịch, đặc biệt là các biện pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại, giám sát đàn gia cầm; khi có dấu hiệu chết bất thường phải báo ngay tới cơ quan chuyên môn.

Trên địa bàn tỉnh ta bệnh CGC vẫn đang được kiểm soát, từ năm 2015 đến nay không xảy ra bệnh CGC. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan trong thời gian tới rất cao do việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm tăng mạnh vào các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 phục vụ trước, trong và sau tết Nguyên đán. Trong năm đã tổ chức tiêm phòng vắc xin CGC khu vực ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao tại 12 xã lòng chảo huyện Điện Biên và 9 phường, xã thuộc TP. Điện Biên Phủ với tổng số 1.134.000 liều vắc xin trong 2 đợt tiêm phòng.

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có gần 4 triệu con gia cầm. Hạn chế trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao, chăn nuôi an toàn chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng tại nhiều nơi đạt thấp. Để chủ động ngăn chặn CGC, hạn chế thấp nhất vi rút CGC lây nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiệt hại cho ngành Chăn nuôi, Chi cục phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn cấp huyện theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm. Chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh chỉ đạo phòng, chống bệnh CGC. Duy trì chia sẻ thông tin dịch bệnh động vật với cơ quan y tế để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh lây truyền sang người. Đồng thời thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại gốc; phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm từ gia cầm.

Bài, ảnh: Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/201712/chu-dong-phong-chong-dich-benh-tren-dan-gia-cam