Chủ động chuyển đổi giống khi giá rau xanh 'hạ nhiệt'
Thời điểm từ giữa tháng 9 và nửa đầu tháng 10, giá rau xanh trên địa bàn TP. Thái Nguyên và những khu vực bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão tăng mạnh khi nhiều vùng sản xuất rau lớn bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, đến nay, giá rau xanh đã 'hạ nhiệt', thậm chí nhiều loại rau được bán rẻ 'như cho'.
Dạo quanh một số chợ ở khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên những ngày này, chúng tôi nhận thấy giá các loại rau xanh đều giảm 1/2 hoặc 1/3 so với 1 tháng trước. Một số loại củ, quả (như su hào, cà rốt, bí xanh…) vốn có giá bán cao (hơn 30 nghìn đồng/kg) nay đã giảm xuống còn 20 nghìn đồng/kg. Các loại rau chính vụ như cải thìa, cải canh, cải ngọt… có giá rẻ đến bất ngờ. Cụ thể, giá các loại rau cải chỉ từ 3.000 đến 5.000 đồng/mớ (khoảng 0,5kg).
Chị Nguyễn Thị Quế, ở vùng rau Túc Tiến, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên): Năm nay, thời tiết thuận lợi nên các loại rau cải phát triển tốt, năng suất đạt cao hơn những năm trước từ 20 đến 30%. Do nguồn cung tăng nên giá các loại rau bán buôn cũng giảm hơn so với tháng trước.
Bà Vũ Thị Hiền, một tiểu thương chuyên kinh doanh các loại rau xanh ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Giá các loại rau tôi nhập về bán thấp hơn trước rất nhiều. Với giá bán như hiện nay, người trồng rau không có lãi nhiều (chủ yếu lấy công làm lãi) nhưng người tiêu dùng được hưởng lợi.
Vậy là sau chuỗi ngày tăng cao, đến nay giá rau xanh đã “hạ nhiệt”. Trước đó, để bảo đảm nguồn cung ứng rau xanh, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo lực lượng cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân nhanh chóng vệ sinh đồng ruộng, đưa các giống rau xanh ngắn ngày vào trồng. Hiện nay, khi giá các loại rau xanh ngắn ngày giảm, người dân tại các vùng trồng rau chuyên canh của tỉnh, như Túc Duyên, Linh Sơn, Huống Thượng (TP. Thái Nguyên)… đã chuyển sang trồng các giống rau dài ngày hơn như su hào, cải bắp, súp lơ…
Mặc dù giá rau xanh ở các chợ đã “hạ nhiệt” nhưng tại siêu thị Minh Cầu (TP. Thái Nguyên) giá bán vẫn luôn ổn định. Đặc biệt, trong những ngày ảnh hưởng bởi bão số 3, các loại rau xanh tại đây cũng không tăng giá. Hiện nay, giá bán các loại rau xanh tại siêu thị vẫn duy trì ở mức từ 8.000-10.000 đồng/bó (trên dưới 0,5kg); các loại củ, quả có giá bán từ 25.000-30.000 đồng/kg.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Các loại rau, củ, quả bán tại siêu thị Minh Cầu đều được sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm. Hơn nữa, đơn vị cũng đã có lượng người tiêu dùng ổn định, là những khách hàng không quan tâm đến giá cả mà chỉ quan tâm đến chất lượng và độ an toàn của sản phẩm. Vì vậy, dù giá bán có đắt hơn ngoài chợ nhưng người tiêu dùng vẫn lựa chọn mua rau xanh tại đây.
Với mục tiêu nâng cao giá trị thu được trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, khoảng 5 năm trở lại đây, các địa phương trong tỉnh khuyến khích người dân tăng diện tích gieo trồng các loại rau trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Năm 2024, tổng diện tích trồng rau của tỉnh ước đạt 15.400ha, sản lượng ước đạt trên 288.200 tấn.
Tuy nhiên, cũng giống như các loại nông sản khác, thị trường rau xanh Thái Nguyên luôn nằm trong vòng xoay "được mùa, mất giá". Phần lớn các sản phẩm rau xanh trên địa bàn tỉnh chưa xây dựng được thương hiệu, không có nguồn gốc xuất xứ rõ rang. Việc áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch như hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP… mới chỉ dừng ở một số mô hình trồng rau xanh, chưa được phổ biến rộng trên địa bàn tỉnh.
Do vậy, để không còn điệp khúc "được mùa, mất giá", bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng thì rất cần sự vào cuộc một cách nghiêm túc của người dân. Đã đến lúc người dân cần có sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức sản xuất để các mặt hàng nông sản bảo đảm an toàn.
Đồng thời, tích cực quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua các sàn giao dịch điện tử, từ đó giúp mặt hàng này không chỉ được tiêu thụ tại chỗ mà còn vươn tới nhiều thị trường trong nước, nhất là cung ứng cho các siêu thị tại thủ đô Hà Nội, các tỉnh bạn như Bắc Kạn, Bắc Giang…