Chủ động bảo vệ sức khỏe trong mùa bão lụt

Phú Yên thuộc khu vực Nam Trung Bộ, là địa phương thường xảy ra bão lụt, dẫn đến nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người. Vậy làm thế nào để bảo vệ sức khỏe trong mùa bão lụt?

Bão lụt thường dẫn đến 5 nguy cơ đối với sức khỏe của con người: Đuối nước và chấn thương; bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm cần chăm sóc y tế lại không được cung ứng dịch vụ do giao thông bị chia cắt; cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe như bệnh viện, trạm y tế bị ảnh hưởng; thuốc men, điện... bị hư hỏng; sức khỏe tâm thần của người dân bị ảnh hưởng do lo lắng, căng thẳng và rối loạn tâm thần sau chấn thương...; nhiễm trùng vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm.

Sau lụt bão thường có các nguy cơ bị bệnh nhiễm khuẩn do nguồn nước nhiễm tác nhân gây bệnh, dịch vụ cung cấp điện nước khó đáp ứng theo nhu cầu, lương thực thực phẩm bị hư hỏng do úng ngập nên dễ bùng phát dịch bệnh từ thực phẩm. Các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa cũng dễ bùng phát do người dân tránh lũ lụt tập trung đông đúc tại một địa điểm. Bên cạnh đó, tình trạng vệ sinh không đảm bảo, thiếu dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm kém là những nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao.

Bốn loại bệnh nhiễm trùng hay gặp trong mùa bão lụt: Nhiễm trùng da do tổn thương, té ngã, vết cắt do kim loại, tre nứa...; bệnh về hô hấp như cúm, cảm lạnh, viêm phổi...; bệnh về tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, viêm ruột do nước và thực phẩm bị nhiễm bẩn; bệnh truyền từ động vật sang người hoặc qua véc tơ truyền bệnh (muỗi, bét, ve, bọ cắn truyền bệnh sang người) như bệnh do xoắn khuẩn, bệnh sốt rét, sốt xuất huyết...

Vì vậy mỗi người, mỗi gia đình trong điều kiện của mình chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng với phương châm càng sớm càng tốt ngay từ khi mới có nguy cơ, cụ thể:

Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để có biện pháp phòng chống bão lụt hiệu quả (gia cố, chằng chống nhà cửa...). Trước bão lụt nên chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước sạch đủ sử dụng trong thời gian ít nhất 7-10 ngày; chuẩn bị trước địa điểm an toàn có thể di dời khi cơ quan chức năng yêu cầu.

Khi bão lụt xảy ra: Không được ra ngoài nếu không có nhiệm vụ được giao hay không có các biện pháp bảo đảm an toàn; không vượt qua những nơi ngập nước, đập tràn, sông ngòi hay những nơi nước chảy xiết; tuyệt đối không được đi lại ở những nơi có nguy cơ sạt lở hay vượt qua sông suối, dù mực nước còn thấp; không được vớt củi trên sông suối khi đang lụt bão...

Sau bão lụt, các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền cho người dân về thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, ăn chín, uống chín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khử khuẩn nguồn nước, vệ sinh nhà cửa. Mỗi người dân thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra sau bão lụt như tả, lỵ, thương hàn, sốt phát ban, sốt xuất huyết, sốt rét, cảm cúm, viêm phổi, bệnh đau mắt đỏ, nấm chân tay...

BS NGUYỄN VINH QUANG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/322283/chu-dong-bao-ve-suc-khoe-trong-mua-bao-lut.html