Chống lãng phí để khơi thông nguồn lực phát triển
Để phòng, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã đặt mục tiêu quản lý chặt chẽ, giảm chi thường xuyên; thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng kinh phí các Chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng mục tiêu, đối tượng, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ tại Diễn đàn Bộ Công Thương “Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển” được tổ chức ngày 23/12, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên, và nhân dân phải ra sức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Người coi lãng phí còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng.
Thực hiện theo tư tưởng của Người, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện, cụ thể hóa những quan điểm này bằng các pháp lệnh, luật thực hiện hiện chống lãng phí. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tiết kiệm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.
Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, lãng phí còn diễn ra phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Diễn đàn được tổ chức nhằm lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ Công Thương trong thời gian tới.
Ngành Công Thương chiếm tỷ trọng rất lớn của nền kinh tế, nếu làm tốt nhiệm vụ tiết kiệm, chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước. Năm 2024, ngành Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, nổi bật như, đã tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp; tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; tách A0 ra khỏi EVN để đổi mới vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Đồng thời mở ra cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội.
Bộ cũng đã chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.
Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu song Bộ Công Thương xác định phải tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tại Diễn đàn, đại diện các Bộ, Ban ngành trung ương, các chuyên gia, các hiệp hội, doanh nghiệp đã phân tích, làm rõ thực trạng, thảo luận những khó khăn, vướng mắc; chia sẻ kinh nghiệm về lý luận cũng như thực tiễn; đề xuất các giải pháp thiết thực đẩy mạnh phòng chống lãng phí, tháo gỡ các điểm nghẽn cơ chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực, tạo sự phát triển đột phá của ngành Công Thương.
Qua đó góp phần quán triệt và lan tỏa những chỉ đạo, thông điệp mạnh mẽ và đổi mới của Đảng, của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí, giúp Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống lãng phí, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Theo chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đặt ra yêu cầu phải tăng cường ý thức trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các Tổng công ty, Công ty, các đơn vị hành chính, sự nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các đơn vị; xử lý nghiêm các hành vi gây ra thất thoát lãng phí; làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức.
Hằng năm, Bộ đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, năm 2021, Bộ đã ban hành 10 Chỉ thị, 06 Quyết định và nhiều văn bản liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Năm 2021, chi công tác phí tiết kiệm 4,5 tỷ đồng, 1,2 tỷ chi phí hội thảo, 1 tỷ đồng tiền khánh tiết, lễ hội, văn phòng phẩm, thông tin liên lạc 1,7 tỷ đồng. Các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Tổng công ty và công ty cổ phần nhà nước nắm giữ trên 50% vốn do Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu tiết kiệm tới 10,9 tỷ đồng.
Năm 2022, các tổng công ty đã tiết kiệm chi phí quản lý 290,479 tỷ đồng. Năm 2023, Văn phòng Bộ tiết kiệm chi ngân sách nhà nước 13,190 tỷ đồng (10,66% kinh phí giao); các tổng công ty tiết kiệm chi phí quản lý 765,901 tỷ đồng…/.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/chong-lang-phi-de-khoi-thong-nguon-luc-phat-trien-37289.html