Chống biến đổi khí hậu - Những kỳ vọng mong manh trước thềm COP 28

Giám đốc Johan Rockstrom của Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Hà Lan) nhận định COP28 là 'cơ hội cuối cùng cho cam kết đáng tin cậy để bắt đầu cắt giảm lượng khí CO2 sinh ra từ quá trình sử dụng nhiên liệu hóa thạch'. Tuy nhiên, kỳ vọng đó xem ra khá mong manh.

Trước thềm sự kiện lớn nhất trong năm bàn về chống biến đổi khí hậu - Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ diễn ra tại Dubai, từ 30/11-12/12 tới, Giám đốc Johan Rockstrom của Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Hà Lan) nhận định COP28 là “cơ hội cuối cùng cho cam kết đáng tin cậy để bắt đầu cắt giảm lượng khí CO2 sinh ra từ quá trình sử dụng nhiên liệu hóa thạch”. Tuy nhiên, với những gì diễn ra trước thềm Hội nghị, kỳ vọng đó xem ra khá mong manh.

Cơ hội đẩy nhanh hành động nhằm hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu

Đây có thể nói là kỳ vọng chung nhất, lớn nhất mà thế giới đang dành cho Hội nghị COP28 dự kiến diễn ra tại Dubai từ ngày 30/11 - 12/12 tới. Nguyên cớ của kỳ vọng này không gì khác vẫn là từ những hệ lụy ngày càng thảm khốc dẫn tới bởi biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nói như Chủ tịch COP 28, ông Sultan Al Jaber: “Chúng ta đang sống ở một khu vực có nắng nóng cực đoan, khan hiếm nước và mất an ninh lương thực. Chúng ta cũng đang phải chịu những tác động khắc nghiệt của khí hậu, từ hạn hán đến lũ lụt tàn khốc ở Derna”.

Gần đây, ngày 27/7, trong rất nhiều những tuyên bố mang tính cảnh báo gay gắt về biến đổi khí hậu toàn cầu, Tổng Thư ký Guterres đã nhấn mạnh: “Khi các đám cháy rừng hoành hành khắp Nam Âu, Bắc Phi, các nhà khoa học khí hậu hàng đầu của LHQ cho biết hầu như chắc chắn rằng tháng 7/2023 sẽ là tháng nóng nhất phá vỡ mọi kỷ lục. Biến đổi khí hậu là đây. Nó thật đáng sợ và đó mới chỉ là sự khởi đầu. Hậu quả của nó sẽ rất bi thảm với trẻ em, với các gia đình mất nhà cửa trong đám cháy và với người lao động phải làm việc trong cái nóng như thiêu đốt. Còn đối với toàn bộ hành tinh, đó là một thảm họa”.

Cũng theo người đứng đầu LHQ, biến đổi khí hậu là hiển nhiên nhưng chúng ta vẫn có thể ngăn chặn điều tồi tệ nhất, thông qua việc tăng mạnh đầu tư thích ứng trên toàn cầu để cứu hàng triệu người khỏi tác động của biến đổi khí hậu, nhất là ở các nước đang phát triển, đẩy mạnh hành động vì khí hậu và công bằng khí hậu.

Cảnh báo thời tiết cực đoan đã được ban bố khắp châu Âu hồi tháng 7/2023. Ảnh: AFP

Từ thực tế đó, theo tiết lộ của Chủ tịch COP28, ông Sultan Al Jaber, thích ứng với biến đổi khí hậu phải là vấn đề hàng đầu cũng như trọng tâm của chương trình nghị sự của Hội nghị COP28 vào cuối năm nay, rằng “vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ được các nhà lãnh đạo thảo luận sâu sắc hơn” tại Hội nghị. Cũng theo hé lộ của Chủ tịch COP28, một hội nghị khí hậu cấp địa phương sẽ diễn ra trong khuôn khổ COP28, nhằm thúc đẩy vai trò của chính quyền địa phương trong hành động khí hậu.

Hội nghị có tên gọi “Hội nghị hành động khí hậu địa phương COP28”, dự kiến sẽ do Chủ tịch COP28 Sultan Ahmed Al Jaber và tỷ phú Michael Bloomberg đồng chủ trì. Trước đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trong một tuyên bố đã đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò vô cùng quan trọng của các thành phố trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, rằng việc điều động và trang bị cho các chính quyền địa phương năng lực và tài chính để đẩy nhanh hành động khí hậu đóng vai trò mấu chốt nếu muốn giảm lượng khí thải.

Khó khăn trong đàm phán về khí hậu tại COP28

Đó là cảnh báo của Ủy viên phụ trách hành động khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Wopke Hoekstra bên lề cuộc họp sơ bộ ngày 30/10 tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) trước thềm Hội nghị COP28.

Theo ông Wopke Hoekstra, việc đạt được thỏa thuận để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu đang cấp thiết hơn bao giờ hết, nhưng cũng khó khăn hơn bao giờ hết trong bối cảnh các nước đang đứng trước thách thức lớn chưa từng thấy để đạt được đồng thuận về vấn đề khí hậu khi cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đang leo thang, trong khi cuộc xung đột tại Ukraine và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Không chỉ là lời cảnh báo châu Âu, Chủ tịch Hội nghị COP28, ông Sultan Al Jaber cũng cho rằng thế giới đang chậm chân trong cuộc đua đạt được các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu.

Trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic trong một tuyên bố ngày 29/8 cho biết Liên minh châu Âu (EU) - nơi vẫn được coi là châu lục quyết liệt nhất trong mục tiêu chống biến đổi khí hậu, từng xây dựng cả một quỹ có tên gọi là “quỹ chuyển đổi công bằng” trị giá 17,5 tỷ euro (hơn 18,9 tỷ USD) để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng do việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch - sẽ không giảm tham vọng trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, EU cũng đang bộc lộ nhiều sự chia rẽ trong các mục tiêu về khí hậu. Đơn cử như trong khi một số nước châu Âu muốn EU đề nghị giảm dần tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch thì một một số quốc gia khác như CH Séc, Hungary, Italy, Malta, Ba Lan và Slovakia lại muốn giảm khí nhà kính do đốt nhiên liệu hóa thạch bằng cách vẫn duy trì sử dụng than đá, khí đốt và dầu mỏ nhưng áp dụng công nghệ để hạn chế phát thải. Hay trong khi Pháp và Hà Lan đang muốn EU đề nghị xóa bỏ cơ chế trợ cấp nhiên liệu hóa thạch này vào năm 2025, thì các nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như Ba Lan lại không muốn đặt một thời hạn cụ thể.

Công nhân làm mát dưới trời nắng nóng ở Sevilla, Tây Ban Nha, ngày 17/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết có 66% khả năng mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu hằng năm sẽ vượt quá 1,5 độ C ít nhất một lần từ nay đến năm 2027. Tổ chức tư vấn Chatham House (Anh), một loạt thảm họa có thể xảy ra khi khủng hoảng khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ, lạm phát lương thực có thể tăng lên khi mùa màng thất bát do nhiệt độ cao hơn. Các bệnh phát triển mạnh trong môi trường nóng, như Ebola và bệnh thủy đậu, cũng có thể lây lan khi biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Nhà kinh tế học Nouriel Roubini thì cho rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa siêu lớn - một phần của nhóm các tác nhân đang kéo chậm nền kinh tế thế giới.

Cháy rừng tại Loutraki, Hy Lạp, ngày 17/7/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Quyết liệt như EU mà cũng đang chia năm xẻ bảy trong cách thức, quan điểm chống biến đổi khí hậu thì xem ra cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu nói chung, Hội nghị COP 28 nói riêng, còn khó đạt được những mục tiêu mà nhân loại đang mong muốn, kỳ vọng.

Tuy vậy, trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt đang đến mức độ trở thành “bình thường mới”, nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu của thế giới sẽ ngày càng cấp bách và không thể không đạt được mục tiêu khả quan nào. Các nhà khoa học đang thúc giục cộng đồng quốc tế cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nếu không muốn hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng.

Hiện thế giới đang trên đà nóng lên 2,5 độ C vào năm 2100, bất chấp các cam kết hiện nay, cơ hội duy trì giới hạn 1,5 độ C đang “thu hẹp nhanh chóng”. Nhưng như cảnh báo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nếu không hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C thì những tác động tai hại nhất của biến đổi khí hậu vẫn còn sẽ tiếp tục. Vì thế, để có một hành tinh xanh, bền vững cho tất cả, mục tiêu duy trì giới hạn 1,5 độ C là phải là mục tiêu “không thể thương lượng”.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chong-bien-doi-khi-hau--nhung-ky-vong-mong-manh-truoc-them-cop-28-post271697.html