Chiến đấu cơ F-16 sẽ có tác động như thế nào đến xung đột Nga-Ukraine?

Phi công Ukraine lái chiến đấu cơ F-16 sẽ đối mặt với sự khác biệt rõ rệt giữa nhiệm vụ huấn luyện và nhiệm vụ chiến đấu thực tế.

Khi các nhà quan sát chờ đợi sự xuất hiện của những chiếc F-16 trên bầu trời Ukraine, ông Keith Rosenkranz, một phi công đã thực hiện 30 nhiệm vụ trên chiếc máy bay phản lực này trong Chiến tranh vùng Vịnh, đưa ra lời cảnh báo đối với các phi công Ukraine, những người sẽ lái chúng.

“Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện về thả bom vào một mục tiêu giả hoặc giao chiến với các máy bay khác nhau trong tình huống không đối không là một chuyện”, ông Rosenkranz nói với RFE/RL. “Thực hiện một trong hai điều này trên thực tế, khi đối mặt với kẻ địch đang muốn tiêu diệt mình, là một chuyện khác”.

Khoảng cách từ huấn luyện đến thực tế

Truyền thông gần đây đưa tin Kiev, sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng sẽ nhận được những chiếc F-16 đầu tiên từ các đồng minh phương Tây vào tháng 6 hoặc tháng 7. Theo đó, Ukraine sẽ là quốc gia mới nhất được trang bị máy bay phản lực, có tên chính thức là F-16 Fighting Falcon, nhưng sẽ có các biến thể khác nhau từ các đối tác khác nhau. Loại phổ biến nhất là F-16AM/BM Block 15.

Ông Rosenkranz, người đã viết một cuốn sách về kinh nghiệm chiến đấu của mình khi còn là phi công lái máy bay F-16, nói rằng các phi công Ukraine, ít nhất là ban đầu, sẽ gặp bất lợi so với các phi công Nga.

Vị cựu phi công cho biết, các phi công F-16 của Ukraine sẽ gặp khó khăn rất lớn khi thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu nếu không có thời gian dài trực tiếp điều khiển máy bay phản lực”.

Theo ông, một phi công Mỹ chỉ thực hiện chuyến bay đầu tiên sau khi trải qua hơn 1.200 giờ bay trên máy bay huấn luyện, sau đó là hơn một năm phục vụ phi chiến đấu trên chiếc F-16. Ngay cả với thời gian trải nghiệm với F-16 kéo dài như vậy, những nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên của phi công này vẫn rất “đáng sợ”.

“Nga có các hệ thống phòng không có năng lực, chẳng hạn như hệ thống S-400. Các phi công chiến đấu giàu kinh nghiệm của họ sẽ có lợi thế hơn các phi công F-16 của Ukraine, những người có ít thời gian lái máy bay phản lực hơn. Như tôi đã nói, có sự khác biệt rõ rệt giữa nhiệm vụ huấn luyện và nhiệm vụ chiến đấu thực tế”, ông Rosenkranz cho biết.

Vị cựu phi công lưu ý rằng sẽ mất khoảng 1 năm lái F-16 trước khi các phi công Ukraine hoàn toàn làm chủ được chiến đấu cơ này. “Ngay cả với điều đó, tôi cũng không tin rằng họ sẽ có lợi thế hơn người Nga”, ông nói.

Một chiếc F-16 Fighting Falcon được biên chế về Phi đoàn 162 của Căn cứ Không quân Vệ binh Quốc gia Morris ở Tucson, Arizona, Mỹ. Ảnh: Air Force Times

Một chiếc F-16 Fighting Falcon được biên chế về Phi đoàn 162 của Căn cứ Không quân Vệ binh Quốc gia Morris ở Tucson, Arizona, Mỹ. Ảnh: Air Force Times

F-16 ban đầu được thiết kế cho chiến đấu quần vòng (dogfight), chiếm ưu thế trên không và bắn hạ các máy bay phản lực khác, sử dụng pháo xoay có khả năng bắn 100 viên đạn 20 mm mỗi giây.

Nhưng với hệ thống radar và tên lửa mạnh mẽ mà các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 ngày nay được trang bị, những chiếc F-16 do Ukraine điều khiển khó có khả năng phải đối mặt với kiểu không chiến trực diện từng thấy trong các cuộc xung đột trước đây.

Vai trò của F-16 ở Ukraine sẽ là một loại “hệ thống pháo binh tầm xa và rất linh hoạt”, ông David Kern – một cựu phi công F-16 với hàng nghìn giờ kinh nghiệm lái tất cả các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 do Không quân Mỹ vận hành – nói với RFE/RL.

Ông Kern, người hiện đang huấn luyện phi công sử dụng hệ thống kiểm soát bay “fly-by-wire” tương tự được sử dụng trên F-16, cho biết các máy bay phản lực của Mỹ có thể sẽ được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên không như máy bay không người lái (UAV/drone) cỡ lớn và tên lửa hành trình của Nga, cũng như các mục tiêu trên bộ như “các tuyến đường tiếp tế, tuyến hậu cần và bất kỳ sự tập trung lực lượng nào của Nga”.

“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Ukraine sử dụng F-16 để tấn công Nga bằng cách thực hiện một số cuộc tấn công rất sâu vào lãnh thổ Nga nhằm vào các mục tiêu chiến lược”, vị cựu phi công Mỹ cho biết thêm.

Không làm thay đổi đáng kể động lực

Sau khi lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên cùng đội ngũ phi công và nhân viên mặt đất trở về Ukraine trong những ngày hoặc tuần tới, Kiev được cho là sẽ có tổng cộng khoảng 20 phi công được đào tạo và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu vào cuối năm 2024. Con số này là quá ít so với số máy bay dự kiến được chuyển giao.

Theo bản cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) công bố ngày 6/6, những hạn chế tại các cơ sở đào tạo phi công phương Tây đang đặt ra thách thức không nhỏ, khiến số lượng phi công Ukraine mà họ có thể đào tạo là rất ít.

Tổng thống Ukraine đã lưu ý rằng đất nước ông cần 120-130 máy bay như vậy để đạt được sự ngang bằng trên không với Nga. Tuy nhiên, bản cập nhật của ISW cho rằng Ukraine có thể chưa có một phi đội đầy đủ gồm 20 máy bay và 40 phi công cho đến cuối năm 2025.

Tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington cảnh báo rằng việc sử dụng hiệu quả các máy bay F-16 do phương Tây cung cấp sẽ bị hạn chế cho đến khi “đủ số lượng phi công Ukraine cần thiết hoàn thành khóa huấn luyện”.

Hình ảnh một chiếc F-16 được chỉnh sửa photoshop với một phi công Ukraine lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: EurAsian Times

Hình ảnh một chiếc F-16 được chỉnh sửa photoshop với một phi công Ukraine lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: EurAsian Times

Ở bên kia chiến tuyến, một công ty Nga treo giải thưởng khổng lồ cho ai bắn hạ được bất kỳ máy bay F-16 nào của Ukraine, trang Bulgarian Military đưa tin hôm 9/6.

Theo trang tin quân sự, ông Sergey Shmotyev, Giám đốc Công ty Ural Fores, đã công bố phần thưởng trị giá 15 triệu Rúp (167.700 USD) cho chiếc máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên bị bắn hạ và 500.000 Rúp (5.591 USD) cho mỗi chiếc máy bay tiếp theo.

Ông Shmotyev cũng nhấn mạnh rằng trước đây họ đã đưa ra phần thưởng cho việc tiêu diệt xe tăng phương Tây: 5 triệu Rúp (55.910 USD) cho chiếc xe tăng đầu tiên và 500.000 Rúp (5.591 USD) cho mỗi chiếc sau đó.

Nhiều nhà phân tích quân sự và các quan chức quân sự phương Tây thừa nhận rằng việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine dự kiến sẽ không làm thay đổi đáng kể động lực của cuộc xung đột, trang Bulgarian Military cho biết.

Trong một tuyên bố trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur đã đề cập rằng hiện tại không có sự đồng thuận trong Liên minh châu Âu (EU) về việc gửi quân nhân đến Ukraine, chủ yếu là do sự phản đối của nhiều quốc gia.

Minh Đức (Theo RFE/RL, Bulgarian Military, EurAsian Times)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chien-dau-co-f-16-se-co-tac-dong-nhu-the-nao-den-xung-dot-nga-ukraine-a667631.html