Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên: Giữ rừng là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng kiểm lâm

Chi cục Kiểm lâm Hà Nội xác định, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm, nên ứng trực 24/24 giờ trong cao điểm mùa khô và nắng nóng...

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên. Ảnh: Hoàng Văn

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên. Ảnh: Hoàng Văn

Nhân dịp kỷ niệm 51 năm Ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2024), phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên về nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, nhằm bảo vệ tốt “lá phổi xanh” của Thủ đô.

- Hiện trạng rừng ở Hà Nội đến thời điểm này như thế nào, thưa ông?

- Theo Quyết định số 1124/QĐ-UBND ngày 29-3-2024 của UBND thành phố Hà Nội về công bố hiện trạng rừng năm 2023, toàn thành phố có tổng diện tích rừng và diện tích chưa thành rừng là gần 27.075ha. Rừng của Hà Nội được phân bố ở 6 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây.

Trong số này, diện tích có rừng là gần 18.520ha, tỷ lệ che phủ đạt 5,57%, bao gồm diện tích rừng tự nhiên khoảng 7.593ha và rừng trồng 10.926ha. Diện tích chưa thành rừng hơn 8.555ha, trong đó diện tích đã trồng rừng nhưng chưa đạt tiêu chí trở thành rừng là 993ha, diện tích khoanh nuôi tái sinh gần 316ha và diện tích khác khoảng 7.246ha.

- Năm 2024, hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu gây ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Vậy ngành Kiểm lâm đã tham mưu thành phố Hà Nội triển khai những phương án, kế hoạch bảo vệ diện tích rừng như thế nào?

- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhiệt độ trong quý I-2024 tại các khu vực trên cả nước đều cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1,5 độ C.

Tháng 4-2024, tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nhiệt độ cao từ 3,1 đến 3,6 độ C, các khu vực khác cao hơn từ 1,6 đến 2,4 độ C so với trung bình nhiều năm. Đây là nguyên nhân gây cháy rừng cao ở các địa phương, trong đó có Hà Nội.

Do vậy, để bảo vệ diện tích rừng hiện có, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội ban hành Kế hoạch số 02/KH-SNN ngày 3-1-2024 về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt, ngày 26-4-2024, Chi cục tham mưu UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ động vật, thực vật hoang dã trên địa bàn thành phố Hà Nội…

Ngoài ra, Chi cục còn tham mưu nhiều văn bản gửi các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã có rừng tăng cường công tác bảo vệ rừng đầu mùa khô hanh, lễ hội, những đợt nắng nóng kéo dài; đồng thời, yêu cầu các huyện, thị xã có rừng ban hành kế hoạch quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy để thực hiện.

Chi cục cũng yêu cầu 100% chủ rừng và UBND cấp xã ban hành phương án quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, sẵn sàng huy động ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.

Diễn tập phòng, chống cháy rừng tại Ba Vì giúp lực lượng kiểm lâm nâng cao kỹ năng xử lý các đám cháy rừng. Ảnh: Hoàng Sơn

Diễn tập phòng, chống cháy rừng tại Ba Vì giúp lực lượng kiểm lâm nâng cao kỹ năng xử lý các đám cháy rừng. Ảnh: Hoàng Sơn

- Từ những chỉ đạo trên, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ở Hà Nội đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

- Nhờ sự chỉ đạo sâu sát của các cấp, ngành và sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, nên số vụ cháy rừng, phá rừng trên địa bàn thành phố giảm mạnh.

Qua thống kê cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố mới xảy ra 2 vụ cháy rừng, diện tích khoảng 2ha, chủ yếu cháy thực bì dưới tán, cây keo, bạch đàn tái sinh. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2023, toàn thành phố xảy ra hơn 20 vụ cháy rừng, ảnh hưởng đến hàng chục héc ta rừng.

Về số vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, tính đến ngày 20-5, Chi cục xử lý 23 vụ vi phạm, giảm 10 vụ so với cùng kỳ. Qua đó, thu nộp ngân sách nhà nước 366.250.000 đồng. Ngoài ra, công tác phát triển rừng cũng được các địa phương và chủ rừng chú trọng triển khai. Trong đó, diện tích rừng trồng mới trên địa bàn thành phố là 10ha và trồng lại sau khai thác được 55ha...

- Theo ông, thời gian tới, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngành Kiểm lâm triển khai những nhiệm vụ trọng tâm gì?

- Chúng tôi xác định, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm.

Do đó, để phát huy kết quả, hạn chế số vụ phá rừng, cháy rừng xảy ra, Chi cục tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện công vụ tại Chi cục và các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; phối hợp lực lượng kiểm lâm các tỉnh lân cận bảo vệ tốt diện tích rừng giáp ranh; thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng trong nhân dân về bảo vệ rừng; thường trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ trong cao điểm hanh khô và nắng nóng...

Ngoài nhiệm vụ trên, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các huyện, thị xã có rừng hỗ trợ lực lượng kiểm lâm trong công tác kiểm tra, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; chỉ đạo các sở, ngành liên quan hoàn thiện công tác giao đất gắn với giao rừng; điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) và tổ chức cắm mốc ranh giới rừng ngoài thực địa trên địa bàn các huyện, thị xã có rừng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chi-cuc-truong-chi-cuc-kiem-lam-ha-noi-le-minh-tuyen-giu-rung-la-nhiem-vu-trong-tam-cua-luc-luong-kiem-lam-666935.html