Chào đời trong khu cách ly
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 khốc liệt, nhiều em bé đã được sinh ra an toàn tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly đặc biệt. Tiếng khóc chào đời của các em không chỉ là niềm hạnh phúc, là sức mạnh giúp người mẹ vượt lên hoàn cảnh, chiến đấu với bệnh tật mà còn là động lực để các chiến sĩ áo trắng thêm vững tin, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.
Những ca "vượt cạn" đặc biệt
Mắc Covid-19 khi đang mang thai ở tuần thứ 38 của thai kỳ, được sự trợ giúp của các y, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, thành phố Vĩnh Yên, đầu tháng 3/2022 vừa qua, chị Ng.T.N.H, xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường đã sinh một bé trai kháu khỉnh nặng 3,3kg.
Không giấu nổi niềm xúc động khi sinh con trong hoàn cảnh đặc biệt, chị H cho biết: “Trong thời khắc “vượt cạn”, tôi luôn được các bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện theo dõi sức khỏe sát sao và được động viên tinh thần để có thể đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cuộc chuyển dạ.
Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc con cất tiếng khóc chào đời, không gian như bừng sáng. Bế em bé trên tay là một cán bộ y tế với bộ đồ bảo hộ màu xanh, đôi mắt ánh lên nét rạng ngời. Khi con cất tiếng khóc, dù vừa trải qua cuộc vượt cạn vô cùng đau đớn, nhưng dường như xung quanh tôi chỉ còn là niềm hạnh phúc vỡ òa. Sinh con trong hoàn cảnh đặc biệt, nên tôi đặt tên con là Quốc Tuấn với mong muốn em bé sẽ luôn khỏe mạnh, tài giỏi”.
Cũng giống như chị Ng.T.N.H, chị L.T.C, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường cũng sinh con khi đang mắc Covid-19. Trong quá trình nhiễm vi rút, chị bị sốt khiến nhịp tim thai tăng cao. Theo dõi sát tình hình sức khỏe của hai mẹ con, các bác sĩ tại khu cách ly đặc biệt của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông (Hà Nội) đã đưa ra quyết định phải tiến hành can thiệp y tế để mổ lấy thai nhằm đảm bảo tính mạng, sự an toàn cho bà mẹ và em bé.
Sản phụ L.T.C cho biết: “Cuộc mổ lấy thai diễn ra rất khẩn trương và nhanh chóng. Khi biết tình trạng của mình, tôi đã rất lo lắng, tuy nhiên, với sự động viên của các y, bác sĩ, tôi đã lấy lại được tinh thần để chuẩn bị tốt nhất cho ca phẫu thuật. Sau ca mổ, sức khỏe của tôi và em bé đều ổn định.
Vì vẫn còn dương tính với Covid-19, nên những ngày đầu sau khi mổ lấy thai, tôi tạm thời phải xa con để tránh lây nhiễm cho bé, tuy nhiên, các điều dưỡng bệnh viện vẫn thường xuyên cho tôi nhìn ảnh con, thông báo về tình hình sức khỏe của bé giúp tôi an tâm và tin tưởng”.
Đảm bảo mọi điều kiện an toàn
Theo thống kê của Bệnh viện dã chiến tỉnh số 2, từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị, theo dõi sức khỏe cho hàng trăm trường hợp phụ nữ mang thai mắc Covid-19. Trong đó, các y, bác sĩ của bệnh viện đã đỡ đẻ và phẫu thuật mổ lấy thai cho hơn 150 trường hợp.
Bác sĩ Trần Trung, phụ trách công tác điều trị tại bệnh viện cho biết: “Nhằm thực hiện tốt công tác điều trị Covid-19 cho phụ nữ mang thai và trẻ em, Bệnh viện dã chiến tỉnh số 2 đã được chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất và trang thiết bị với hệ thống phòng sinh, phòng mổ lấy thai đủ tiêu chuẩn cùng các thiết bị máy móc hiện đại.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng được bố trí đội ngũ nhân lực là kíp bác sĩ sản khoa, bác sĩ phẫu thuật, gây mê hồi sức giàu kinh nghiệm để có thể kịp thời ứng phó với các tình huống bất thường.
Thực tế cho thấy, đa phần phụ nữ mang thai mắc Covid-19 đều chưa tiêm vắc xin nên bệnh tình dễ chuyển biến nặng, đe dọa tính mạng bà mẹ và thai nhi, vì vậy, chúng tôi phải luôn theo dõi sát sao sức khỏe cho thai phụ.
Trong một số tình huống, bà mẹ bị suy hô hấp nặng khiến nhịp tim thai tăng cao bất thường hoặc bị suy thai, do đó, bắt buộc phải can thiệp mổ lấy thai sớm. Trước mỗi ca mổ lấy thai, tất cả ê kip đều phải tự trấn an tinh thần và nỗ lực hết sức, không để xảy ra bất kỳ tai biến nào.
Rất may, tính đến thời điểm hiện tại, 100% sản phụ sinh con tại Bệnh viện dã chiến tỉnh số 2 đều an toàn, sức khỏe bà mẹ và em bé sau sinh ổn định.
Mỗi khi được nghe tiếng khóc chào đời của các thiên thần nhỏ, chúng tôi đều không giấu được niềm xúc động. Đối với các bà mẹ, giây phút ấy cũng thật thiêng liêng; nhiều sản phụ sau khi được nhìn thấy gương mặt con, sức khỏe có sự chuyển biến diệu kỳ, nhờ sức mạnh thiêng liêng của tình mẫu tử…!”.
Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Trần Trung, nhằm chống lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho em bé, sau sinh, đa phần các bé đều được tách mẹ và được chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại Khoa Sơ sinh vì hầu hết các bà mẹ vẫn còn dương tính với Covid-19. Với những sản phụ đã được điều trị âm tính, các bà mẹ và trẻ sơ sinh sẽ được tiếp xúc da kề da để giúp em bé cảm nhận được hơi ấm của tình mẫu tử ngay khi vừa lọt lòng.
Trong một số trường hợp, một số trẻ sơ sinh bị suy hô hấp, nhiễm khuẩn… các bác sĩ phải nhanh chóng tiến hành các biện pháp cấp cứu và điều trị kịp thời. Đối với trẻ sinh non nhẹ cân được nuôi dưỡng trong lồng kính, lúc này, các điều dưỡng của bệnh viện trở thành người mẹ thứ hai của con, lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em bé.
Trong một số trường hợp khẩn cấp, sau ca mổ, sản phụ gặp nguy kịch do nồng độ oxy trong máu giảm đột ngột, lúc bấy giờ, các y, bác sĩ bệnh viện lại tiếp tục chiến đấu với tử thần để giành giật sự sống cho sản phụ.
Tham gia đỡ đẻ, phẫu thuật mổ lấy thai cho sản phụ mắc Covid-19 là trực tiếp đối diện với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Thế nhưng, vì tinh thần trách nhiệm với nghề, vì tình yêu với các thiên thần nhỏ, nên dù trong hoàn cảnh nào, các chiến sĩ áo trắng vẫn luôn trọn tâm, nhiệt huyết để đảm bảo sự an toàn cho bà mẹ và em bé.
Hạnh phúc hiện hữu trong gian khó, những tiếng khóc chào đời của các em bé trong khu cách ly đặc biệt đã thắp lên niềm tin và hy vọng về một ngày mai không còn dịch bệnh.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/75113/chao-doi-trong-khu-cach-ly.html