Chấn chỉnh bất cập trong hoạt động bổ trợ tư pháp (Bài 1)

Những năm gần đây, các hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (BTTP) trên địa bàn Đồng Nai xảy ra nhiều tồn tại, hạn chế cần chấn chỉnh, nhất là trong hoạt động công chứng, luật sư, đấu giá tài sản. Do vậy, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề BTTP và kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.

Ông V.V.T. (nguyên công chứng viên Phòng Công chứng số 3, tại phường Xuân Hòa, thành phố Long Khánh) bị cơ quan chức năng bắt tạm giam, hiện đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Ảnh: CTV

Ông V.V.T. (nguyên công chứng viên Phòng Công chứng số 3, tại phường Xuân Hòa, thành phố Long Khánh) bị cơ quan chức năng bắt tạm giam, hiện đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Ảnh: CTV

Bài 1: Từ những lá đơn 'cầu cứu' của người dân

Thời gian qua, số lượng đơn thư “cầu cứu” cũng như phản ánh, tố cáo của công dân gửi đến các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan đến lĩnh vực BTTP ngày càng nhiều, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, tư pháp, hoạt động của các tổ chức hành nghề BTTP.

Vào cuộc làm rõ sai phạm

Một số tổ chức, cá nhân hành nghề luật sư (HNLS) đã không thực hiện đúng trách nhiệm nghề nghiệp, vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư. Đặc biệt, một số tổ chức, cá nhân HNLS đã lợi dụng “khe hở” của pháp luật cũng như sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân để làm những việc trái pháp luật, gây thiệt hại cho người dân. Từ đó, người dân phải “cầu cứu” các cơ quan chức năng nhờ vào cuộc can thiệp giải quyết quyền lợi.

Điển hình mới đây là trường hợp của gia đình bà V.T.L. (ngụ huyện Thống Nhất). Theo nội dung đơn bà V.T.L. trình bày, thông qua giới thiệu của người quen, bà V.T.L. liên hệ luật sư L. (ngụ huyện Thống Nhất) nhờ tham gia bào chữa tại phiên tòa nhằm giúp các con của bà được giảm mức phạt. Luật sư này đã ra mức giá hàng trăm triệu đồng và hứa sẽ giúp được việc cho các con của bà. Tuy nhiên, luật sư L. đã nhận tiền của bà V.T.L. mà không thực hiện theo đúng thỏa thuận ban đầu đưa ra nên bà làm đơn gửi các cơ quan chức năng nhờ đứng ra giải quyết vụ việc.

Cuối năm 2024, bà N.T.N. (ngụ thành phố Biên Hòa) có đơn gửi đến các cơ quan chức năng phản ánh, vào năm 2022, bà N.T.N. đã tìm đến VPLS N.N. (tại thành phố Biên Hòa) nhờ hỗ trợ pháp lý cho bà khởi kiện vụ việc ra tòa để đòi tài sản (liên quan đến việc hùn vốn làm ăn). Tại đây, bà N.T.N. gặp và làm việc với luật sư V., hai bên thống nhất mức thù lao cho luật sư là 100 triệu đồng (chuyển trước 50 triệu đồng, 50 triệu đồng còn lại sẽ trả sau khi kết thúc vụ việc).

Do nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế nên bà N.T.N. không biết đến việc phải làm hợp đồng dịch vụ pháp lý nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa các bên, trong khi phía luật sư cũng không ký hợp đồng dịch vụ pháp lý. Kết quả, vụ việc đòi tài sản của bà N.T.N. không được luật sư V. thực hiện đúng như thỏa thuận ban đầu mà hai bên đặt ra nên bà N. đã làm đơn phản ánh.

Lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết, chủ trương của sở rất quyết liệt trong việc không dung túng sai phạm trong lĩnh vực BTTP. Cho nên, trong các đợt kiểm tra vừa qua, sở làm rõ một số nội dung quan trọng, trong đó chú trọng kiểm tra các tổ chức, cá nhân có nhiều đơn thư tố cáo của công dân để có căn cứ xử lý các sai phạm theo quy định.

Cụ thể, đối với đơn tố cáo của bà V.T.L., Sở Tư pháp vào cuộc và phát hiện một số sai phạm của luật sư L. như: nhận làm dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho người dân nhưng không ký kết hợp đồng ràng buộc giữa các bên; nhận thực hiện dịch vụ pháp lý với tư cách cá nhân, trong khi ông L. làm việc tại một tổ chức HNLS. Sở Tư pháp đã nhắc nhở, yêu cầu ông L. khắc phục hậu quả. Ngày 4-12-2024, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh đã ban hành quyết định kỷ luật luật sư L. bằng hình thức khiển trách trong thời hạn 6 tháng vì làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của luật sư.

Tương tự, từ đơn tố cáo của bà N.T.N., Sở Tư pháp vào cuộc kiểm tra và phát hiện luật sư V. có những sai phạm: thực hiện nhận dịch vụ pháp lý cho người dân với tư cách cá nhân chứ không phải là luật sư của VPLS N.N.; có hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ngoài cơ quan, tổ chức mà luật sư đã ký hợp đồng lao động. Chánh Thanh tra Sở Tư pháp đã yêu cầu luật sư V. thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc nộp lại số tiền 65 triệu đồng để trao trả cho người dân.

Theo Sở Tư pháp, năm 2024, sở đã tiếp nhận, xử lý 91 đơn (19 đơn khiếu nại, 27 đơn tố cáo, 45 đơn kiến nghị, phản ánh) chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, tư pháp, hoạt động của các tổ chức hành nghề BTTP. Thực hiện 28 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức hành nghề BTTP, phát hiện 21 cá nhân, tổ chức vi phạm trong năm 2024 và ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 225 triệu đồng…

Kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm

Một trong những sai phạm phổ biến trong hoạt động luật sư thời gian qua là nhiều tổ chức, cá nhân HNLS tham gia làm chứng cho hợp đồng mua bán nhà đất bằng giấy tay, mỗi hợp đồng làm chứng sẽ thu thù lao khoảng 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Dịch vụ này đã mang lại nguồn thu đáng kể cho một số tổ chức HNLS.

Từ đơn thư tố cáo, phản ánh của công dân, Sở Tư pháp đã tăng cường thanh - kiểm tra và xử lý. Những tổ chức, cá nhân từng hoạt động rất mạnh trong việc làm chứng mua bán đất giấy tay và để lại nhiều “tai tiếng” gồm: luật sư N.D.B., VPLS H.Đ.B. và Chi nhánh VPLS M.T.K.S. (đều ở thành phố Biên Hòa)… Ngoài xử lý theo thẩm quyền, Sở Tư pháp còn tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính đối với những tổ chức, cá nhân sai phạm vượt quá thẩm quyền. Sở còn gửi văn bản đến các cơ quan, đơn vị liên quan cùng tham gia xử lý những sai phạm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị chức năng còn kiểm tra và kịp thời xử lý một số sai phạm khác trong hoạt động HNLS như: cố tình “lách luật” treo biển hiệu không minh bạch trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, một số VPLS hoạt động không đúng địa chỉ đăng ký…

Không chỉ hoạt động HNLS, hoạt động hành nghề công chứng (HNCC) trong thời gian qua cũng xảy ra một số sai phạm. Đặc biệt, một số vụ việc sai phạm nghiêm trọng, dẫn đến phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Điển hình gần nhất là trường hợp ông V.V.T. (nguyên công chứng viên Phòng Công chứng số 3 tại phường Xuân Hòa, thành phố Long Khánh).

Lúc còn làm công chứng viên, ngày 3-10-2017, ông V.V.T. đã không thực hiện đúng quy định pháp luật khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bị can Đ.T.A. (ngụ phường Xuân Hòa), gián tiếp tạo điều kiện cho bị can này thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 8 tỷ đồng của một bị hại tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vụ việc của ông V.V.T. bị Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam vào ngày 8-11-2024, hiện đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Về những sai phạm trong hoạt động công chứng thời gian qua, Thanh tra Sở Tư pháp đã tăng cường kiểm tra đột xuất và ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với nhiều trường hợp sai phạm. Sở Tư pháp còn tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm vượt quá thẩm quyền.

Một số lỗi vi phạm phổ biến trong HNCC gồm: không trực tiếp chứng kiến việc người yêu cầu công chứng ký vào văn bản công chứng đã tạo điều kiện cho người khác giả mạo chữ ký và điểm chỉ vân tay của công dân để được công chứng hợp đồng, giao dịch; công chứng ngoài trụ sở văn phòng công chứng không đúng quy định; công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có căn cứ xác định quyền sử dụng riêng, quyền sở hữu riêng đối với tài sản khi tham gia hợp đồng, giao dịch; công chứng hợp đồng, giao dịch có mục đích hoặc nội dung vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội… Một số tổ chức, cá nhân HNCC sai phạm đã từng bị cơ quan chức năng “điểm mặt” như: VPCC H.T.L., công chứng viên Đ.T.B., công chứng viên P.T.L., công chứng viên T.Đ.K., công chứng viên T.T.T.T…

Hoạt động đấu giá tài sản trong những năm gần đây cũng có những bất cập phát sinh trong các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Do đó, Sở Tư pháp đã tăng cường kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh kịp thời. Một trong những doanh nghiệp đã được sở tổ chức đi kiểm tra, xử lý là Công ty Đấu giá hợp danh T.T.V.N. (thành phố Biên Hòa). Công ty này hoạt động không hiệu quả, doanh thu đạt thấp, không ổn định, không có đủ nguồn lực để duy trì và phát triển hoạt động. Tuy nhiên, công ty “lách luật” bằng việc thành lập nhiều chi nhánh tại nhiều địa phương với mục đích để nâng cao số điểm trong tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Sở đã yêu cầu công ty tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục các hạn chế, sai sót, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật.

An Nhơn

Bài 2: Hệ lụy từ những việc làm trái quy định pháp luật

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202505/chan-chinh-bat-cap-trong-hoat-dong-bo-tro-tu-phap-bai-1-22859c7/