Chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh An Giang ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, chính quyền địa phương; không ngừng ra sức thi đua lao động, sản xuất, phấn đấu vươn lên góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.
Tỉnh An Giang có trên 27.000 hộ DTTS với trên 92.000 nhân khẩu, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Khmer có gần 76.000 người, chiếm 3,96% dân số toàn tỉnh, đa số cư trú theo phum sóc, một số sống đan xen với dân tộc Kinh ở miền núi huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên; còn lại sinh sống ở các huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn; sinh kế chủ yếu từ nông nghiệp, chăn nuôi và một bộ phận kinh doanh nhỏ lẻ. Dân tộc Chăm có trên 11.000 người, chiếm 0,58% dân số toàn tỉnh, đa số bà con sinh sống tập trung tại huyện An Phú, thị xã Tân Châu; còn lại sinh sống rải rác ở các huyện Châu Phú, Châu Thành; hầu hết theo Hồi giáo Islam, chủ yếu làm nghề chài lưới, buôn bán hàng rong và dệt hàng thủ công truyền thống, đời sống còn khó khăn. Dân tộc Hoa có trên 5.000 người, chiếm 0,27% dân số toàn tỉnh, sống xen kẽ với người Kinh ở các trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn; sống chủ yếu bằng nghề buôn bán.
Theo đánh giá của Thường trực Tỉnh ủy An Giang, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc còn hạn chế, chưa đủ tạo ra bước đột phá kinh tế - xã hội trong đồng bào DTTS. Kết quả triển khai và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội chỉ giải quyết nhu cầu cho một bộ phận đồng bào DTTS nghèo; còn gặp khó khăn trong việc huy động và bố trí nguồn lực để thực hiện, chủ yếu được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, ý thức tự vươn lên thoát nghèo trong một bộ phận người DTTS chưa cao, còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương. Vẫn còn tình trạng người dân thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu vốn làm ăn và thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng, tăng năng suất sản phẩm nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Các làng nghề truyền thống chưa được quan tâm đầu tư phát triển nên chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu, đầu ra còn hạn chế...
Ông Chau Sếk ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn cho biết, sinh sống ở địa bàn vùng biên nên đồng bào các dân tộc luôn mong muốn được Đảng, Nhà nước và chính quyền quan tâm, chăm lo hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần, nhất là tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, vay vốn, chăm sóc sức khỏe, nâng cao trình độ dân trí, bình ổn giá cả thị trường...
Một trong những vấn đề đang nổi lên ở An Giang là còn nhiều hộ DTTS nghèo không có hoặc thiếu đất sản xuất, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, nhất là dân tộc Khmer ở hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và dân tộc Chăm ở huyện An Phú, thị xã Tân Châu. Những năm qua, các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở... tuy đã được các cấp chính quyền triển khai thực hiện nhưng còn nhiều bất cập, giá đất tăng cao nên khó thực hiện. Thiếu đất sản xuất, nhu cầu việc làm cao nên đồng bào dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng sử dụng thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao” lôi kéo, lừa bịp gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức, chính quyền tỉnh An Giang đã tích cực chỉ đạo tổ chức thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trong đó, trọng tâm là phát huy hiệu quả nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt nhằm tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kết hợp với việc lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động và phát triển thị trường lao động. Kết quả, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 150.574 lượt người lao động, góp phần giữ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4%.
Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, 100% số xã biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang đã có đường nhựa, bê tông đến trung tâm xã, ấp; 100% xã biên giới có trạm y tế, công trình thủy lợi, lưới điện quốc gia hoặc điện nông thôn, 100% hộ gia đình có điện sinh hoạt; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình và sóng điện thoại; số hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh ngày một tăng, đạt trên 92%; trường học, trạm y tế xã, thị trấn được đầu tư nâng cấp, xây mới đáp ứng nhu cầu học tập và khám chữa bệnh của người dân; thực hiện bảo hiểm y tế cho người dân trên toàn tỉnh đạt tỷ lệ 90,37%.
Chăm lo cho người nghèo, tỉnh An Giang còn có chính sách dân tộc đặc thù của địa phương. Từ năm 2020 đến nay, vào dịp lễ, Tết của đồng bào DTTS, UBND tỉnh hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS trên địa bàn với số tiền 300.000 đồng/hộ, tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng/năm. Dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, địa phương đã hỗ trợ cho 3.017 hộ nghèo và 1.912 hộ cận nghèo dân tộc Khmer với số tiền 300.000 đồng/hộ.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS tỉnh An Giang đã có bước phát triển khá, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều của tỉnh đến cuối năm 2023 chỉ còn 2,07%, thấp hơn bình quân của cả nước. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được tỉnh chú trọng thực hiện ngay từ khi học sinh còn học phổ thông để tạo nguồn cử tuyển đại học và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp đại học.