Chăm lo cho những gia đình Campuchia di cư về Việt Nam

Hành trang ngày trở về quê hương của những người Việt sống tha hương từ Campuchia trở về dường như là con số 0 tròn trĩnh, lay lắt với cuộc sống bữa đói, bữa no. Nhưng với sự chung tay, nỗ lực hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, cuộc sống của họ dần ổn định.

Nhọc nhằn mưu sinh

Không chỉ trở về quê hương với đôi bàn tay trắng mà những “Việt kiều Campuchia” cũng không có giấy tờ tùy thân, không rõ gốc gác và không biết chữ. Cuộc sống họ chật vật trong những căn nhà dựng tạm bên các con sông tiếp tục kế sinh nhai tại xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Chỉ 4 hộ dân mà có đến 30 nhân khẩu, họ tá túc trong những ngôi nhà nổi dựng tạm bằng những thanh gỗ cũ dọc bờ sông Vàm Cỏ Tây, đoạn qua xã Bình Hòa Tây. Mỗi ngôi nhà chừng 20m², khó khăn nhất là những ngày mưa giông.

Con, cháu trong gia đình ông Huỳnh Văn Thành cùng nhau sống trong căn nhà tạm trên sông

Hôm chúng tôi đến, xóm nghèo bỗng vui khi thấy khách lạ. Họ hiền hòa thăm hỏi và say sưa kể về cuộc đời mình. Ông Huỳnh Văn Thành (SN 1972) cho biết, cả gia đình ông sang Campuchia sống từ năm 1982, lúc ấy ông chỉ 10 tuổi. Đến năm 2010, cuộc sống quá khó khăn, gia đình ông đành quay về quê hương.

Gia đình ông Thành có tổng 20 nhân khẩu, trong đó, vợ chồng ông và 5 người con đầu đều không có giấy tờ tùy thân. Hai người con út và mấy đứa cháu thì có giấy khai sinh. Ông Thành bộc bạch, không biết chữ, không có giấy tờ tùy thân, vợ chồng ông và các con sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Mấy chục năm nay, hàng ngày, ông đi giăng lưới, đánh bắt cá, phần để ăn, phần đem ra chợ bán. Khi không có cá thì đi làm mướn, kiếm được bao nhiêu thì xài bấy nhiêu, nhiều lúc ốm đau, gia đình cũng chật vật. Giờ đây, ông Thành chỉ mong được nhập quốc tịch là công dân Việt Nam, có mảnh đất xây căn nhà nhỏ, có giấy tờ tùy thân để các con đi làm ổn định, được tham gia bảo hiểm xã hội.

Tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng đến nay, cuộc sống của những kiều bào nơi đây có nhiều đổi thay, nhất là con, cháu họ được đến trường để biết chữ. Chị Huỳnh Thị Kim Tư (SN 1999, con ông Thành) thổ lộ: “Cả 3 người con của tôi đều có giấy khai sinh, 2 bé lớn được đến trường đầy đủ. Trong xóm tôi, các bé đến tuổi đi học đều được đến trường, ai cũng mừng vì bọn trẻ thoát khỏi nỗi lo mù chữ”.

An cư quê nhà

Phía trong cụm dân cư Bình Châu B (ấp 2, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng) khoảng vài trăm mét là dãy nhà mà người dân vẫn hay gọi là “xóm Việt kiều”. Đây là những ngôi nhà nghĩa tình mà Nhà nước xây dựng để bố trí cho các gia đình người Việt trở về từ Campuchia.

Trẻ em “xóm Việt kiều” hồn nhiên vui vẻ chơi đùa

10 giờ trưa, trời nắng nóng, bọn trẻ “xóm Việt kiều” vẫn hồn nhiên, vui vẻ chơi đùa. Trong nhà, một số người già nằm giữa nền nhà lát gạch hoa xem tivi. Trước cửa, một số người trẻ quây quần nói chuyện rôm rả. Phía trước dãy đất trống đối diện, mấy người phụ nữ đang khom lưng trở lục bình đang phơi.

Bà Bùi Thị Đầm cho biết, ở “xóm Việt kiều”, ai cũng nghèo. Không có đất đai sản xuất nên cứ sáng sớm, hầu hết những người trẻ ở xóm đều đi cắt lục bình, làm hồ, bán vé số mưu sinh. Bà Đầm là một trong số hộ dân người Việt từ Biển Hồ trở về sinh sống ở đây. Bà kể, chỉ biết gốc gác mình là người Việt nhưng không biết ở tỉnh nào, sinh năm mấy. Cả gia đình bà rời Campuchia về lại quê hương sinh sống đến nay đã 20 năm. Lúc mới trở về, cuộc sống vô cùng khó khăn, không ai dám nghĩ đến căn nhà gạch để ở. Nhưng rồi, giờ đây, điều đó lại là sự thật, con của bà là chị Nguyễn Thị Sai (31 tuổi) được Nhà nước bố trí nhà ở trong xóm này. Hiện tại, mấy mẹ con bà Đầm sống chung tại đây.

“Mấy bữa đầu ở trong ngôi nhà mới có điện, nước đầy đủ, mấy mẹ con không ngủ được vì quá vui mừng. Hy vọng từ sự tiếp sức của Nhà nước và tấm lòng của đồng bào, các cháu tôi sau này sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn” - bà Đầm kỳ vọng.

Hàng ngày, bà Đầm vẫn thường nhắc nhở người dân, trẻ em trong xóm chấp hành tốt quy định pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, xây dựng cuộc sống hòa thuận, đoàn kết với người dân địa phương.

Nghĩa tình quê hương

Khung cảnh buổi sáng tại “xóm Việt kiều” xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng

Hiện trên địa bàn xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng có 98 hộ dân với 476 nhân khẩu là người gốc Việt từ Campuchia về Việt Nam sinh sống. Các hộ về đây không có hộ khẩu, giấy tờ tùy thân nhưng vẫn được chính quyền bố trí ở tập trung tại cụm dân cư Bình Châu B. Bằng các nguồn lực, huyện xây dựng 75 căn nhà cho người gốc Việt từ Campuchia về Việt Nam sinh sống, trong đó, 15 căn nhà do tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng 37,2 triệu đồng/căn, 60 căn do mạnh thường quân hỗ trợ với kinh phí xây dựng 60 triệu đồng/căn, những căn nhà đều được bố trí dân vào ở ổn định.

Bọn trẻ ở “xóm Việt kiều” cũng được cán bộ, chiến sĩ biên phòng, các giáo viên tình nguyện dạy học xóa mù chữ. Nhờ đó, những năm qua, nhiều con em của các hộ Việt kiều biết đọc, viết và làm những phép tính đơn giản.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình - Phan Thị Thanh Tâm cho biết, cuộc sống cũng như vấn đề giải quyết việc học hành cho con em kiều bào nơi đây hết sức khó khăn vì liên quan đến thủ tục, chính sách. Thời gian qua, xã vận động xã hội hóa xây dựng 1 lớp phổ cập xóa mù chữ và đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng thêm 1 lớp phổ cập xóa mù chữ khác tại địa phương. Đối với những trường hợp trẻ em có khai sinh, đủ các điều kiện khác được vào học trong các trường theo quy định là 12 em, các em còn lại vận động vào học lớp phổ cập xóa mù chữ trên địa bàn xã được 30 em.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Tây - Lê Trường An chia sẻ, hiện nay, địa phương cố gắng hỗ trợ họ mọi mặt như mua bảo hiểm y tế; trường hợp trẻ em có giấy khai sinh hoặc đủ các điều kiện khác được đi học trong các trường công lập theo quy định.

Ngoài các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, 2 địa phương cũng tăng cường vận động mạnh thường quân trong và ngoài xã hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần để họ yên tâm ổn định cuộc sống. Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, 2 xã không để hộ nào rơi vào cảnh thiếu đói. Riêng trẻ em luôn được chăm lo, tặng quà vào các dịp lễ, tết. Hiện các xã cũng cấp thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh cho 100% người di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống.

Tuy được sự quan tâm, hỗ trợ từ địa phương, người dân nhưng những Việt kiều Campuchia vẫn gặp một số khó khăn như giấy tờ tùy thân, đào tạo nghề, kiến thức,... Do vậy, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể cơ sở chung tay giúp họ ổn định, vươn lên trong cuộc sống./.

Trà Long

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cham-lo-cho-nhung-gia-dinh-campuchia-di-cu-ve-viet-nam-a160011.html