Câu hỏi thường gặp liên quan đến rối loạn lipid (mỡ máu)

Rối loạn lipid máu là tiền căn gây nên các bệnh lý nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe người bệnh như thuyên tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim, thiếu máu não, đột quỵ. Rối loạn lipid ngày càng trẻ hóa và bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như lạm dụng rượu bia, thừa cân, béo phì, lười vận động…

1. Đông y có chữa được rối loạn lipid?

Điều trị rối loạn lipid máu cần kết hợp dùng thuốc với điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thay đổi lối sống, tăng cường vận động… để tăng hiệu quả điều trị, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Cùng với các phương pháp tây y, trị mỡ máu dân gian cũng là một giải pháp được nhiều người bệnh lựa chọn.

Tuy nhiên, hầu hết cách điều trị mỡ máu dân gian chỉ phù hợp và đem lại hiệu quả cao nhất khi bệnh đang ở giai đoạn đầu hoặc bệnh được phát hiện rất sớm. Với các trường hợp bệnh lý kéo dài hoặc ở giai đoạn biến chứng thì việc sử dụng các bài thuốc dân gian không còn phù hợp. Thay vào đó, sử dụng các phương pháp và điều trị bằng thuốc tây y sẽ hiệu quả hơn.

2. Cách xử trí khi gặp rối loạn lipid

NỘI DUNG

1. Đông y có chữa được rối loạn lipid?

2. Cách xử trí khi gặp rối loạn lipid

3. Cách chăm sóc rối loạn lipid tại nhà

4. Rối loạn lipid có chữa khỏi không?

5. Lưu ý với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai... khi mắc rối loạn lipid máu

6. Chi phí khám chữa bệnh rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu ảnh hưởng nghiêm trọng về lâu dài và hầu như không thể điều trị dứt điểm. Một số yếu tố liên quan đến lối sống như thói quen ăn uống không lành mạnh, thiếu hoạt động thể chất, hút thuốc, béo phì… sẽ khiến mức cholesterol tăng cao trong một khoảng thời gian.

Vì vậy, khi phát hiện có rối loạn lipid thì cần tuân thủ chỉ định của các bác sĩ. Trong phác đồ điều trị rối loạn lipid máu, thuốc cũng đóng một vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên và duy trì cân nặng tối ưu cũng là nền tảng góp phần kiểm soát mức cholesterol tối ưu.

Nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị các chứng rối loạn lipid máu, trong đó có nhóm Statin làm giảm cholesterol ở những người bị rối loạn lipid máu, có nguy cơ mắc bệnh tim mạch; hoạt động bằng cách ngăn chặn enzyme trong gan chịu trách nhiệm tạo ra cholesterol.

Nhóm fibrate là một nhóm thuốc điều trị cho người bệnh bị rối loạn lipid máu nhằm tác động đến chuyển hóa chất béo trung tính và có ưu thế trong việc giảm nồng độ Triglycerid trong máu.

Nhóm acid nicotinic là một loại thuốc hạ lipid, hiệu quả trong việc làm giảm lipoprotein mật độ thấp (LDL), chất béo trung tính, lipoprotein (a) và làm tăng lipoprotein mật độ cao (HDL).

Nhóm resin (cholestyramin, colestipol) là loại thuốc giúp giảm lượng cholesterol toàn phần, giảm LDL - C...

3. Cách chăm sóc rối loạn lipid tại nhà

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ, thì những thay đổi nhỏ nhất tại nhà sẽ dần mang đến hiệu quả cho người bện trong quá trình kiểm soát mỡ máu.

Cần hạn chế chất béo bão hòa: Chất béo bão hòa có nhiều trong thịt đỏ và những sản phẩm từ sữa. Nếu dùng nhiều các thực phẩm này, cholesterol trong máu sẽ tăng, dẫn đến mỡ máu cao.

Loại bỏ chất béo chuyển hóa ra khỏi thực đơn: Thông thường, chất béo chuyển hóa có thể được gọi là dầu thực vật hydro hóa một phần, được ghi rõ trên nhãn mác thực phẩm. Loại chất này có nhiều trong bơ thực vật và bánh quy.

Tăng cường thực phẩm giàu axit béo omega-3: Dù axit béo omega - 3 không tác động đến nồng độ cholesterol xấu, nhưng chúng tốt cho tim mạch và ổn định huyết áp. Bạn có thể bổ sung dưỡng chất này qua các loại hạt hay cá hồi, cá trích…

Bổ sung thêm chất xơ hòa tan: Các chất xơ hòa tan trong bột yến mạch, táo, lê... sẽ làm giảm sự hấp thụ cholesterol vào máu.

Bổ sung thêm whey protein: Nếu được thì nên bổ sung thêm whey protein trong các sản phẩm sữa. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây là một dưỡng chất làm giảm cholesterol xấu và ổn định huyết áp.

Tăng cường hoạt động thể chất, nên dành ít nhất 30 phút/ngày để tập thể dục và ít nhất tập 5 lần/tuần. Ngoài tập thể dục cũng có thể tập aerobic. Những hoạt động thể chất này vừa tăng lượng cholesterol tốt, vừa ổn định nồng độ cholesterol. Có thể áp dụng một số loại hình tập thể dục như đi bộ mỗi ngày, đi xe đạp, chơi bộ môn thể thao yêu thích.

Cai thuốc lá sẽ giúp chỉ số cholesterol tốt tăng lên. Ngoài ra, việc bỏ thuốc còn mang đến những lợi ích nhanh chóng như: Nhịp tim và huyết áp dần hồi phục sau 20 phút kể từ khi bỏ thuốc. Tuần hoàn máu và chức năng của phổi dần được cải thiện sau 3 tháng.

Nếu béo phì, thừa cân, cân nặng không phù hợp thì cần giảm cân, có chế độ ăn, tập luyện thích hợp. Cần uống nước lọc thay vì các đồ uống có đường. Bên cạnh chế độ ăn uống, hãy cố gắng tạo nhiều hoạt động hơn như đi thang bộ thay vì thang máy, đi dạo, làm vườn sau ngày làm việc thay vì nằm ngay.

Rối loạn lipid máu là tiền căn gây nên các bệnh lý nghiêm trọng.

Rối loạn lipid máu là tiền căn gây nên các bệnh lý nghiêm trọng.

4. Rối loạn lipid có chữa khỏi không?

Những người cần thuốc để điều trị rối loạn cholesterol máu thường bắt đầu với statin. Bác sĩ có thể kê một loại thuốc khác nếu không thể dùng statin. Hoặc cần thêm một loại thuốc khác để đạt được nồng độ cholesterol mục tiêu.

Bác sĩ sẽ yêu cầu một xét nghiệm máu khác khoảng 2 hoặc 3 tháng sau khi bắt đầu dùng thuốc tăng lipid máu. Kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy mức cholesterol có được cải thiện hay không, điều đó có nghĩa là thuốc hoặc thay đổi lối sống đang có hiệu quả.

Nguy cơ cholesterol gây tổn thương cơ thể là một nguy cơ lâu dài và người bệnh thường dùng các phương pháp điều trị hạ cholesterol trong một thời gian dài.

Trên thực tế không có thuốc đặc trị chữa khỏi mỡ máu cao. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi và kiểm soát chỉ số mỡ máu thông qua chế độ ăn uống và một số loại thuốc điều trị rối loạn lipid máu. Rối loạn lipid máu ảnh hưởng nghiêm trọng về lâu dài và hầu như không thể điều trị dứt điểm.

5. Lưu ý với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai... khi mắc rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu tiên phát thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, gồm tăng triglycerid tiên phát và tăng lipid máu hỗn hợp. Nguyên nhân là do đột biến gene làm tăng tổng hợp quá mức cholesterol, triglyceride, LDL-C hoặc giảm thanh thải cholesterol, triglyceride, LDL-C. Đột biến gene làm giảm tổng hợp HDL-C hoặc tăng thanh thải HDL-C.

Nguyên nhân của rối loạn lipid máu thứ phát đến từ lối sống và các bệnh lý chuyển hóa, nội tiết, gan hoặc một số loại thuốc. Ít vận động, uống nhiều rượu bia, ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo bão hòa, thiếu chất xơ. Bệnh lý đái tháo đường, hội chứng Cushing, suy giáp, bệnh thận mạn tính, xơ gan. Hay một số loại thuốc: Thiazid, corticoides, estrogen, thuốc chẹn beta giao cảm… cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn lipid máu.

Những đối tượng có nguy cơ bị rối loạn lipid máu thường là:

Người cao tuổi;
Phụ nữ sau mãn kinh;
Thừa cân béo phì;
Bệnh tiểu đường type 2;
Suy giáp;
Bệnh thận hoặc bệnh gan mạn tính.

Ngoài ra, những người có thói quen không lành mạnh bao gồm: Hút thuốc lá; Lối sống ít vận động; Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa; Nghiện rượu… cũng có thể mắc rối loạn lipid máu hoặc những người có bố hoặc mẹ bị rối loạn lipid máu cũng dễ mắc phải căn bệnh này.

6. Chi phí khám chữa bệnh rối loạn lipid máu

Tầm soát rối loạn lipid máu định kỳ được khuyến cáo cho tất cả những người trưởng thành, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ. Kiểm tra rối loạn lipid máu bằng cách lấy máu xét nghiệm khi đói, tốt nhất là xét nghiệm vào buổi sáng sau khi người bệnh nhịn đói qua đêm.

Một người được chẩn đoán rối loạn lipid máu khi có một hoặc nhiều rối loạn dưới đây:

Cholesterol toàn phần > 5,2 mmol/L (200 mg/dL).
Triglyceride > 1,7 mmol/L (150 mg/dL).
LDL Cholesterol > 3,4 mmol/L (100 mg/dL).
HDL Cholesterol < 0,9 mmol/L (40 mg/dL).

(Trị số tham chiếu có thể khác nhau giữa các phòng xét nghiệm). Thông thường chi phí các xét nghiệm thường quy - xét nghiệm bộ mỡ bao gồm 4 xét nghiệm Cholesterol toàn phần (TC), Triglyceride, HDL cholesterol và LDL cholesterol có chi phí khoảng 125.000 - 300.000 đồng.

Tuy vậy, các thăm khám, xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán nâng cao đi kèm có thể được chỉ định tùy theo yêu cầu của người bệnh hoặc nhằm mục đích chẩn đoán chuyên sâu về bệnh lý cụ thể khi đã mắc phải.

Khi có xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn mỡ máu, bệnh nhân nên đi khám để được bác sĩ tư vấn, theo dõi và điều trị. Tùy vào mức độ của bệnh, bác sĩ có thể áp dụng biện pháp điều trị không dùng thuốc hoặc có sử dụng thuốc, vì vậy mức chi phí cũng sẽ khác nhau.

BS Nguyễn Thị Thảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cau-hoi-thuong-gap-lien-quan-den-roi-loan-lipid-mo-mau-169240514093714185.htm