Cấp cứu kịp thời một bệnh nhân nữ bị cửa kính cứa vào cổ
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã cứu sống một bệnh nhân nữ có vết thương đặc biệt nghiêm trọng vùng cổ do bị cửa kính cứa vào. Đây là một trong số những ca tai nạn sinh hoạt hy hữu đã được các bác sĩ cấp cứu kịp thời.
Bệnh nhân là chị T.T.C.T., 40 tuổi, có địa chỉ tại TP Thanh Hóa. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, sáng ngày 2-4, trong lúc đang đi xuống cầu thang, chị T. đột ngột bị choáng nên đã ngã lao đầu vào cửa kính tầng 1. Cú ngã bất ngờ khiến cửa kính vỡ toang và cứa vào cổ chị T. một đoạn dài và rộng hơn 20 cm ở vùng cổ cộng với nhiều vết thương sâu khác vùng trán, mặt, môi, cằm... Vết thương sâu làm chị T. bị chảy rất nhiều máu và hoảng loạn.
Ngay sau đó, chị T., được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng nguy kịch. Nhận định đây là một trường hợp có nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ, ngay lập tức chuyển bệnh nhân về phòng mổ cấp cứu, các chuyên khoa liên quan khẩn trương được mời hội chẩn phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân.
Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân có xuất hiện rối loạn đông máu, máu ở vết thương không cầm được do sau chấn thương bệnh nhân bị mất quá nhiều máu. Các bác sĩ Gây mê hồi sức đã tiến hành vừa hồi sức tích cực, vừa truyền 6 đơn vị máu và chế phẩm máu bổ sung vào lượng máu đã mất, truyền dịch để giữ vững huyết động, đảm bảo an toàn ca phẫu thuật…
Sau hơn 2 giờ đồng hồ tập trung cao độ, ê kíp các bác sĩ đã thực hiện xong ca phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ tại khoa Gây mê hồi sức cho đến khi ổn định được chuyển về khoa Tai mũi họng để tiếp tục điều trị.
Sau 1 tuần theo dõi và điều trị, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt, các vết thương vùng cổ, cằm, môi, trán được khâu thẩm mỹ đã lành sẹo và trở về gần như bình thường, bệnh nhân được xuất viện trở về nhà.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Đơn nguyên phẫu thuật Đầu mặt cổ, khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đây là ca tai nạn sinh hoạt hết sức hy hữu rất hiếm gặp mà khoa đã từng tiếp nhận. Rất may địa điểm nơi bệnh nhân xảy ra tai nạn gần với Bệnh viện nên bệnh nhân được đưa đến cấp cứu kịp thời. Bên cạnh đó, ngay khi có báo động đỏ của các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu, các chuyên khoa liên quan như Tai mũi họng, Gây mê hồi sức của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương cử cán bộ trong kíp trực có trình độ chuyên môn vững, dày dặn kinh nghiệm trong xử trí vết thương vùng Đầu mặt cổ phẫu thuật cấp cứu ngay cho bệnh nhân nên bệnh nhân được cứu sống. Với những trường hợp vết thương đặc biệt nghiêm trọng như bệnh nhân T. nếu ở xa các cơ sở khám chữa bệnh thì khả năng tử vong ngoại viện là trên 90%.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hòa khuyến cáo: Đối với người dân khi gặp những tai nạn tương tự như bệnh nhân T. cần phải biết cách sơ cứu đúng cách để có thể phần nào giúp nạn nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Người sơ cứu cần nhanh chóng dùng tay giữ chặt vào vết thương; dùng bất kì vật dụng nào hiện có sẵn như áo, khăn tay hay miếng vải… ép chặt vào vị trí vết thương đang chảy máu; dùng băng gạc (nếu có) hoặc sử dụng vải (cắt thành hình chữ nhật dài) rồi quấn quanh cổ người bị nạn. Chú ý đặt một que dài, nhỏ, thước kẻ hoặc chính tay bên đối xứng để tạo độ trống không gây nghẹt thở cho bệnh nhân. Ngay lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất sau khi sơ cứu.