Cao điểm tay chân miệng, ca mắc ở TP.HCM tăng
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn tăng gần 50% so với tháng trước.
Trong giai đoạn giao mùa, TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng. Đặc biệt, nhiều trường hợp nặng phải điều trị nội trú, thậm chí tử vong vì biến chứng của bệnh này.
Diễn biến nặng chỉ sau vài ngày
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho hay gần đây, đơn vị tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ mắc tay chân miệng, trong đó có trường hợp diễn biến nặng.
Mới đây, một bé 18 tháng tuổi được chuyển viện từ Bình Dương lên TP.HCM trong tình trạng tay chân miệng độ 3. Trước đó, bé sốt cao nhiều ngày, lờ đờ, bỏ ăn nhưng gia đình chủ quan, không theo dõi sát.
"Khi nhập viện, bé đã mắc tay chân miệng độ 3, tức tình trạng sắp trở nặng. May mắn, sau thời gian ngắn điều trị, trẻ tốt dần, tỉnh táo và có thể xuất viện trong vài ngày tới", bác sĩ Quy chia sẻ.
Còn bé N.H.D. (5 tuổi, quê Tân Hiệp, Kiên Giang) không qua khỏi dù mới khởi phát triệu chứng bệnh 4 ngày.
Trước đó, bé D. có biểu hiện lở môi, ăn uống kém, nôn ói. Đến ngày thứ 4, bé sốt 39 độ C. Bệnh viện địa phương chẩn đoán tay chân miệng độ 3. Tình trạng ngày càng xấu hơn, bé được chuyển lên TP.HCM trong trạng thái hôn mê sâu, co gồng, sốt cao hơn 41 độ C. Dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, bé trai không qua khỏi.
Trước đó, ngày 30/5, tỉnh Đắk Lắk cũng ghi nhận một trẻ nhỏ tử vong do bệnh tay chân miệng.
Bệnh nhi mới một tuổi, khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao 39 độ C, ho khan ít. Sau 3 ngày sốt, tình trạng trẻ ngày một diễn tiến nặng, sốt cao kèm nhiều cơn giật mình. Đến ngày thứ 4, bệnh nhi tử vong.
Nguyên nhân được chẩn đoán là suy hô hấp độ 4, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, theo dõi bệnh tay chân miệng, viêm não màng não, viêm cơ tim cấp.
Tay chân miệng là bệnh không mới và vòng lặp theo mùa, trẻ mắc bệnh vẫn có nguy cơ chuyển nặng do không được nhập viện theo dõi, điều trị sớm.
Số lượng bệnh nhi có dấu hiệu tăng
Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 1.349 lượt điều trị ngoại trú, 158 trẻ điều trị nội trú bệnh tay chân miệng.
"Hiện tại, số liệu thống kê cho thấy lượng bệnh tay chân miệng không tăng so với năm 2022. Nhưng số trẻ diễn biến nặng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. 5 trường hợp nặng (2 bé ở TP.HCM và 3 trẻ ở các tỉnh), một ca tử vong", đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 thông tin.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, trong tuần 21 (22/5-28/5), địa phương này ghi nhận 157 ca tay chân miệng (21 ca bệnh tay chân miệng nội trú, 136 ca ngoại trú), tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước (107 ca).
Trong đó, số ca nội trú tăng 21,7% và ngoại trú tăng 52% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca mắc tích lũy đến tuần 21 là 1.670, giảm 46,3% so với cùng kỳ năm 2022 (3.107 ca).
Trong tuần, thành phố ghi nhận 2 ổ dịch mới. Tổng ổ dịch tay chân miệng từ đầu năm đến nay là 10.
Sở Y tế TP.HCM nhận định số ca mắc thấp hơn nhưng đáng lo ngại hơn khi virus Enterovirus 71 (EV71) đã được xác định bằng kỹ thuật PCR ở một số trường hợp nặng.
EV71 là một trong những tác nhân gây bệnh tay chân miệng. Đôi khi, chúng còn có khả năng gây bệnh ở hệ thần kinh trung ương. Năm 2011, chủng virus thuộc type C4 gây bùng phát dịch tay chân miệng với nhiều ca chuyển nặng và tử vong ở TP.HCM.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Người mắc bệnh này thường có biểu hiện sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, bên trong miệng.
Tại TP.HCM, bệnh tay chân miệng đang bước vào mùa cao điểm (tháng 4-6 và 9-12), thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi, gây nguy hiểm ở các bé dưới 3 tuổi.
Tay chân miệng thường bị nhầm lẫn với sốt mọc răng do cùng có triệu chứng chảy nước bọt kèm sốt. Bệnh cũng thường bị nhầm với sốt phát ban, dị ứng, rôm sảy.
Khi xác định trẻ mắc tay chân miệng, phụ huynh cần theo dõi sát sao để đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế sớm nhất, tránh trường hợp để bệnh phát triển, gây ra biến chứng viêm não, viêm cơ tim, suy hô hấp, trụy tim mạch dẫn đến tử vong.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cao-diem-tay-chan-mieng-ca-mac-o-tphcm-tang-post1436256.html