Căng thẳng Serbia-Kosovo: EU dùng chiêu bài 'sống còn', Kosovo đồng ý, sức ép mạnh chứng tỏ hiệu quả lớn?
Ngày 6/2, nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti cho biết đã chấp nhận kế hoạch do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất nhằm bình thường hóa quan hệ với Serbia.
Sau cuộc gặp Đặc phái viên EU Miroslav Lajcak tại Pristina, ông Kurti viết trên mạng xã hội Twitter: "Chúng tôi chấp nhận đề xuất của EU về bình thường hóa quan hệ giữa Kosovo và Serbia, coi đó là cơ sở tốt cho việc thảo luận thêm và một nền tảng vững chắc để tiến về phía trước".
Theo nhà lãnh đạo, một số vấn đề liên quan bảo lãnh quốc tế, cơ chế thực hiện và trình tự thời gian sẽ được giải quyết sớm trong các cuộc đàm phán ở Brussels (Bỉ) sắp tới.
Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008. Trong những năm qua, hai bên đã tiến hành các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ dưới sự hòa giải của EU. Đàm phán thành công được coi là chìa khóa để Serbia và Kosovo gia nhập EU.
Tháng trước, các đặc phái viên của EU, Mỹ, Đức, Pháp và Italy đã gặp các nhà lãnh đạo của cả hai bên để cố gắng thuyết phục họ ký một thỏa thuận 11 điểm nhằm xoa dịu căng thẳng kéo dài kể từ cuộc xung đột 1998-1999.
Các nước phương Tây ra điều kiện hoặc Kosovo và Serbia chấp nhận kế hoạch trên hoặc đối mặt với hậu quả từ EU và Mỹ.
Trước đó, hôm 2/2, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết, phương Tây cảnh báo, Belgrade sẽ hứng chịu "quyết định chấm dứt tiến trình hội nhập châu Âu; quyết định tạm ngừng và rút vốn đầu tư; sau đó là những biện pháp chính trị và kinh tế toàn diện sẽ giáng cho Cộng hòa Serbia tổn thất nặng nề".
Đánh giá rằng kế hoạch 11 điểm của phương Tây cho Serbia rất ít lựa chọn, song, ông Vucic lưu ý, Belgrade cần phải tiếp tục đàm phán với Kosovo.
Theo Tổng thống Serbia, điều quan trọng không phải là Belgrade được gì, mà là "chúng ta sẽ mất gì” và "tư cách thành viên EU là mối quan tâm sống còn đối với chúng ta. Một quốc gia không thể thiếu đồng minh".
Theo kế hoạch 11 điểm của phương Tây, Serbia và Kosovo sẽ mở văn phòng đại diện và phối hợp để giải quyết các vấn đề tồn tại.
Serbia sẽ không bắt buộc phải công nhận độc lập của Kosovo, nhưng sẽ phải dừng vận động hành lang chống lại tư cách thành viên của Kosovo trong các tổ chức quốc tế.
Kế hoạch 11 điểm còn bao gồm việc thiết lập hiệp hội bán tự trị các thành phố có đa số người Serbia. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti phản đối điểm này, cho rằng điều đó sẽ gây chia rẽ sắc tộc.
Năm 2013, Kosovo đã cam kết trao nhiều quyền tự chủ hơn cho người Serbia địa phương thông qua việc thành lập hiệp hội, coi đây như một phần của thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Kosovo cho rằng, một phần của thỏa thuận đã vi phạm Hiến pháp và phải được thay đổi trước khi có hiệu lực.
Hiện có khoảng 100.000 người sắc tộc Serbia trong tổng số 1,8 triệu người ở Kosovo. Một nửa trong số này sống ở miền Bắc Kosovo và hầu hết từ chối công nhận Pristina.