Càng khó càng phải nỗ lực

Tuy đã có những tín hiệu tích cực từ cuối năm 2023 đến nay từ các thị trường lớn, như: Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ… nhưng các dự báo đều cho thấy, năm 2024 tiếp tục là một năm khó khăn của ngành tôm. Do đó, dù chỉ tiêu kế hoạch của vụ tôm nước lợ năm 2024 về cơ bản chỉ tương đương với năm 2023 nhưng nhiệm vụ của ngành tôm sẽ rất nặng nề, toàn ngành sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa nếu muốn đạt được mục tiêu kế hoạch trên.

Vụ tôm nước lợ năm 2023 vốn đã khó, nhưng theo dự báo của Cục Thủy sản, vụ tôm năm 2024 này khả năng khó khăn sẽ càng chồng chất hơn so với vụ tôm năm 2023. Theo Tiến sĩ Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp chung đã đề ra, rất cần có sự nỗ lực của toàn ngành mới có thể vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Liên quan đến khó khăn của ngành tôm năm qua, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, dù sản lượng tôm năm 2023 tăng nhưng mức tăng này lại không mang đến niềm vui hay ý nghĩa cho cả ngành tôm do hiệu quả của vụ nuôi lẫn xuất khẩu không cao. Nói về tính hiệu quả của vụ nuôi năm 2023, ông Phạm Văn Mừng - Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hạch toán: “Tính ra chỉ riêng việc giảm giá tôm nguyên liệu thì mỗi tấn tôm người nuôi mất đi 30 triệu đồng, còn nếu tính thêm 4 khoản tăng giá từ con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và điện thì người nuôi mất khoảng 40 triệu đồng”.

Trong bối cảnh khó chồng khó của vụ tôm năm 2024, đòi hỏi cả người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp cùng các bên liên quan nỗ lực nhiều hơn nữa nếu muốn đạt mục tiêu kỳ vọng. Ảnh: TÍCH CHU

Chia sẻ thêm về khó khăn của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, hiện doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn cầm cự vì đơn hàng không như thời hoàng kim. Vả lại, lúc này giá tôm thương phẩm tuy không cao lắm, nhưng vẫn còn cao so với giá bán, bởi giá tôm thế giới đang rẻ hơn tôm mình trên 1 đô la mỗi kí tôm thương phẩm, còn giá tôm thành phẩm thì chênh lệch trên 1,5 đô la, khó quá để tìm đơn hàng. Còn tại thị trường Nhật vốn được xem gần như là “sân nhà”, do đồng yên của Nhật Bản mất giá khiến sức mua không thể mạnh, nhưng nhờ sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam luôn có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, chưa có ngành tôm nước nào theo kịp nên về cơ bản thị trường này vẫn được giữ vững. “Tuy thế mạnh tôm chế biến sâu ở thị trường Nhật đang bị ngành tôm Indonesia dòm ngó, nhưng ta có tự tin giữ vững thị phần tôm hàng đầu ở đây. Còn lại là chuyện giá cả” - ông Lực chia sẻ.

Tại “Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm năm 2024” tổ chức tại Bạc Liêu vừa qua, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, người nuôi tôm đã có nhiều tham luận, trao đổi, đánh giá kết quả sản xuất, những thuận lợi, khó khăn, thách thức của hoạt động sản xuất, nuôi tôm nước lợ và bàn các giải pháp để giúp người nuôi yên tâm sản xuất. Theo ông Mừng, ngành chức năng cần có giải pháp bình ổn giá vật tư đầu vào; kiểm soát tốt chất lượng con giống để kịp thời ngăn chặn nguồn giống kém chất lượng, giống không rõ nguồn gốc; tăng cường kiểm soát các đại lý, cơ sở sản xuất thuốc thú y thủy sản, vì hiện có nhiều mặt hàng được bày bán tràn lan nhưng hiệu quả phần lớn là không cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam cũng đồng tình rằng, giá thành tôm nuôi của chúng ta cao có phần rất lớn đến từ chất lượng con giống, nên vấn đề này cần được ưu tiên quan tâm nhiều hơn. Song song đó là nguồn vốn tín dụng cho người nuôi chuyển đổi mô hình và vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tổ chức sản xuất, theo các đại biểu, việc giảm giá thành tôm nuôi là vấn đề lớn, mà giải pháp trọng tâm hiện nay chính là công tác tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với các tiêu chuẩn chứng nhận để đưa khoa học kỹ thuật vào nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các đại biểu cũng thống nhất rằng, tất cả phải cùng hành động, chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa, nhất là về tư duy sản xuất để góp phần tháo gỡ khó khăn, giải quyết dần những tồn tại của ngành tôm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực vượt qua những khó khăn, trở ngại để hoàn thành các mục tiêu sản xuất và xuất khẩu tôm nước lợ trong năm qua của các địa phương, góp phần đưa ngành tôm về đích an toàn. Đánh giá về khó khăn, thách thức của ngành tôm, Thứ trưởng cho rằng con giống tuy chiếm tỷ lệ không cao trong giá thành nhưng một khi chất lượng con giống kém sẽ làm cho giá thành tôm nuôi tăng cao vì tỷ lệ sống thấp và phát sinh thêm nhiều chi phí khác. Do đó, các đơn vị chuyên môn cần thanh tra, kiểm tra chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo con giống khi đến ao nuôi phải là con giống đạt chất lượng. “Chúng ta phải kiên quyết, kiên trì, phải làm đến nơi đến chốn thì mới có kết quả tốt” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/kinh-te/cang-kho-cang-phai-no-luc-72123.html