Cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm

Siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn… không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Y tế, mà cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương.

Gần 100 công nhân ở Đồng Nai bị ngộ độc thực phẩm nằm điều trị tại cơ sở y tế.

Gần 100 công nhân ở Đồng Nai bị ngộ độc thực phẩm nằm điều trị tại cơ sở y tế.

Chỉ trong nửa tháng qua, liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, liên quan tới bếp ăn tập thể và thực phẩm đường phố khiến người dân không khỏi lo lắng.

Hai vụ ngộ độc lớn nhất là tại tiệm bánh mì Cô Băng (Long Khánh, Đồng Nai) khiến hơn 550 ngộ độc, và gần đây, vào ngày 12/5, 51 người trong đoàn 750 du khách đến phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy phải nhập viện tại các cơ sở y tế khiến người dân quan ngại với thức ăn đường phố.

Trong khi đó, chỉ trong 2 ngày liên tiếp vừa qua, 2 vụ ngộ độc lớn liên quan đến bếp ăn tập thể diễn ra tại Đồng Nai và Vĩnh Phúc. Ngày 14/5, gần 350 công nhân của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, phải đưa đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cấp cứu, theo dõi.

Chỉ ngày hôm sau, tối 15/5, gần 100 công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam, Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai sau khi ăn bánh đa cua vào buổi chiều thì xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ói.

Ngay sau khi các vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra, Cục An toàn thực phẩm và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đều có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương nơi xảy ra vụ việc ngoài tập trung điều trị cho các bệnh nhân thì khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân gây ngộ độc và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để tìm nguyên nhân. Bộ Y tế cũng đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có).

Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, một số vụ ngộ độc tập thể liên tiếp xảy ra thời gian qua chủ yếu liên quan đến thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể. Trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 673 người mắc và 6 người tử vong, nguyên nhân chủ yếu do vi sinh vật và độc tố tự nhiên.

Liên quan đến trách nhiệm của các vụ ngộ độc thực phẩm, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, có 3 cơ quan chịu trách nhiệm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Y tế. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp địa phương. Bên cạnh đó còn là ý thức của người dân trong vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thứ hai, để làm tốt công tác an toàn thực phẩm, ngoài việc tổ chức triển khai tốt Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15, các văn bản hướng dẫn, chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức của người dân.

Hiện nay, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm hiện đã phân cấp đến cấp quận, huyện, xã, phường. Do đó, các địa phương, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt đối với bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành đã có chỉ đạo sát sao về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, tuy nhiên chúng ta phải kiểm tra, giám sát việc này để làm sao các cơ sở thực hiện cho tốt từ khâu nuôi trồng đến thu hái, chế biến, sử dụng, để đưa được thực phẩm sạch đến cho người dân sử dụng.

Thứ ba, để quản lý thực phẩm từ khâu nuôi trồng, lưu thông trên thị trường tới bàn ăn của người dân, theo ông Tuyên, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Bởi lĩnh vực an toàn thực phẩm không chỉ riêng của Bộ Y tế, mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố đều phải vào cuộc.

Ông Tuyên nhấn mạnh, quan trọng nhất lúc này là truyền thông làm sao để nâng cao ý thức của người dân, ăn chín uống sôi, hạn chế tối đa mua các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn đường phố chưa bảo đảm vệ sinh.

"Nếu triển khai đồng bộ 3 giải pháp thì vấn đề an toàn thực phẩm sẽ từng bước được cải thiện", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Tới đây, theo Thứ trưởng, các cơ quan chức năng cần phải siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn… Cần phải tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Về phía Bộ Y tế, cơ quan này tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-su-phoi-hop-cua-nhieu-bo-nganh-dia-phuong-trong-quan-ly-an-toan-thuc-pham-post809457.html