Cần khuyến khích các ý tưởng sáng tạo thân thiện với môi trường
ĐBP - Bảo vệ môi trường đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Trên địa bàn tỉnh ta, có nhiều ý tưởng sáng tạo thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đang được xây dựng và triển khai với sự tham gia của mọi đối tượng, lứa tuổi. Từ những người phụ nữ nội trợ, đoàn viên thanh niên nhiệt huyết, cho đến những em học sinh, mỗi người một việc làm ý nghĩa chung tay góp sức vì môi trường xanh, sạch.
Việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu và tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa đang trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ. Không phải những ý tưởng lớn lao mà chỉ cần một việc làm nhỏ, như chủ động mang đồ đựng khi đi chợ thay túi nilon, hạn chế sử dụng ống hút nhựa, đồ đựng thức ăn dùng một lần, thu gom, phân loại rác… đều đang thiết thực bảo vệ môi trường sống. Từ những việc nhỏ ấy, các cấp hội phụ nữ tại nhiều địa bàn đang nhân rộng thành những mô hình ý nghĩa, như: Phụ nữ xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa tự may túi đi chợ từ băng rôn, phông bạt đã qua sử dụng; phụ nữ xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên dùng làn nhựa đựng đồ để hạn chế túi nilon khi mua sắm…
Là thế hệ hăng hái, nhiệt huyết, đoàn viên thanh niên lại có những ý tưởng khác, mang sắc màu tuổi trẻ. Như Huyện đoàn Tuần Giáo triển khai mô hình tái chế vỏ chai, lọ nhựa để trồng cây. Từ sự tham khảo trên mạng internet và thực trạng rác thải ngày một gia tăng trên địa bàn, Huyện đoàn Tuần Giáo đã huy động đoàn viên thanh niên thu gom, đóng góp chai, lọ nhựa đã qua sử dụng để cắt, tạo hình, trồng cây xanh bên trong, chủ yếu là các loại cây nhỏ phổ biến, có sức sống tốt. Ðồng thời làm những khung, giàn chắc chắn để treo chai, lọ đã trồng cây lên, tạo thành những “bức tường” xanh, đặt ở các điểm tập kết rác tại trung tâm huyện vừa tạo mỹ quan, vừa tác động đến nhận thức, ý thức của người dân về môi trường. Mô hình này đang nhận được phản hồi tích cực của người dân trên địa bàn. Chị Lê Thị Thanh Thùy, Bí thư Huyện đoàn Tuần Giáo chia sẻ: Nếu chúng ta tận dụng chai, lọ nhựa làm đồ dùng thì rất bền. Ðồng thời việc triển khai trồng cây trong chai, lọ nhựa cũng giúp đoàn viên thanh niên hình thành thói quen phân loại rác. Hiện chúng tôi mới thực hiện được 2 giàn cây xanh ở 2 điểm tập kết rác, sắp tới sẽ tiếp tục nhân rộng trên địa bàn thị trấn để nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường.
Ðiều đáng mừng là hưởng ứng “phong trào xanh” thu hút sự tham gia của nhiều học sinh với những ý tưởng hay, có giá trị thực tiễn. Trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2019 có 16 sản phẩm của học sinh các địa bàn tham gia dự thi thuộc lĩnh vực các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; 25 sản phẩm dự thi thuộc lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong đó có nhiều sản phẩm nổi bật đạt giải cao như: Máy sấy thực phẩm sạch bằng năng lượng mặt trời điều khiển thông qua smartphone của học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh; máy nén khí đa năng sử dụng các loại nguyên, phế liệu đã qua sử dụng của học sinh Trường THPT Mường Ảng; hệ thống giá trồng cây thông minh của học sinh Trường THCS Quài Cang; chế tạo phân bón hữu cơ thân thiện TCL của học sinh THCS Nam Thanh; hệ thống bơm nước tự động không cần nhiên liệu của học sinh huyện Nậm Pồ.
Một trong những mô hình dự thi có cách tiếp cận mới đó là “Tái chế túi nilon thành gạch lát đường” của học sinh Trường THCS Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ). Mô hình của các em thu gom rác thải nilon, nấu trong nồi có thu, lọc khí độc hại, sau đó qua xử lý, ép khuôn thành gạch lát có độ cứng, bền hơn nhiều loại gạch đang được tiêu thụ trên thị trường. Em Vũ Lệ Quyên, thành viên nhóm học sinh thực hiện mô hình, chia sẻ: “Ðể hoàn thành được sản phẩm như mong muốn, chúng em đã gặp rất nhiều khó khăn, phải làm đi làm lại nhiều lần, đặc biệt là việc làm nồi nấu nhựa và hệ thống thu, lọc khí, tính toán lượng khí thải ra. Nếu không có sự động viên, hướng dẫn, giúp đỡ của các thầy cô giáo môn sinh học, hóa học, cùng tài trợ kinh phí của nhà trường thì không thể triển khai được”.
Còn rất nhiều ý tưởng sáng tạo thân thiện với môi trường đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên phạm vi thực hiện chưa thực sự rộng khắp. Ngoài ra có không ít ý tưởng của các cá nhân, đoàn thể, hội nhóm cũng đang được “thai nghén”. Trước thực trạng môi trường hiện nay, rất cần sự quan tâm, động viên, khuyến khích và chung tay của các ban ngành, đoàn thể, cấp chính quyền cùng cộng đồng để mỗi mô hình đều đạt được hiệu quả thiết thực và có thể nhân rộng góp phần bảo vệ môi trường sống.