Cần hợp lực để xây dựng các thương hiệu của quốc gia

Trước thực tế vừa qua, các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp tốn nhiều tiền của để xây dựng những thương hiệu sản phẩm riêng lẻ nhưng hầu như đều dễ bị 'tan biến' trước những 'cú sốc' của thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, cần hợp lực để xây dựng các thương hiệu của quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Không ngừng nâng cao nhận thức về phát triển thương hiệu

Tại Quyết định số 816 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 có nhiệm vụ xây dựng và triển khai Chương trình thu hút đầu tư phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm chủ lực thủy sản, trái cây, lúa gạo; Chương trình thông tin, dự báo và phát triển thị trường cho các sản phẩm chủ lực; Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường…

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Với trách nhiệm của mình, ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) đặt câu hỏi: Bộ trưởng Bộ Công thương đã tham mưu Chính phủ triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu sản phẩm ở 3 cấp độ. Thứ nhất là ở thương hiệu ngành ở cấp toàn quốc. Thứ hai là thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý tập thể, nhãn hiệu chứng nhận ở cấp địa phương. Thứ ba là thương hiệu sản phẩm theo cấp doanh nghiệp trong Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ có liên quan triển khai phối hợp về hỗ trợ đăng ký bảo vệ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ra nước ngoài.

"Các hoạt động nêu trên đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu nông sản đứng thứ 15 trên thế giới, đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực không ngừng nâng cao nhận thức về phát triển thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức các chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, kỹ năng và vấn đề cần lưu ý trong phát triển thương hiệu; tư vấn đổi mới, cải tiến thiết kế nhằm đáp ứng thị hiếu, nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước; tư vấn hỗ trợ đăng ký bảo hộ địa lý với sản phẩm xuất khẩu tiềm năng; xây dựng và tổ chức các chương trình quảng bá hình nông sản ở trong và ngoài nước.

Thương hiệu riêng lẻ - tốn rất nhiều tiền nhưng dễ tan biến trước cú sốc thị trường

“Tôi cũng đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc đã đến lúc chúng ta phải xây dựng thương hiệu của quốc gia, không dừng lại ở thương hiệu sản phẩm riêng lẻ của một sản phẩm hay của một địa phương”.

Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp tốn nhiều tiền của để xây dựng những thương hiệu sản phẩm riêng lẻ, nhưng hầu như đều dễ bị “tan biến” trước những “cú sốc” của thị trường. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần hợp lực để xây dựng những thương hiệu của quốc gia, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của nước ta.

Đại biểu Quốc hội Hà Hồng Hạnh (Khánh Hòa) phát biểu

Đại biểu Quốc hội Hà Hồng Hạnh (Khánh Hòa) phát biểu

Ở góc độ khác, ĐBQH Hà Hồng Hạnh (Khánh Hòa) nêu thực tế, hiện nay công nghiệp hỗ trợ phục vụ chế biến nông, lâm thủy sản của nước ta chưa đáp ứng yêu cầu chế biến nông sản để nâng cao giá trị và ổn định thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm của ngành cơ khí trong phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn chưa chiếm lĩnh được thị trường trong khi máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp vẫn nhập khẩu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết định hướng của ngành về vấn đề này trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, vai trò của cơ giới hóa nâng cao giá trị chế biến nông lâm thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn được khẳng trong thực tế những năm vừa qua. Chúng ta đã thu được nhiều kết quả trong lĩnh vực này. Bộ cũng áp dụng nhiều giải pháp như ban hành nghị định về quản lý cụm công nghiệp; triển khai các chương trình ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ở các địa phương…

Các đại biểu tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Khẳng định cơ khí hóa nông nghiệp đã có nhưng kết quả rõ nét, máy móc dây chuyền chế biến đã tăng giá trị nông sản, song Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nêu rõ, vẫn còn những hạn chế như: tích tụ đất đai, sản phẩm đưa vào chế biến chưa đồng nhất, quy mô nhỏ, chất lượng chưa được ổn định. Do vậy, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ đổi mới nâng cao hiệu quả chính sách, khuyến khích sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp; tạo vùng nguyên liệu; thu hút đầu tư…

Bộ trưởng cũng cho rằng, để thu hút doanh nghiệp vào vùng sâu, vùng xa thì phải có vùng nguyên liệu. Để có vùng nguyên liệu thì chính quyền địa phương phải quy hoạch được vùng trồng, vùng nuôi; áp dụng được công nghệ mới trong các khâu của quá trình sản xuất; bảo đảm sản phẩm xanh - sạch - chất lượng; sản xuất và cung ứng cho thị trường những cái thị trường cần chứ không phải những cái mà mình có.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/can-hop-luc-de-xay-dung-cac-thuong-hieu-cua-quoc-gia-i374512/