Cần cấp bách cải thiện cổng dịch vụ công trực tuyến phù hợp với người khuyết tật
Người khuyết tật tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản trong tiếp cận dịch vụ công, nhận trợ cấp và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Cần có các giải pháp cấp bách để cải thiện cổng dịch vụ công trực tuyến, xem xét đến khả năng và mong muốn của người khuyết tật khi triển khai cách thức nhận trợ cấp tại địa phương và thực hiện các biện pháp ứng phó với BĐKH phù hợp với từng dạng khuyết tật.
Đây là các phát hiện nghiên cứu được chia sẻ tại Tọa đàm chuyên đề “Đánh giá mức độ hòa nhập người khuyết tật trong quản trị địa phương” do Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam thực hiện, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) thông qua Chương trình nghiên cứu Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của UNDP sáng ngày 12/12/2024 tại Hà Nội.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) cho biết “Nghiên cứu này nhằm tạo cơ hội để người khuyết tật đóng góp quan điểm cá nhân, bổ khuyết cho chỉ số PAPI thường niên và đưa ra khuyến nghị chính sách liên quan đến người khuyết tật. Đây là một nghiên cứu rất thiết thực và cần thiết vì từ trước đến nay hầu như chưa có một nghiên cứu nào về sự tham gia và hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương.”
Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát với 2.310 người khuyết tật, bao gồm tất cả các dạng khuyết tật tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh các thảo luận chung về hòa nhập người khuyết tật trong hành chính công, nghiên cứu nêu bật những thách thức lớn mà người khuyết tật phải đối mặt trong tiếp cận thông tin và ứng phó với rủi ro thiên tai và BĐKH. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số những người khuyết tật thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trong 12 tháng qua, có đến 25,6% cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm thông tin trên các cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Theo dữ liệu định tính, nhiều cổng DVCTT chưa được thiết kế để hỗ trợ trình đọc màn hình, khiến việc tiếp cận của người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị trở nên hạn chế. Nghiên cứu đưa ra khuyến nghị, cần cải thiện các cổng dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng chuẩn tiếp cận WCAG 2.0 và tham vấn người khuyết tật trong quá trình xây dựng cổng DVCTT để thân thiện hơn với người khuyết tật.
Một trong những khó khăn phổ biến nhất của người khuyết tật khi nhận trợ cấp là phải phụ thuộc vào người nhà nhận hộ (52,4%). Điều này khiến người khuyết tật không hoàn toàn quyết định được việc sử dụng khoản trợ cấp này. Bên cạnh đó, trong số người khuyết tật đang nhận trợ cấp hàng tháng tham gia khảo sát, 24,3% hiện đang nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, việc chuyển sang hình thức nhận trợ cấp này còn nhiều rào cản với người khuyết tật ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, những nơi cây ATM cách UBND xã tới 20km.
“Người khuyết tật là nhóm thiểu số lớn nhất và chịu nhiều thiệt thòi nhất trên thế giới, chiếm 15% dân số toàn cầu. Giải quyết hiệu quả nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm người khuyết tật là nền tảng cho sự gắn kết xã hội và góp phần tạo nên các quốc gia vững mạnh và thịnh vượng. Úc cam kết sâu sắc trong việc thúc đẩy quyền của người khuyết tật trong nước, trên toàn cầu và tại Việt Nam”, bà Madeleine Plocki, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm.
Về khả năng thích ứng với rủi ro thiên tai và BĐKH, trong số người khuyết tật nhận thấy các hiện tượng BĐKH trong vòng 5 năm qua, có tới 72,5% cho biết họ bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Trong đó, sức khỏe thể chất và tinh thần (46,1%) và thu nhập từ sản xuất nông nghiệp (25,5%) là hai khía cạnh bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bên cạnh đó, dù người khuyết tật luôn được xác định là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương cần ưu tiên đặc biệt nhưng việc hỗ trợ người khuyết tật trong các tình huống thiên tai còn gặp nhiều khó khăn do chưa có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng dạng khuyết tật khác nhau và nguồn lực về tài chính và con người của địa phương còn hạn chế.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Sabina Stein, Trợ lý đại diện thường trú, Trưởng phòng quản trị và tham gia, UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh “Những kết quả nghiên cứu này cho thấy khuôn khổ pháp lý của Việt Nam về quyền của người khuyết tật cần được củng cố để tạo cơ sở cho các giải pháp và tạo điều kiện cho các cá nhân phát triển trong một xã hội chuyển đổi số, thích ứng với các thách thức của BĐKH.”
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc hỗ trợ người khuyết tật trong bầu cử cần được thực hiện linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng dạng tật. Cụ thể, 22,6% người khuyết tật nghe nói cho biết họ cần thông tin được cung cấp ở định dạng dễ tiếp cận, trong khi người khiếm thị và người khuyết tật vận động chủ yếu cần hỗ trợ thông qua hình thức hòm phiếu lưu động.
Mặc dù 72,1% người khuyết tật sẵn sàng bầu cử cho ứng viên là người khuyết tật, vẫn có 14,7% trả lời không biết bản thân có sẵn sàng bầu cho người khuyết tật hay không. Điều này phản ánh sự cần thiết đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức về quyền bầu cử và vai trò tham gia của người khuyết tật trong công tác bầu cử nhằm đảm bảo quyền công dân và thúc đẩy sự bình đẳng, hòa nhập trong xã hội.
Từ thực trạng này các nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo khuyến nghị để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận dịch vụ hành chính công cần nâng cao kiến thức, nhận thức và kỹ năng giao tiếp của CBCC đối với người khuyết tật. Cải thiện cơ sở hạ tầng và cổng DVCTT tuân thủ các tiêu chuẩn tiếp cận, và cải thiện sự tham gia của người khuyết tật trong việc đóng góp ý kiến. Đồng thời cần cân nhắc đến khả năng quản lý tài chính và mong muốn của người khuyết tật khi triển khai cách thức nhận trợ cấp tại địa phương; Xây dựng quy trình, thủ tục phù hợp để người khuyết tật có thể mở và sử dụng tài khoản ngân hàng một cách chủ động và thuận tiện hơn.
Để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận thông tin chuyển đổi số cần có sự cân nhắc và tham vấn ý kiến người khuyết tật để tích hợp những tính năng dễ tiếp cận vào các nền tảng số. Báo cáo cũng chỉ ra vẫn cần linh hoạt sử dụng các kênh thông tin truyền thống, đặc biệt phát huy vai trò của cán bộ địa phương và Hội, nhóm người khuyết tật.
Việc xây dựng chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật trong BDKH cần có những nghiên cứu sâu về những khó khăn đặc thù của từng dạng tật. Và cần khuyến khích tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong thích ứng và ứng phó với BĐKH/RRTT.