Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết Đào, phở và piano là bộ phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng, giao CTCP Phim truyện 1 sản xuất.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn (phải) chia sẻ câu chuyện phim xảy ra trên chiến lũy một khu phố cổ mùa đông 1946, đầu năm 1947. Đây là khoảng thời gian của cuộc chiến đấu kỳ tích của quân và dân Thủ đô. Đó là "60 ngày đêm huyết lệ" hào hùng, bi tráng của người Hà Nội.
“Câu chuyện chỉ diễn ra trong một ngày đêm, nhưng nó khắc họa những khoảnh khắc dữ dội và hào hùng nhất trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô”, đạo diễn Phi Tiến Sơn nói. Ông cho rằng cần thiết xây dựng hình ảnh anh hùng, nhưng có những hành động anh hùng chân chất của những người thường cần làm hơn. "Thế hệ sau cũng cần biết cha ông mình đã lương thiện, tử tế, chịu chơi ra sao", đạo diễn bộc bạch.
Diễn viên Anh Tuấn trong tạo hình ông bán phở. Đó là người yêu nghề phở gia truyền, sợ chết nhưng vẫn cố mang gánh phở cuối cùng lên chiến lũy. Đây là một trong những nhân vật "người thường" nhưng làm toát lên chất Hà Nội hào hoa trong bộ phim mà đạo diễn muốn chuyển tải.
Bối cảnh là một trong những yếu tố được đầu tư công phu nhất. Một khu phố cổ Hà Nội hoang tàn, đổ nát được dựng lại tại phim trường ở gần hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc).
Chuyện phim kể về hai người trẻ yêu nhau vượt qua gian nguy để tìm lại nhau trong ngày cuối cùng của cuộc chiến 17/2/1947 khi quân ta rút ra chiến khu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Họ trải qua những thời khắc lãng mạn và gay cấn ở chiến lũy. Khi tìm thấy nhau, họ chỉ còn vài giờ để làm lễ cưới, tận hưởng cuộc sống lứa đôi giữa lằn ranh sống chết.
Hai nhân vật chính trong phim do Doãn Quốc Đam và gương mặt nữ mới toanh Thùy Linh đảm nhận. Họ cũng là hai nhân vật duy nhất trong phim có tên, còn lại các nhân vật khác được gọi bằng nghề nghiệp như ông họa sĩ già ( NSƯT Trần Lực), cha xứ (NSND Trung Hiếu), ông bán phở (Anh Tuấn), vợ ông bán phở (Nguyệt Hằng).
NSƯT Trần Lực được chọn vào vai họa sĩ già. Chia sẻ với Tiền Phong, một trong những điều anh tâm đắc là bối cảnh quay phim. “Lâu lắm rồi mới có một bộ phim về lịch sử, chiến tranh mà các nhà quay phim không phải lo lắng tới góc máy”, anh nói. Do bối cảnh chiến lũy Hà Nội được phục dựng công phu ở không gian đủ đảm bảo không vướng nhà cao tầng, cột điện… nên các góc máy không bị bó lại.
Dãy phố, cửa hiệu Hà Nội 36 phố phường trong những tháng ngày hứng chịu những vết thương của súng đạn.
Nhiều năm xa rời điện ảnh, NSND Trung Hiếu trở lại với vai cha xứ. Anh cho biết ngay từ khi đọc kịch bản rất thích vai diễn vị cha xứ chuộng hòa bình, luôn hướng tới những điều tốt đẹp. Anh chia sẻ với Tiền Phong: "Tôi đi đến các nhà thờ, gặp các cha để nhờ hướng dẫn cách thức hành lễ, cử chỉ, đi đứng, lời nói... Tôi tập luyện để tất cả ngấm vào người thành phản xạ tự nhiên, khi diễn nhuần nhuyễn hơn".
Phim chiến tranh, lịch sử thực sự thử thách ê-kíp và diễn viên. Họ phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, chịu đựng nhiều ngày cảnh cháy, khói lửa độc hại. NSND Trung Hiếu cho biết sau mấy ngày ghi hình anh khan tiếng do hò hét, do hít phải khói ở phim trường mà phần nhiều là do... đốt lốp ôtô.
Họa sĩ Vũ Việt Hưng kể Hãng Phim truyện 1 đã nghiên cứu, chọn cảnh thực tế tại Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Sơn Tây (Hà Nội) đều là những nơi mà trước đây Pháp từng xây dựng, có những con phố cổ như bối cảnh đòi hỏi. Tuy nhiên yếu tố phát triển hiện đại tác động nên khó có thể quay phim được, họ xoay sang hướng phục dựng bối cảnh.
Ê-kíp quyết định tái hiện một khu phố cổ Hà Nội dài khoảng 120 m, đường và vỉa hè lên tới 15 m chiều rộng, hai bên phố dựng toàn bộ bối cảnh mới cho phim. “Từ một năm trước chúng tôi đã vẽ phác thảo, làm sa bàn. Chúng tôi mất 3 tháng thiết kế, thi công với đội ngũ lên tới 60 người”, họa sĩ Vũ Việt Hưng nói.
Hàng loạt ngôi nhà đổ nát được dựng lên từ bãi đất trống. Bối cảnh này cũng được ê-kíp sáng tạo tham khảo tư liệu về Hà Nội những năm 1946-1947. Sau khi hoàn thành các cảnh quay tại đây, đoàn phim tiếp tục thực hiện ở những nơi khác, thực hiện hậu kỳ. Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết dự kiến cuối năm 2023 mới hoàn thành Đào, phở và Piano.
Nguyên Khánh