Những con sông chảy qua nội thành Hà Nội gồm: Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Nhuệ và kênh Vạn Phúc đang biến thành những dòng 'sông đen'. Đã có nhiều phương án cải tạo nhưng đến nay nước sông vẫn trong tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi nồng nặc bất kể điều kiện thời tiết.
Video: Những dòng sông ô nhiễm tại Hà Nội Khu vực sông Kim Ngưu thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng - nơi tập trung nhiều khu dân cư đông đúc, đã và đang chịu ảnh hưởng lớn từ sự quá tải hạ tầng, ô nhiễm trầm trọng về nguồn nước. Thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường tại sông Kim Ngưu đã diễn ra từ hàng chục năm nay. Cùng với các dự án thoát nước của thành phố, sông Kim Ngưu đã được kè hai bên bờ và thường xuyên cải tạo, nạo vét nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là nước và không khí vẫn tồn tại do nước thải từ các khu dân cư xung quanh đổ thẳng xuống sông, không qua xử lý. Những đoạn sông được ngăn lại để tập kết rác lâu ngày không được vớt lên đã kết lại đặc quánh. Tạo thành "tấm thảm rác khổng lồ" ngay giữa dòng sông Kim Ngưu. Tình trạng người dân xung quan thẳng tay vứt rác xuống sông dù đã có các biển cấm khiến nước sông đen kịt, đặc quánh, rác thải nổi trên bề mặt sông, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Sông Tô Lịch được xem là nơi thoát nước chính của cả thành phố. Hiện tại Hà Nội đang kết hợp với nhà thầu Nhật Bản đẩy nhanh dự án xây dựng và lắp đặt hệ thống cống ngầm gom nước thải 'giải cứu' sông Tô Lịch. Dự án đã bước vào giai đoạn chôn ống và làm kè bê tông. Sau khi hoàn thành dự án, toàn bộ nước thải đang trực tiếp đổ vào sông Tô Lịch sẽ được gom lại để xử lý. Dự án được kỳ vọng sẽ xóa bỏ tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài hàng chục năm qua tại dòng sông chết này. Tuy nhiên cho đến hiện tại, ở những đoạn sông mà dự án hệ thống cống gom nước thải chưa kịp triển khai đến, nước sông vẫn trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng do người dân thiếu ý thức. Rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt sông, kết dính thành từng mảng lớn ngay trên mặt sông. Nằm trong chuỗi những dòng sông "đen" tại Hà Nội, sông Sét (quận Hoàng Mai) dài khoảng 3,6 km cũng đang trong tình trạng ô nhiễm nặng. Nước sông đen, rác thải, bùn đất trôi nổi, tôm cá dưới sông không thể sống nổi. Cô Đào Thị Thu – 45 tuổi ( Người dân ven sông Sét, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè nắng nóng, nước sông bốc hơi lên khiến cho chúng tôi không chịu nổi. Bên cạnh nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, dân gần bờ sông cũng rất dễ bị sốt xuất huyết hoặc các bệnh truyền nhiễm khác do ruồi, muỗi gây ra”. Nhiều thế hệ trong gia đình sinh sống ven bờ sông Nhuệ, ông Hoàng Văn Phú (56 tuổi) cho biết: “Tôi còn nhớ mấy năm trước khi mới làm sông này, nước sạch lắm. Người dân còn thả lưới, đánh cá... để kiếm con tôm, con cá. Không những thế, nước sông Nhuệ còn được các hộ làm nông dùng để cấy hái, trồng cây cảnh, sản xuất hoa màu. Nhưng những năm gần đây, nước sông ngày càng ô nhiễm. Không những tôm cá không sống nổi, mà người lội sông còn bị mẩn ngứa, mắc đủ thứ bệnh ngoài da”. Hình ảnh rác sinh hoạt do người dân đổ ra chất thành đống cao tràn xuống cả lòng sông đang cạn dần nước. Rác thải chất thành từng đống chất cao dọc hai bên dòng kênh Vạn Phúc (quận Ba Đình), một trong những hệ thống mương nước dẫn thẳng ra sông Tô Lịch. Đủ các lại rác khác nhau như rác thải sinh hoạt, vật liệu xây dựng, túi nu-lon, phế phẩm thức ăn. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ khu vực này. Bà Ngô Thị Miên (73 tuổi) cho biết: “ Rất là muỗi và hôi thối. Mùa mưa thì nước nó dâng lên tận trong nhà, còn nắng thì bốc mùi hôi khó chịu. Chỉ dám đóng kín cửa trong nhà, không dám ra ngoài. Trẻ con bị ảnh hưởng rất nhiều đến đường hô hấp, nên nhà nào có trẻ con thì đều chuyển đi nới khác, chỉ còn mấy ông bà già ở lại bám trụ thôi. Kêu mãi rồi mà vẫn chưa thấy động thái xử lý gì cả” Những con sông thuộc nội đô Hà Nội đang bị “bức tử” từng ngày vì ô nhiễm và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân. Chính vì vậy, không chỉ riêng sông Tô Lịch mà các con sông khác cũng đang rất cần những biện pháp cải tạo và xử lý thật sự kịp thời, hiệu quả để những dòng sông "chết" này được hồi sinh.