Cách vượt qua những đêm nóng bức triền miên

Bạn có thể áp dụng vài bước đơn giản dưới đây để cải thiện giấc ngủ giữa tiết trời nắng nóng.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nhiệt độ cực đoan có thể ảnh hưởng đến thời lượng lẫn chất lượng giấc ngủ, theo thông tin từ nhà khoa học Chad Milando tại Trung tâm Khí hậu và Sức khỏe thuộc Trường Y tế Công cộng, ĐH Boston (Mỹ).

Đối tượng dễ bị mất ngủ nhất trong điều kiện thời tiết như vậy là các gia đình có thu nhập thấp, không có điều hòa, cũng như người cao tuổi hoặc người tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt.

Nhiệt độ ảnh hưởng ra sao đến giấc ngủ?

Hầu hết thân nhiệt chúng ta sẽ giảm khoảng 1 độ C khi ngủ, nhưng môi trường nóng bức có thể cản trở quá trình hạ nhiệt đúng cách.

"Nếu nhiệt độ trong phòng quá cao, bạn sẽ khó chìm vào giấc ngủ và thức dậy nhiều lần giữa đêm. Thời gian phục hồi sức khỏe nhờ giấc ngủ cũng vì thế mà giảm đi", tiến sĩ Michael Irwin - giáo sư chuyên ngành tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học California, Los Angeles - cho biết.

Các nghiên cứu cũng chứng minh nhiệt độ môi trường thấp là dấu hiệu để cơ thể biết đã đến lúc nghỉ ngơi, theo New York Times.

 Nhiệt độ phòng tăng cao khiến chúng ta không thể yên giấc. Tranh minh họa: Rachel Levit Ruiz/New York Times.

Nhiệt độ phòng tăng cao khiến chúng ta không thể yên giấc. Tranh minh họa: Rachel Levit Ruiz/New York Times.

Rebecca Robbins, trợ lý giáo sư chuyên ngành y học giấc ngủ tại ĐH Y Harvard, nói thêm rằng nhiệt độ phòng ngủ lý tưởng là 65-68 độ F (18,3-20 độ C).

Nếu mức nhiệt vượt ngưỡng này, chúng ta sẽ tỉnh giấc suốt đêm vì cơ thể không đủ khả năng tự điều chỉnh nhiệt độ trong lúc ngủ.

"Khi tiếp xúc thời tiết khắc nghiệt, chúng ta có xu hướng tự đánh thức cơ thể để rùng mình hoặc đổ mồ hôi", cô bổ sung.

Do đó, điều quan trọng là mọi người cần lên kế hoạch giữ mát khi ngủ trong bối cảnh nhiệt độ không khí ngày càng tăng.

Việc cần làm để ngủ ngon, ngoài mở điều hòa

Theo tiến sĩ Chad Milando, giấc ngủ ngon ban đêm bắt đầu bằng việc cấp ẩm và giữ mát vào ban ngày.

Uống nhiều nước khi trời nóng sẽ đảm bảo cơ thể có đủ chất lỏng để hạ nhiệt. Khi bị mất nước, bạn sẽ ít bài tiết mồ hôi và thấy nóng lên nhanh chóng.

Cấp ẩm vào ban ngày, sử dụng khăn trải giường và đồ ngủ thoải mái v.v là một số biện pháp cải thiện giấc ngủ khi trời nóng. Tranh minh họa: Rachel Levit Ruiz/New York Times.

Cấp ẩm vào ban ngày, sử dụng khăn trải giường và đồ ngủ thoải mái v.v là một số biện pháp cải thiện giấc ngủ khi trời nóng. Tranh minh họa: Rachel Levit Ruiz/New York Times.

Bạn cũng nên hạ rèm hoặc mành để tránh ánh nắng trực tiếp hắt vào nhà, đồng thời chú ý vấn đề lưu thông không khí trong phòng ngủ. Nếu không có điều hòa, tiến sĩ Rebecca Robbins gợi ý lắp quạt ở cửa sổ mở để mang không khí mát từ ngoài vào.

Nếu muốn hạ nhiệt trước giờ ngủ, hãy đắp khăn ẩm lên trán. "Chiếc khăn sẽ bốc hơi ẩm suốt đêm. Nhưng đừng chườm đá bởi chúng tiếp xúc da quá lâu có thể làm hỏng da hoặc gây bỏng lạnh", tiến sĩ Michael Irwin nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyên sử dụng khăn trải giường (top sheet) mỏng, có tác dụng thúc đẩy khí lưu thông và giúp bạn dễ dàng thò chân ra ngoài khi cảm thấy quá nóng.

Đồ ngủ cũng phải mỏng và rộng để tạo cảm giác thoải mái, tránh tụ nhiệt.

Cuối cùng, tiến sĩ Robbins nghĩ rằng việc càng trằn trọc trên giường càng khiến bạn nóng hơn. "Đừng trách móc bản thân vì đã thức giấc - điều ai cũng có thể gặp phải khi trời nóng. Bạn có thể thức dậy, đi vệ sinh, để đèn sáng ở mức thấp, sau đó quay lại phòng và lên giường khi sẵn sàng ngủ", cô cho biết.

Mai Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cach-vuot-qua-nhung-dem-nong-buc-trien-mien-post1483027.html