Các biện pháp an toàn phòng cháy đối với nhà ở

Công an TP. Hà Nội cảnh báo và khuyến cáo đối với ban quản lý, chủ 'chung cư mini, nhà trọ phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH; đồng thời lắp đặt các hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quy định.

Trước đó, vào khoảng 00h30 đêm 24/5. Ngôi nhà nằm trong ngõ 43 Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa nhanh chóng lan rộng, khói đen bốc cao. Tại khu vực xảy ra cháy có nhiều tiếng nổ lớn. Thống kê đã có 14 người tử vong, 6 người bị thương đều là người ở trọ trong khu nhà trên.

Để giảm thiểu nguy cơ về cháy nổ, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại khu dân cư, đặc biệt tại các khu dân cư tập trung nhiều khu nhà trọ, nhà cho thuê để ở, khu nhà ở kết hợp nhiều căn hộ (chung cư mini), Công an thành phố Hà Nội đưa ra cảnh báo và khuyến cáo an toàn PCCC đối với ban quản lý, chủ (người đại diện) khu nhà ở kết hợp nhiều căn hộ (chung cư mini), chủ nhà trọ đáp ứng các quy định bảo đảm an toàn PCCC.

Theo đó, các đơn vị này chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH); lắp đặt các hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quy định. Chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về công tác bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC tại các dự án công trình do mình làm chủ đầu tư, chủ sở hữu.

Ban quản lý, chủ (người đại diện) khu nhà ở kết hợp nhiều căn hộ (chung cư mini), chủ nhà trọ kiện toàn Ban quản trị nhà chung cư, Ban quản lý tại các khu nhà trọ, phòng trọ, phát huy hiệu quả mô hình tự quản tại cơ sở; chủ động phối hợp với cơ quan cảnh sát PCCC & CNCH và chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, rà soát điều kiện đảm bảo an toàn PCCC và hướng dẫn thực hiện công tác PCCC tại khu chung cư, khu nhà trọ, khu nhà ở tập trung.

Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các chủ hộ gia đình, thành viên trong hộ gia đình, người thuê phòng thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, nắm vững kiến thức cơ bản về PCCC, thoát nạn, cứu người trong đám cháy, sơ cứu ban đầu.

Tham gia lớp tập huấn về PCCC do cơ quan Cảnh sát PCCC hoặc chính quyền địa phương tổ chức. Đồng thời, định kỳ kiểm tra các phương tiện PCCC, cứu nạn, cứu hộ đã trang bị; bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Theo cơ quan Công an thành phố Hà Nội, nơi để xe máy điện, xe đạp điện... phải đúng vị trí quy định, không vượt quá số lượng cho phép; không để chung, để gần với vật dụng dễ cháy, nổ, các thiết bị điện. Không sắp xếp xe ở các vị trí che khuất các phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy để tránh gây cản trở trong việc sử dụng, triển khai chữa cháy khi xảy ra sự cố cháy, nổ; đảm bảo gọn gàng, an toàn về đường, lối thoát nạn, khoảng cách PCCC.

Đảm bảo có lối thoát an toàn và dễ dàng tiếp cận cho tất cả cư dân, người thuê trọ. Không lắp đặt "chuồng cọp", bịt lối thoát nạn. Lối thoát không bị chặn hoặc bị cản trở bởi vật dụng, đồ đạc. Không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m.

Trong nhà trọ, nhà ở nhiều hộ gia đình (chung cư mini) có một lối thoát nạn, cần thiết kế lối thoát nạn dự phòng có thể là thang sắt ngoài nhà, thang dây, dây thả chậm, lối lên mái, ra ban công, sân thượng sang nhà liền kề… Đối với các khu nhà trọ 1 tầng, cần đảm bảo lối thoát chính ra bên ngoài thông thoáng, không bị cản trở.

Bố trí các không gian liên thông giữa tầng hầm/nửa hầm với các tầng phía trên như: Cầu thang bộ, giếng thang máy đi từ tầng hầm/nửa hầm lên cần được ngăn cách với khu vực khác của nhà (gara để xe, phòng kỹ thuật) bằng vật liệu phù hợp để bảo đảm khả năng chịu lửa và ngăn khói.

Khuyến khích sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy để hoàn thiện, trang trí tường và trần (bao gồm cả tấm trần treo, nếu có), vật liệu ốp lát, vật liệu phủ sàn trên đường thoát nạn. Ưu tiên sử dụng các loại vật liệu không cháy hoặc khó cháy và hạn chế sử dụng các vật liệu dễ cháy hoặc sinh khói, sinh độc lớn như mút, xốp, nhựa tổng hợp, cao su… trên đường thoát nạn, lối thoát nạn, các lối thoát khẩn cấp hoặc khu vực lánh nạn tạm thời.

Đối với cư dân, người thuê trọ cần tuân thủ pháp luật, nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng...

Không nên sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm; để thiết bị điện có sinh nhiệt trên vật dụng, gần các thiết bị, vật dụng dễ cháy; để vật liệu dễ cháy phủ lên dây dẫn, ổ cắm, cầu dao, các thiết bị điện…; không phơi, sấy quần, áo trực tiếp lên đèn, quạt sưởi, bếp điện, ấm điện... Trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Không bố trí, sử dụng các thiết bị có áp lực, dễ nổ (bình xịt diệt côn trùng, bình gas mini, chai chứa khí nén) gần vị trí sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt hoặc nơi có nguy phát lửa, phát nhiệt. Thường xuyên kiểm tra hệ thống gas, nguồn lửa nguồn nhiệt khi đun nấu… phải tắt lửa hoàn toàn khi đi ra ngoài và làm việc khác. Không sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần không đảm bảo an toàn PCCC...

Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Quản lý chặt chẽ trong quá trình sạc điện đối với các phương tiện sử dụng pin cho xe đạp điện, xe máy điện, sạc dự phòng, điện thoại… tuyệt đối không sạc qua đêm khi, không kiểm soát được các thiết bị đang sạc.

Chìa khóa mở khóa phòng trọ, căn hộ nhà ở phải để nơi dễ lấy và phổ biến cho gia đình đều biết… Cần bố trí thêm lối ra khẩn cấp qua ban công, lô gia, cửa sổ; trang bị bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thông thường để kịp thời chữa cháy, thoát nạn khi sự cố cháy, nổ xảy ra và thoát nạn khẩn cấp.

Tự xây dựng phương án, tổ chức giả định phương án chữa cháy và thoát nạn cho gia đình mình để thực tập xử lý khi có cháy, nổ xảy ra để chữa cháy hiệu quả và thoát nạn an toàn. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên.

Khi có trường hợp sự cố cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong khi di chuyển cần cúi thấp người (có thể bò khom), đặc biệt chú ý khi có trẻ em thoát nạn, cần sử dụng khăn, vải nhúng ướt bịt mũi hoặc trùm chăn ướt lên người trẻ nhỏ trong quá trình di chuyển thoát nạn để hạn chế khói khí độc xâm nhập vào đường hô hấp và bị bỏng do lửa gây ra.

Khi phát hiện có cháy xảy ra trong hộ gia đình, nhất là hộ gia đình có kiểu nhà ống, nhà kín có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính nơi mặt tiền, hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính và lối thoát nạn thứ 2.

Tuyệt đối không được núp trong phòng, nhà vệ sinh. Khi xảy ra cháy cần bình tĩnh, hô hoán báo động cho mọi người, tổ chức chữa cháy, cứu người, tài sản, đồng thời báo cho lực lượng chức năng.

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/cac-bien-phap-an-toan-phong-chay-doi-voi-nha-o-432358.html