Bước ngoặt quan trọng của trí tuệ nhân tạo
Mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chỉ đạo các cơ quan chính phủ loại bỏ 2 tầng lớp công chức vào năm 2020, thay thế vai trò của họ bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Tuyên bố của ông Widodo đưa ra tại một buổi gặp mặt các nhà lãnh đạo của những công ty lớn, 'nhằm thay đổi cấu trúc nền kinh tế'.
Ý tưởng của ông Widodo
Tổng thống Widodo bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm mới vào tháng trước, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 4. Theo ông, Indonesia nên chuyển sang sản xuất cao cấp hơn, như xe điện, và sử dụng nguyên liệu thô như than đá và bauxite trong các ngành này, không chỉ xuất khẩu.
Việc chuyển đổi như vậy sẽ đòi hỏi đầu tư nước ngoài. Tổng thống Widodo cho biết ông sẽ cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách sửa chữa hàng chục quy tắc chồng chéo và dẹp bỏ tệ nạn quan liêu. Tuy nhiên, quan trọng hơn, để đạt được mục đích kể trên, ông Widodo nhấn mạnh tới việc 4 tầng lớp công chức hàng đầu hiện nay trong các cơ quan chính phủ sẽ được loại bớt 2 vào năm tới.
“Tôi đã ra lệnh thay thế họ bằng AI. Công việc hành chính của chúng ta sẽ nhanh hơn với AI”- ông Widodo nói, tuy rằng kế hoạch đặc biệt này sẽ cần có sự chấp thuận của Quốc hội. Nhưng điều này không thật khó khi mà các đảng chính trị trong liên minh cầm quyền của Tổng thống Widodo kiểm soát 74% số ghế trong Quốc hội.
Như vậy, Indonesia đã chính thức có bước ngoặt quan trọng khi mà ưu tiên tối đa cho công nghệ.
Sự phát triển vượt bậc
Trí tuệ nhân tạo hay AI (tiếng Anh: Artificial Intelligence) là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, khác với trí thông minh tự nhiên của con người. Thông thường, thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” thường được sử dụng để mô tả các máy móc (hoặc máy tính) bắt chước các chức năng “nhận thức” của con người. Nó là sản phẩm của con người tạo ra nhưng đôi khi nó lại làm được những việc mà con người chưa thực hiện được.
Khái niệm “trí tuệ nhân tạo” ra đời khoảng năm 1956, trong vòng 10 năm nay nó trở nên mạnh mẽ, được nhiều chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong thời buổi công nghệ thì trí tuệ nhân tạo càng được chú ý, nhất là đối với robot. Người ta đã đầu tư lớn, liên tục để tạo ra các thế hệ robot càng giống người càng tốt, với ý muốn robot sẽ làm thay con người trong nhiều lĩnh vực, đem lại hiệu quả cao hơn.
Tới nay, kĩ thuật chế tạo máy móc trí tuệ nhân tạo càng bùng phát do được sự hỗ trợ đắc lực của sức mạnh máy tính. Trí tuệ nhân tạo (thông qua các dạng thức máy móc tinh xảo) đã có mặt ở nhiều lĩnh vực. Trí tuệ nhân tạo giúp tự động hóa nhiệm vụ quản trị, tạo ra nhiều thay đổi trong giáo dục, đóng vai trò trợ lý ảo, xây dựng những ngôi nhà thông minh… Nhưng, đặc biệt trong lĩnh vực y tế thì nó có những thành công vượt bậc.
Tính tới nay, robot dùng trong lĩnh vực y tế đã được bán ra trên toàn cầu, với giá trị ước tính 40 tỉ USD. Chủ yếu để chăm sóc sức khỏe, phân tích dữ liệu, chẩn đoán bệnh, “kê đơn bốc thuốc”…, kể cả tham gia phẫu thuật. Nhờ trí tuệ nhân tạo, robot có thể dùng dữ liệu từ các cuộc phẫu thuật trước để thông báo kỹ thuật phẫu thuật mới. Một nghiên cứu thực hiện trên 379 bệnh nhân chỉnh hình tại Mỹ cho thấy, quy trình với robot có sự hỗ trợ của AI ít biến chứng hơn 5 lần so với các cuộc phẫu thuật chỉ có bác sĩ phẫu thuật. Hoặc với trợ lý y tá ảo có thể tiết kiệm cho ngành chăm sóc sức khỏe 20 tỉ USD mỗi năm với nước Mỹ. Vì trợ lý y tá ảo sẵn sàng làm việc 24/7, có thể trả lời các câu hỏi, theo dõi bệnh nhân và cung cấp câu trả lời nhanh chóng. Trong khi con người không thể làm được điều đó.
Nghiên cứu của Đại học Standford thử nghiệm thuật toán AI để phát hiện ung thư da, và nó thực hiện thao tác ở mức hơn con người. Thuật toán phân tích, phát hiện tim ngừng đập với 95% tỷ lệ thành công, cao hơn so với mức 73% do con người thực hiện.
Điều đó được TS Brandon Fornwalt (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Geisinger, bang Pennsylvania, Mỹ) khẳng định khi giao cho một robot trí tuệ nhân tạo đọc 1,77 triệu kết quả đo điện tâm đồ của gần 400.000 bệnh nhân và đưa ra dự đoán về khả năng tử vong trong năm sau đó; thì có tới 93% là chính xác. “Trong khi, với cả một hội đồng y khoa thì điều đó cũng chỉ cho kết quả đúng hơn 40%”- TS B.Forrnwalt nói.
Ngọc Mai
(theo Channel News Asia, Newscientist)