Bức tranh nợ xấu 2024: Áp lực tăng mạnh, số dư nợ xấu 29 ngân hàng tăng gần 28%
Trong năm 2024, nợ xấu đang trở thành vấn đề nan giải với nhiều ngân hàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại. Áp lực nợ xấu tăng mạnh, nhưng dự phòng rủi ro lại không tăng tương xứng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng sụt giảm.
Năm 2024, tình hình nợ xấu ngành ngân hàng Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng so với năm trước. Dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các ngân hàng và cơ quan quản lý, nhưng các yếu tố ảnh hưởng của thiên tai, diễn biến thị trường dẫn đến một số ngành kinh tế gặp khó khăn và tiếp tục gây áp lực lên chất lượng tín dụng.
Áp lực nợ xấu ngân hàng tăng
Nhìn nhận về ngành ngân hàng 2024, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH, cho biết nợ xấu vẫn là một trong những thách thức lớn nhất của ngành trong năm 2024 khi liên tục tăng, kể cả nhóm ngân hàng quốc doanh.
Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,55%, tăng 8,6% so với đầu năm, gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với mức 2% của năm 2022. Trong khi đó, báo cáo của Công ty chứng khoán VPBank cho biết nếu bóc tách nợ xấu của 5 tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng niêm yết đang ở mức 2,23%, đi ngang so với quý trước và tăng 0,29% so với đầu năm.
Quay trở lại thời điểm kết thúc 9 tháng đầu năm, báo cáo tài chính từ 29 ngân hàng cho thấy số dư nợ xấu tiếp tục tăng 27,9% so với cuối năm 2023 lên mức 259.186 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 2,3%.
Thống kê cho thấy có 28/29 ngân hàng ghi nhận số dư nợ xấu đi lên so với cuối năm ngoái, trong đó tăng nhiều nhất là hai ông lớn quốc doanh BIDV và VietinBank. Có những nhà băng tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng vượt ngưỡng 3%. Ở chiều ngược lại, chỉ có duy nhất một ngân hàng là OCB ghi nhận số dư nợ xấu giảm 5% xuống 6.540 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, nợ xấu của ngân hàng tăng lên phần lớn do tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản hiện nay có thể dẫn tới tình trạng hình thành nợ xấu. Ngoài ra, thiên tai bão lũ, đặc biệt là cơn bão Yagi vừa qua cũng tác động tiêu cực đến nợ xấu các ngân hàng.
Đồng quan điểm, các chuyên gia VPBankS cho biết, dù nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát song là thách thức lớn trong bối cảnh Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024 đã hạn chế quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ xấu của các TCTD. Đồng thời, việc dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi đã tăng 50.000 tỷ đồng so với con số ước tính từ tháng 10/2024 và Thông tư 02, 06 sẽ hết hiệu lực đồng nghĩa với việc vẫn còn rủi ro nợ xấu trong tương lai.
Các chuyên gia VPBankS dự báo tỷ lệ nợ xấu đạt đỉnh trong quý III/2024, trước khi đi ngang hoặc giảm nhẹ trong quý IV. Trong khi đó, các chuyên gia VIS Ratings kỳ vọng rằng tỷ lệ nợ xấu toàn ngành sẽ ổn định ở mức 2,3% – 2,4% khi các ngân hàng hoàn tất việc xóa nợ trong quý IV/2024.
Bộ đệm dự phòng mỏng hơn
Trước áp lực gia tăng nợ xấu, nhiều ngân hàng đồng thời nâng bộ đệm dự phòng rủi ro theo diễn biến thực tế. Tuy nhiên, không phải lúc nào số dư dự phòng nợ xấu cũng theo kịp tốc độ tăng của nợ xấu.
Theo dữ liệu từ WiChart, số dư dự phòng rủi ro vào cuối quý III/2024 của các ngân hàng niêm yết ở mức 211.754 tỷ đồng, tăng 15,2% so với đầu năm. Trong khi đó, số dư nợ xấu tăng tới 27,9%, lên gần 259.186 tỷ đồng.
Điều đó dẫn đến tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu) của những ngân hàng trên đều giảm so với thời điểm cuối năm ngoái. Xét chung toàn ngành, tỷ lệ này giảm 10,2 điểm %, từ mức 91,8% cuối năm ngoái xuống 81,6% vào cuối quý III/2024. Theo số liệu thống kê, có 18/29 ngân hàng báo cáo tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm trong 9 tháng qua.
Hiện chỉ còn 4 ngân hàng duy trì được tỷ lệ bao phủ trên ngưỡng 100% là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank. MB đã rời nhóm này khi ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 117% từ đầu năm xuống còn 68,8% cuối quý III. Trước đó trong quý II, MB từng ghi nhận tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu 101,7%.
Chia sẻ với chúng tôi, TS. Nguyễn Hữu Huân cho biết, mặc dù không thể tính chính xác nợ xấu thực tế hiện nay tại các ngân hàng, tuy nhiên, khi Thông tư 02 của NHNN hết hiệu lực nợ xấu dự kiến sẽ tăng, vì thế, các ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải. Trong khi đó, nhóm ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024 – 2025.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cho thấy sự chuẩn bị cho rủi ro từ phía các ngân hàng, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Do đó, mọi ngân hàng đều có tính toán nhằm giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức hợp lý để vừa dự phòng được nợ xấu, vừa đảm bảo lợi nhuận cho mình.
"Rủi ro khó tránh nếu nợ xấu tăng mà tỷ lệ bao phủ dự phòng giảm, điều này không chỉ làm giảm lợi nhuận mà còn làm suy yếu khả năng chống đỡ của các ngân hàng trước những cú sốc tài chính trong tương lai", TS Huân nhấn mạnh.
Nợ xấu là một nguyên nhân khiến lợi nhuận phân hóa
Theo dự báo của nhiều công ty chứng khoán, lợi nhuận ngành ngân hàng có triển vọng tăng trưởng dương nhưng xuất hiện sự phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng. Đồng quan điểm, TS Huân nhận định, "lợi nhuận ngân hàng năm 2024 có tăng trưởng nhưng khó có thể kỳ vọng tăng đột biến.
"Lợi nhuận sẽ phân hóa mạnh với những ngân hàng thuộc nhóm đầu, những ngân hàng nhỏ hơn phải tập trung khắc phục rủi ro nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng, do đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có khả năng bị sụt giảm", chuyên gia phân tích thêm.
Tính trong quý III, lợi nhuận các ngân hàng đã công bố BCTC đã tăng trưởng 18%. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận tăng trưởng tới 16%. Kết quả kinh doanh giữa các ngân hàng có sự phân hóa mạnh, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu trong danh sách lợi nhuận, kế đến là hai ông lớn cổ phần MB và Techcombank.
Tuy nhiên, trong số đó, một phần ba ngân hàng ghi nhận lợi nhuận quý III giảm so với cùng kỳ năm trước.Theo lý giải từ các ngân hàng, nguyên nhân lãi giảm chủ yếu do tăng cường trích lập dự phòng, đồng thời hoạt động ngoài lãi giảm mạnh cũng tác động không nhỏ đến tổng thu nhập hoạt động ngân hàng.
Các ngân hàng nhỏ chịu mức giảm lợi nhuận đáng kể nhất do chi phí huy động tiền gửi tăng cao trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Các ngân hàng này và một số ngân hàng quy mô vừa như VIB, OCB ghi nhận sự suy giảm chất lượng tài sản và chi phí tín dụng cao.
Ngoài ra, theo các chuyên gia VIS Ratings, xu hướng lợi nhuận phân hóa còn diễn ra ngay tại các ngân hàng lớn, một số ngân hàng như Techcombank, MB, ACB bị ảnh hưởng bởi thu nhập từ dịch vụ bảo hiểm, ngoại hối và đầu tư chứng khoán giảm. Trong khi một số ngân hàng khác hưởng lợi từ nỗ lực giảm rủi ro trước đó đã giảm mạnh chi phí tín dụng như VPBank và tăng lợi nhuận thu hồi nợ như VietinBank và Vietcombank.
Dự phóng về lợi nhuận toàn ngành năm 2024, chuyên gia VPBankS dự báo lợi nhuận 293.649 tỷ đồng cho cả năm và đến hiện tại toàn ngành niêm yết đã hoàn thành 74,3% kế hoạch kinh doanh dự phóng của VPBankS, phù hợp với dự báo dù toàn ngành có bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Trong khi đó, theo FiinGroup, biên lãi ròng (NIM) của ngành ngân hàng vào cuối năm 2024 có khả năng sẽ giữ nguyên, nếu giảm cũng chỉ ở mức độ nhẹ, một số ngân hàng nhỏ khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Dự phóng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn ngành ở mức 15 - 17% cho năm 2024 và khoảng 20 - 24% cho năm 2025.