BTS đang hủy hoại bảng xếp hạng Billboard?

Theo tờ Forbes, BTS không phải nguyên nhân dẫn tới sự lộn xộn trong kết quả của bảng xếp hạng Billboard.

Đầu tháng 6, Butter trở thành ca khúc thứ 4 của BTS đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Với những người thường xuyên theo dõi tin tức về ngành công nghiệp âm nhạc, đây không phải điều đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, thành tích của BTS khiến truyền thông Mỹ đặt ra câu hỏi, liệu nhóm nhạc Hàn Quốc và lực lượng fan nhóm có làm mất giá trị của bảng xếp hạng Billboard hay không.

BTS đang phá hỏng bảng xếp hạng Billboard?

Phóng viên Tom Breihan của tờ Stereogum cho rằng Butter có thể đạt vị trí đầu bảng phần lớn nhờ lượt tải về của phiên bản nhạc số được bán với giá ưu đãi. Khi mua nhạc, fan có thể tải về instrumental - bản nhạc vốn phải mua riêng - và được tính vào thành tích trên bảng xếp hạng của ca khúc này.

 Bài viết của tờ Stereogum nhận định BTS đang làm hỏng hệ thống xếp hạng của Billboard. Ảnh: HYBE.

Bài viết của tờ Stereogum nhận định BTS đang làm hỏng hệ thống xếp hạng của Billboard. Ảnh: HYBE.

Theo Breihan, thực tế Butter không nổi trội bằng ba bài hát mới của Olivia Rodrigo trên các nền tảng âm nhạc trực tuyến, đồng thời không được phát sóng trên đài radio nhiều bằng ca khúc Leave The Door Open của Silk Sonic. Butter không phải bài hát nổi tiếng nhất tại Mỹ hiện tại. “Nếu nhìn vào bảng xếp hạng, công chúng sẽ hoàn toàn lầm tưởng độ nổi tiếng của BTS”, cây viết của Stereogum nhận xét.

“Bảng xếp hạng Hot 100 là công cụ tốt nhất chúng ta có để đánh dấu ca khúc nổi tiếng nhất trong từng giai đoạn lịch sử”, Breihan khẳng định. Theo anh, chiêu trò BTS sử dụng đã phá hủy bảng xếp hạng này. Bài viết của Stereogum cũng đề cập tới những phương thức không minh bạch để đạt thứ hạng cao trên bảng xếp hạng mà một số nghệ sĩ như Travis Scott, Taylor Swift, 6ix9ine sử dụng.

Cụ thể hơn, cho tới năm 2020, bảng xếp hạng Billboard vẫn tính lượng nhạc số có tặng kèm vé và quà vào thành tích trên bảng xếp hạng. Bên cạnh các nghệ sĩ kể trên, nhiều ngôi sao khác - bao gồm tên tuổi hàng đầu như Lady Gaga, Justin Bieber, Ariana Grande, The Weeknd - cũng tận dụng phương thức này triệt để. Đơn cử album nổi tiếng After Hours của The Weeknd được tặng kèm hơn 80 loại quà khác nhau.

Vào tháng 7/2020, Billboard chính thức dừng tính doanh số các gói bundle (nhạc số tặng kèm vé hoặc hàng hóa) và lượt tải về nhạc số có tặng kèm bản cứng album vào bảng xếp hạng.

Nhiều ca khúc ra mắt tại vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 giảm mạnh thành tích trong những tuần sau đó, rồi nhanh chóng biến mất khỏi bảng xếp hạng khi doanh thu ca khúc không còn được hỗ trợ bởi quà tặng kèm. Breihan phàn nàn: “Bảng xếp hạng đã bị hủy hoại”.

Theo phóng viên Bryan Rolli của tờ Forbes , đây chính là lý do không thể khẳng định sự lộn xộn trong bảng xếp hạng Billboard do một mình BTS gây nên. Nhiều nghệ sĩ từng cố gắng thao túng bảng xếp hạng trong hàng năm trời, điển hình như Travis Scott và Kid Culi khi cả hai tặng kèm rất nhiều quà cho khán giả mua một bản nhạc số ca khúc The Scotts.

Bryan Rolli cho biết BTS chưa từng phụ thuộc vào quà tặng kèm bài hát để đạt doanh thu cao vì họ không cần làm vậy. Theo Rolli, với độ nổi tiếng và số lượng người hâm mộ của BTS, bài hát của nhóm đạt thành tích cao là điều dễ hiểu.

 The Weeknd và nhiều ngôi sao phương Tây cũng từng dùng phương thức bundle để tăng thành tích nhạc số. Ảnh: Billboard.

The Weeknd và nhiều ngôi sao phương Tây cũng từng dùng phương thức bundle để tăng thành tích nhạc số. Ảnh: Billboard.

Vấn đề còn bỏ ngỏ trong ngành công nghiệp nhạc số

“BTS không làm mất đi độ uy tín của bảng xếp hạng. Thay vào đó, họ giúp chúng ta thấy rõ phương thức tính toán thành tích trên bảng xếp hạng vốn bị phá hỏng như thế nào”, Forbes viết.

Trong những năm đầu sự nghiệp, BTS từng bị truyền thông phương Tây chỉ trích khi nhóm biểu diễn các bài hát bằng tiếng Hàn tại Mỹ. Lúc BTS phát hành DynamiteButter bằng tiếng Anh, nhiều đài phát thanh nhanh chóng thêm hai ca khúc vào danh sách bài hát phát trên radio của họ. Điều này cho thấy vẫn tồn tại vấn đề mang tính hệ thống làm ảnh hưởng tới nền âm nhạc, khi đang có sự phân biệt giữa ca khúc tiếng Anh và ca khúc theo ngôn ngữ khác.

Tờ Forbes đặt ra câu hỏi về việc vì sao thành tích của nhóm nhạc Hàn Quốc lại bị đánh giá là không đáng tin cậy bằng thành tích tương tự của một nghệ sĩ phương Tây. Ngoài ra, các nghệ sĩ phương Tây cũng không bị giám sát gắt gao như cách truyền thông Mỹ nhìn nhận BTS.

 Tờ Forbes cho rằng BTS đang bị truyền thông và giới chuyên môn đối xử bất công ở thị trường Mỹ. Ảnh: HYBE.

Tờ Forbes cho rằng BTS đang bị truyền thông và giới chuyên môn đối xử bất công ở thị trường Mỹ. Ảnh: HYBE.

Theo Bryan Rolli, các nền tảng phát hành nhạc số có thể không công khai minh bạch phương thức họ sử dụng để lọc lượt nghe trực tuyến không hợp lệ. Trong ngày đầu tiên phát hành, lượt nghe trực tuyến của ca khúc Butter đã bị giảm từ gần 21 triệu xuống gần 11 triệu lượt nghe. Nếu giữ nguyên thành tích ban đầu, Butter sẽ trở thành ca khúc có số lượt nghe trực tuyến trong một ngày nhiều nhất trên nền tảng nhạc số nhất định.

Ngoài ra, trước khi hệ thống thu thập thông tin Nielsen Soundscan ra đời vào năm 1991, Billboard từng thu thập thông tin về doanh số ca khúc bằng cách gọi điện trực tiếp cho tiệm bán băng đĩa trên toàn quốc. Các nhân viên có thành kiến riêng với nghệ sĩ nhất định hay nhận hối lộ từ vài hãng thu âm đã nói dối về lượng doanh số thực sự, khiến kết quả trên bảng xếp hạng không còn chính xác hoàn toàn, Forbes đưa ra thông tin.

Forbes nhận định: “Cáo buộc BTS làm mất uy tín bảng xếp hạng đồng nghĩa với làm ngơ trước những hành vi cố gắng thao túng bảng xếp hạng Billboard trong nhiều thập kỷ và phủ nhận thành công vượt trội của BTS”.

Thúy Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bts-dang-huy-hoai-bang-xep-hang-billboard-post1224647.html