Bỏ kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba: Có giúp cân bằng giới tính khi sinh?
Ngày 20/3/2025, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chính thức bỏ quy định kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ ba. Quy định này được kỳ vọng sẽ giúp các địa phương cân bằng giới tính khi sinh, cũng như đảm bảo lâu dài mức sinh thay thế. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, để đạt được mục tiêu đưa ra, cần có thêm các chính sách khác để khuyến khích người trẻ kết hôn, sinh con và không lựa chọn giới tính khi sinh…

Các ông bố tham gia chăm sóc con cái sẽ tác động tích cực giúp giảm mất cân bằng giới tính khi sinh (ảnh mang tính chất minh họa).
“Nút thắt” về giới tính
Thái Nguyên là một trong những tỉnh nhiều năm có tỷ số giới tính khi sinh cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Theo thống kê mới nhất, năm 2024, tỷ lệ này ở mức 116 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống (chỉ tiêu được giao là 112,5); trong quý I/2025 là 119,15 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống.
Trong khi đó, mục tiêu chung của cả nước đề ra đến năm 2030 là đưa tỷ số giới tính khi sinh về dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra. Con số này cho thấy, dù các chương trình truyền thông, tập huấn, ký cam kết... đã được quan tâm triển khai, nhưng tâm lý “trọng nam, khinh nữ” vẫn âm ỉ, len lỏi trong mọi tầng lớp nhân dân.
Theo bà Hồ Thị Thanh Thủy, Trưởng Phòng Dân số, Sở Y tế Thái Nguyên: Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) xuất phát sâu xa từ tư tưởng văn hóa lâu đời, cộng thêm áp lực “sinh ít, phải sinh con trai”, đã khiến nhiều cặp vợ chồng sử dụng biện pháp lựa chọn giới tính. Do đó, dù có sự thay đổi trong chính sách sinh con, nhưng nếu không thay đổi được nhận thức thì tình trạng mất cân bằng vẫn sẽ diễn ra.
Cú hích cho tư duy?
Nhiều năm qua, Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm các địa phương có mức sinh cao trên toàn quốc. Năm 2024, tổng tỷ suất sinh của tỉnh đạt 2,1 (tức là 2,1 con/phụ nữ) - đảm bảo mức sinh thay thế.
Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, 2 năm gần đây, mức sinh trên phạm vi cả nước giảm nhanh, từ 2,1/phụ nữ con trong giai đoạn 1999-2022, xuống còn 1,96 con/phụ nữ năm 2023 và 1,91 con/phụ nữ năm 2024. Đây là mức thấp nhất trong lịch sử, cũng là năm thứ ba liên tiếp mức sinh của Việt Nam giảm dưới mức sinh thay thế. Do đó, việc nới lỏng quy định về số con là động thái cần thiết.
Các chuyên gia về dân số cho rằng: Bỏ quy định kỷ luật sinh con thứ ba không chỉ giải tỏa áp lực cho đảng viên mà còn khuyến khích việc sinh đủ số con cần thiết để duy trì mức sinh thay thế.
Ở góc độ khác, khi không còn bị ràng buộc bởi các hình thức xử lý, các cặp vợ chồng - đặc biệt là cán bộ có thể cân nhắc sinh thêm con gái, thay vì bằng nhiều giải pháp để sinh cho được con trai theo mong muốn.
Đồng tình với quan điểm trên, chị Trần Ngọc Thu, công chức một sở thuộc tỉnh, bày tỏ: Chính sách mới sẽ giảm áp lực tâm lý phải "chọn giới tính thai nhi ngay lần đầu" - một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ quả mất cân bằng giới tính nghiêm trọng hiện nay. Khi đã có thêm sự lựa chọn, người ta sẽ bớt căng thẳng trong việc phải có con trai ngay lần đầu sinh, cũng như không phải tìm cách đối phó khi sinh con thứ 3 trở lên.
Tuy nhiên, bà Hồ Thị Thanh Thủy cũng như nhiều cán bộ, đảng viên có chung quan điểm: Bỏ kỷ luật thôi là chưa đủ. Đó mới chỉ là một trong nhiều mảnh ghép cần thiết để giải quyết bài toán MCBGTKS. Nguyên nhân cốt lõi vẫn là tư duy xã hội chưa thực sự thay đổi và áp lực kinh tế trong việc nuôi con vẫn rất lớn. Chưa kể, một bộ phận giới trẻ ngày nay không muốn kết hôn và sinh con vì nhiều lý do khác nhau.
Thái Nguyên là một minh chứng rõ nét cho điều đó. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như tổ chức các buổi truyền thông lưu động, các lớp tập huấn cho cán bộ và người dân, đưa nội dung MCBGTKS vào trường học, y tế, thậm chí cả hương ước thôn bản…. Tuy nhiên, tình trạng MCBGTKS vẫn cao và không đạt được mục tiêu đề ra.
Thực tế cho thấy, nuôi một đứa trẻ ngày nay rất tốn kém. Nếu không có thêm chính sách hỗ trợ, người dân vẫn sẽ ngại sinh con. Câu chuyện không chỉ nằm ở quyền được sinh thêm con, mà còn là khả năng nuôi dạy con trong điều kiện cơ bản nhất.

Việc nuôi lớn một đứa trẻ với rất nhiều chi phí đã và đang khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ không muốn sinh 2 con (ảnh mang tính chất minh họa).
Nhiều khó khăn cần “gỡ”
Để chính sách “bỏ kỷ luật sinh con thứ ba” thực sự mang lại hiệu quả, nhất là trong việc giảm MCBGTKS, cần song hành những giải pháp căn cơ hơn. Trước hết cần tiếp tục tăng cường giáo dục chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh giáo dục giới tính, lồng ghép bình đẳng giới trong mọi cấp học và sinh hoạt cộng đồng. Việc xây dựng hình ảnh người phụ nữ có vai trò quan trọng như nam giới trong gia đình và xã hội cần được chú trọng.
Thứ hai là bổ sung thêm chính sách hỗ trợ tài chính. Cùng với việc miễn học phí cho học sinh phổ thông công lập vừa được Bộ Chính trị quyết định, người dân tiếp tục kỳ vọng có thêm các chính sách tương tự về y tế, nhà ở... cũng như việc tăng lương cho cán bộ, công chức sau khi việc sắp xếp bộ máy và đơn vị hành chính được hoàn thành.
Thứ ba là sự cần thiết xử lý nghiêm các trường hợp lựa chọn giới tính. Bên cạnh tuyên truyền, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở y tế tiếp tay cho lựa chọn giới tính cũng phải quyết liệt, không để "nhờn luật". Trên thực tế, các quy định đều đã có, việc “lựa chọn giới tính” vẫn diễn ra nhưng rất ít trường hợp bị xử lý…
Bỏ quy định kỷ luật sinh con thứ ba là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội, nhưng để đi qua cánh cửa ấy một cách hiệu quả vẫn cần một hành lang vững chắc từ chính sách đến xã hội. Đặc biệt ở những địa phương như Thái Nguyên - nơi tỷ lệ MCBGTKS còn ở mức cao, thì chính sách cần được "gỡ rối" cùng lúc từ nhiều phía.