Động lực để người dân giữ rừng

Những năm gần đây, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã mang lại những kết quả tích cực. Thông qua việc được hưởng tiền DVMTR, người dân và các cộng đồng không chỉ tích cực giữ gìn, phát triển rừng mà còn có thêm điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Người dân huyện Mường Chà tuần tra quản lý, bảo vệ rừng.

Người dân huyện Mường Chà tuần tra quản lý, bảo vệ rừng.

Giờ đây, việc bảo vệ rừng không còn là nhiệm vụ của riêng lực lượng kiểm lâm hay chính quyền địa phương mà đã trở thành nghĩa vụ, trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Tại xã Mường Mươn (huyện Mường Chà), người dân đã chủ động tham gia vào công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Nhất là khi việc chi trả tiền DVMTR được chi trả chính xác, khách quan và kịp thời đã giúp ý thức bảo vệ rừng của người dân thay đổi rõ rệt, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng hằng năm. Nhờ những cách làm hay và sáng tạo của những người thực thi chính sách cũng như các cộng đồng đã giúp cho chính sách chi trả DVMTR phát huy hiệu quả, người dân ngày càng gắn bó hơn với rừng.

Chia sẻ về những giải pháp của cộng đồng đối với diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ, ông Lò Văn Minh, Trưởng bản Mường Mươn 2 cho biết: “Để bảo vệ và quản lý rừng tốt, dân bản đã cùng nhau đi tuần tra rừng hàng tuần, có tuần tổ chức 2 - 3 đợt. Bản còn thành lập Tổ Quản lý và Bảo vệ rừng với 11 thành viên tham gia. Ngoài trách nhiệm của mọi người trong tổ, mỗi khi cần đi rừng kiểm tra thì bà con lại tập trung đầy đủ, không cần nhắc nhở nhiều. Ngoài ra, chúng tôi còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở nhau không được chặt phá rừng. Nhờ vậy, từ trước đến nay, bản chúng tôi không có ai lấn chiếm rừng trái phép cả”.

Khi chính sách chi trả DVMTR phát huy hiệu quả, bà con đã có thêm nguồn thu nhập từ chính việc giữ rừng. Ở một số địa bàn, dù số tiền bà con được hưởng tuy không lớn nhưng vẫn góp phần không nhỏ vào việc động viên, khích lệ tinh thần, nâng cao ý thức giữ rừng của bà con. Từ khoản chi trả này, các tổ bảo vệ rừng ở thôn, bản được trích một phần để phục vụ cho hoạt động tuần tra, kiểm soát rừng. Điều đó đã trở thành động lực để các thành viên trong tổ thực hiện nhiệm vụ với trách nhiệm cao hơn.

Nói về hiệu quả thiết thực của chính sách, ông Giàng Mùa Dếnh, bản Huổi Khương, xã Vàng Đán (huyện Nậm Pồ) khẳng định: “Khi nhận được tiền DVMTR, cộng đồng bản chia một phần cho tổ bảo vệ rừng, còn lại thì chia đều cho các hộ dân trong bản. Mỗi năm, gia đình tôi nhận khoảng 1 triệu đồng. Tuy không phải số tiền lớn nhưng cũng đủ để chi tiêu một số khoản trong gia đình. Quan trọng hơn, mình cảm thấy việc bảo vệ rừng có ý nghĩa, vừa giúp giữ gìn môi trường sinh thái, vừa có thêm thu nhập”.

Cơ quan chức năng cùng lực lượng kiểm lâm rà soát diện tích rừng để thực hiện chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Cơ quan chức năng cùng lực lượng kiểm lâm rà soát diện tích rừng để thực hiện chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Hiện nay, chính sách chi trả DVMTR đã trở thành nền tảng vững chắc trong công tác quản lý và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, người dân chính là lực lượng nòng cốt, vừa cung ứng DVMTR, vừa trực tiếp hưởng lợi. Nhờ đó, hầu hết diện tích rừng của tỉnh đã được giao cho các cộng đồng thôn, bản, phố quản lý và chăm sóc. Việc trao quyền đi kèm với trách nhiệm đã khiến người dân chủ động hơn, gắn bó mật thiết hơn với tài nguyên rừng.

Theo ông Đào Công Tiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé, hiệu quả rõ nét nhất từ chính sách chi trả DVMTR là sự thay đổi trong nhận thức của người dân. “Trước đây, vẫn còn nhiều trường hợp bà con vào rừng đặc dụng để khai thác lâm sản hoặc làm nương. Tuy nhiên, từ khi được giao quyền quản lý và hưởng quyền lợi từ rừng, hiện tượng này đã gần như không còn. Người dân giờ đã xem rừng là một phần quan trọng trong cuộc sống, là nguồn sinh kế lâu dài và bền vững, chứ không chỉ đơn thuần là nơi để khai thác nữa” - ông Tiến nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện giao khoán quản lý và chi trả đầy đủ, kịp thời tiền DVMTR cho các cộng đồng dân cư, nhóm hộ trên địa bàn không chỉ giúp nâng cao thu nhập mà còn củng cố vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác quản lý rừng. Nhờ đó, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đã tăng đều qua các năm. Hiện toàn tỉnh có hơn 429.820ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm khoảng 97,6%, tương đương hơn 419.539ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,54% - một con số cho thấy nỗ lực lớn từ cả hệ thống chính trị và người dân địa phương.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả tiền DVMTR cho người dân TP. Điện Biên Phủ.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả tiền DVMTR cho người dân TP. Điện Biên Phủ.

Bà Mai Hương, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh nhận định: “Từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai, nhận thức và hành động của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đã thay đổi rõ rệt. Sự gắn bó của bà con với rừng được thể hiện qua các hành động cụ thể, thiết thực. Ngoài việc góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thời gian qua, chính sách này còn giúp người dân cải thiện thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Từ đó đã chứng minh tính hiệu quả, bền vững và nhân văn của chính sách chi trả DVMTR. Vì lẽ đó có thể khẳng định đây không chỉ là giải pháp quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, mà còn là mô hình gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, một cách bền vững, dài lâu”.

Giờ đây, mỗi tán cây, mỗi cánh rừng đều là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của người dân cùng chính quyền địa phương trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Và chính sự đồng thuận, tinh thần trách nhiệm, sự hưởng ứng từ mỗi cá nhân hay cộng đồng đã và đang tiếp tục là yếu tố then chốt để chính sách DVMTR phát huy tối đa hiệu quả. Qua đó cũng phần nào khẳng định tính đúng đắn của việc thực thi chính sách chi trả DVMTR trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa tỉnh trong thời gian qua.

Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/moi-truong-rung/dong-luc-de-nguoi-dan-giu-rung