Bộ GTVT họp bàn cùng 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ làm 2 cao tốc lớn ở miền Tây
Để đẩy nhanh việc thực hiện dự án, Bộ GTVT yêu cầu các địa phương xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập dự toán, các khung chính sách đền bù GPMB, hồ sơ kỹ thuật…..
Chiều 23/11, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cùng đoàn công tác của Bộ GTVT làm việc với 6 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về công tác triển khai dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.
Mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, trên cơ sở Nghị quyết 60 của Quốc hội, Nghị quyết 91 của Chính phủ về việc đầu tư xây dựng dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Bộ GTVT cùng 4 địa phương có dự án đi qua đã xây dựng quy chế phối hợp, thực hiện dự án bám sát các mốc thời gian của Nghị quyết đề ra.Để đẩy nhanh việc thực hiện dự án, Bộ GTVT đề nghị các địa phương báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập dự án đầu tư.
Ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, đối với cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, tiến độ các dự án thành phần đến nay đáp ứng so với kế hoạch.Về hướng tuyến, cơ bản không thay đổi so với bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được duyệt. Tuy nhiên các chủ đầu tư có kiến nghị vi chỉnh một số vị trí đi qua khu dân cư đông đúc, các công trình văn hóa, tôn giáo,... để giảm thiểu khó khăn trong công tác GPMB.
Bên cạnh đó, một số dự án thành phần có thể vượt sơ bộ tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Các địa phương đều kiến nghị Bộ GTVT, xem xét phân bổ lại tổng mức đầu tư của các dự án thành phần.
Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4km), điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Chiều dài tuyến khoảng 27,43km (Đồng Tháp khoảng 19,81 km, Tiền Giang khoảng 7,62 km).
Dự án được chia làm 2 dự án thành phần vận hành độc lập. Trong đó, dự án thành phần 1 dài 16km đã được UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở GTVT làm chủ đầu tư dự án.
Hiện nay, tổng mức đầu tư tăng so với bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng tăng 166 tỷ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị tăng 186 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cam kết bổ sung ngân sách địa phương trong quá trình triển khai dự án nếu có phát sinh vượt tổng mức đầu tư.
Tại buổi làm việc, các địa phương cũng kiến nghị Bộ GTVT nhiều vấn đề liên quan đến yếu tố kỹ thuật, chi phí bồi thường, GPMB. Đặc biệt là việc xem xét thống nhất phương án đầu tư trung tâm điều hành giao thông, bố trí trạm dừng nghỉ cho toàn dự án, hỗ trợ nguồn cát cho các địa phương.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đánh giá cao các địa phương và đơn vị liên quan trong công tác triển khai cắm mốc GPMB, thiết kế cơ sở, lập dự toán, các khung chính sách đền bù, tham vấn ý kiến cộng đồng nơi dự án đi qua.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng bày tỏ lo lắng vì kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn tại địa phương chưa có.
Trong khi đó, mốc hoàn thành cơ sở pháp lý quyết định đến thời gian thực hiện dự án là ngày 15/12/2022. Do đó, báo cáo thẩm định dự án phải chính xác để có các biện pháp kỹ thuật phù hợp với tổng mức đầu tư được duyệt. Tiếp đó là các bước lựa chọn nhà thầu để đến 30/6/2023 có thể khởi công dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận khẩn trương phối hợp và có hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật các địa phương trong quá trình triển khai, các dự án thành phần, đảm bảo sự đồng bộ giữa các dự án.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm yêu cầu các đơn vị tư vấn thống nhất cách làm giữa dự án thành phần, nâng cao chất lượng của hồ sơ dự toán. Đặc biệt, hồ sơ thiết kế phải hạn chế được các phát sinh về sau. "Đơn vị tư vấn phối hợp cùng Ban Mỹ Thuận, các địa phương nghiên cứu, phương án đầu tư các trạm dừng nghỉ trên dự án sao cho phù hợp", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chỉ đạo.
“Về tổng mức đầu tư các dự án thành phần, tôi yêu cầu Cục Quản lý Đầu tư cây dựng, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm việc với chủ đầu tư các dự án thành phần, rà soát lại tổng mức đầu tư của các dự án. Khi nghiên cứu tiền khả thi, chúng ta phải đánh giá cụ thể từng địa phương. Khu vực nào nền đất yếu phải sử dụng những giải pháp kỹ thuật khó hơn thì kinh phí tại dự án đó phải nhiều hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.