Bộ đội tuyên truyền pháp luật nơi biên giới: Cách làm hiệu quả ở An Giang

Bộ đội Biên phòng An Giang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú, sát thực tế...

Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật do Đồn Biên phòng Nhơn Hưng, Bộ đội Biên phòng An Giang tổ chức tại phường An Phú, thị xã Tịnh Biên với hơn 100 người dân tham gia là đồng bào Khmer, thuộc 2 phường An Phú và Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên.

Mặc dù thời gian của buổi tuyên truyền dài, nhưng nội dung và hình thức rất phong phú, nên không làm bà con nhàm chán. Bà con không chỉ chăm chú lắng nghe, mà còn tích cực đặt câu hỏi về những vấn đề mình chưa hiểu để cán bộ trực tiếp giải đáp.

Đại đức Chau Khi, Trụ trì Chùa Tà Ngáo, phường An Phú, thị xã Tịnh Biên chia sẻ: "Bộ đội Biên phòng cũng qua đây tuyên truyền cho bà con dân tộc Khmer rất nhiều: về pháp luật, về việc qua lại biên giới... Bộ đội Biên phòng tuyên truyền cho sư rất nhiều về pháp luật, giờ sư cũng về tuyên truyền lại cho phật tử cùng hiểu, đồng tình và làm theo pháp luật"

Cán bộ Bộ đội Biên phòng An Giang tuyên truyền, giới thiệu với các nhà sư về sách pháp luật

Cán bộ Bộ đội Biên phòng An Giang tuyên truyền, giới thiệu với các nhà sư về sách pháp luật

Thượng úy Trương Hoàng Khang, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết, cũng như các đơn vị khác, khi tổ chức buổi tuyên truyền, đơn vị thường kết hợp linh hoạt giữa tuyên truyền miệng với các hình thức tuyên truyền khác như tờ rơi, tờ gấp… hướng dẫn nội dung cốt lõi, quan trọng của nội dung cần tuyên truyền.

Văn bản pháp luật được soạn theo hướng ngắn, gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào; nội dung tuyên truyền cũng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân địa phương…

Thượng úy Trương Hoàng Khang cho biết thêm, đội vận động xây dựng nhiều kế hoạch, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại địa phương, với nhiều mô hình tuyên truyền đối với người dân, nhất là người dân ở khu vực biên giới.

Đội Vận động quần chúng cũng tuyên truyền cho các chị em để mỗi người là một tuyên truyền viên đến mọi người dân xung quanh, từ đó để mọi người dân nhận biết, hiểu được pháp luật, hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới.

Bộ đội Biên phòng An Giang tăng cường tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc

Bộ đội Biên phòng An Giang tăng cường tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc

Xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cũng như đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, cùng phương châm "mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống"; chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân được đơn vị triển khai thực hiện một cách đồng bộ, nghiêm túc và đạt được kết quả.

Bằng cách "mưa dầm thấm lâu", việc tuyên truyền pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, nhất là người dân khu vực biên giới.

Từ đó, làm giảm đáng kể các hành vi vi phạm pháp luật như: không vượt biên trái phép, không tiếp tay và không tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép; không buôn lậu, không tiếp tay cho buôn lậu; nâng cao ý thức cảnh giác và tích cực trong việc tố giác tội phạm

Bộ đội Biên phòng An Giang triển khai mô hình "Tiếng loa Biên phòng"

Bộ đội Biên phòng An Giang triển khai mô hình "Tiếng loa Biên phòng"

Ông Lê Văn Tẳng, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, 1 địa phương biên giới của tỉnh An Giang chia sẻ: "Nhờ Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, tôi cũng đã nhận thức được, rồi tôi về tuyên truyền cho chòm xóm, dòng họ… để bà con cô bác giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới".

Bộ đội Biên phòng An Giang tuyên truyền tại Thánh Đường Nhơn Hội

Bộ đội Biên phòng An Giang tuyên truyền tại Thánh Đường Nhơn Hội

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang, điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thời gian qua, không chỉ tuyên truyền trực tiếp mà còn lồng ghép vào các mặt công tác, hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể địa phương thông qua các buổi sinh hoạt ở khu vực biên giới. Đặc biệt, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã phát huy hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở các xã, phường, thị trấn biên giới.

Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và thượng tôn pháp luật của nhân dân; giúp bà con thấy được vai trò, trách nhiệm đối với chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; tinh thần cảnh giác, tích cực đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Bộ đội Biên phòng An Giang tuyên truyền cho học sinh

Bộ đội Biên phòng An Giang tuyên truyền cho học sinh

Thiếu tá Võ Văn Toán, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Vĩnh Hội Đông cho biết, trong thời gian qua, đơn vị cũng đã cùng tham gia, phối hợp với địa phương giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn để phát triển kinh tế, qua đó cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn.

Thực hiện tốt phong trào bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ các em trong chương trình "nâng bước em đến trường".

Ngoài ra, phối hợp với địa phương thành lập các "tổ tự quản đường biên, cột mốc, công trình giới"; "Tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc"; "Tổ bảo vệ an ninh trật tự xóm ấp"…

"Qua đó cũng đã phát huy tinh thần của quần chúng nhân dân trên địa bàn trong việc tham gia xây dựng bảo vệ biên giới; hàng năm, thành viên các tổ này đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho đơn vị, địa phương, từ đó giúp giải quyết ổn định các vấn đề về biên giới trên địa bàn" - Thiếu tá Võ Văn Toán nói.

Tỉnh An Giang có đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp với 2 tỉnh Kandal và Takeo, Vương quốc Campuchia, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính và 1 cửa khẩu phụ. Địa hình biên giới An Giang bằng phẳng, kênh rạch chằng chịt, với nhiều đường mòn, lối mở qua lại dọc biên giới; nhất là khu vực của khẩu, người dân hai bên khu vực biên giới qua lại làm ăn, buôn bán, thăm thân thường xuyên…Đây cũng là điều kiện thuận tiện để các loại tội phạm hoạt động, nhất là buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

"Tiếng loa Biên phòng" tuyên truyền cho người dân sinh sống trên các nhà bè.

"Tiếng loa Biên phòng" tuyên truyền cho người dân sinh sống trên các nhà bè.

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang cho biết, để đạt hiệu quả cao trong công tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân trong thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể, sát với thực tế của từng địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu, sáng tạo,...

Đồng thời, đa dạng hóa hình thức, phương pháp; tuyên truyền gắn với các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; chú trọng lồng ghép với công tác vận động quần chúng, giao lưu văn nghệ, thể thao, kết nghĩa...

Bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc và tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, Bộ đội Biên phòng An Giang cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương biên giới, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho bà con. Để từ đó bà con thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống; kinh tế gia đình được ổn định; bà con cũng không còn bị các đối tượng xấu lợi dụng để hoạt động vi phạm pháp luật...

Bộ đội Biên phòng An Giang Tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho người dân trên sông Bình Di, huyện An Phú.

Bộ đội Biên phòng An Giang Tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho người dân trên sông Bình Di, huyện An Phú.

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp cho biết sẽ tiếp tục triển khai các mô hình linh hoạt, phù hợp, sát với thực tế. Hàng ngày, thông qua hoạt động công tác tại địa bàn, các đơn vị xây dựng kế hoạch, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức tuyên truyền tập trung trong nhân dân; phối hợp với mặt trận, đoàn thể và các lực lượng, nhất là các trường học trên địa bàn để mở các cuộc, hội thi tìm hiểu pháp luật, biểu diễn văn nghệ có nội dung lồng ghép với việc tuyên truyền pháp luật; tham gia "Tổ tư vấn pháp luật", mở các tủ sách pháp luật ở các xã biên giới. Thông qua các người có uy tín trong đồng bào dân tộc tôn giáo để tuyên truyền pháp luật.

Có thể nói, thời gian qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới của tỉnh An Giang cơ bản ổn định; tuy nhiên, hoạt động của các loại tội phạm vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp… Chính vì vậy, để công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục phát huy hiệu quả, Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cấp ủy chỉ huy các đơn vị vẫn phải chủ động, nỗ lực hơn, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho bộ đội và đồng bào vùng biên giới, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Phan Ánh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/bo-doi-tuyen-truyen-phap-luat-noi-bien-gioi-cach-lam-hieu-qua-o-an-giang-post1103950.vov