Bộ đội Biên phòng - 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (bài 5)

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh 'Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công', các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CANDVT và BĐBP ngày nay luôn đồng cam cộng khổ, đoàn kết thống nhất, cùng nhau khắc phục mọi khó khăn, thực hiện 'liêm, chính, kiệm, cần', quyết tâm xây dựng lực lượng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Bài 5: Đoàn kết thống nhất, giữ nghiêm kỷ luật, xây dựng BĐBP vững mạnh

Chấp hành Nghị quyết số 58/NQ-TW, ngày 19/11/1958 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị định số 100/TTg, ngày 3/3/1959 của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, CANDVT đã nhanh chóng triển khai lực lượng trên toàn miền Bắc theo hệ thống dọc từ Ban Chỉ huy Trung ương CANDVT xuống các Ban Chỉ huy hai khu Việt Bắc, Tây Bắc và các tỉnh với hệ thống đồn, trạm ra sát biên giới; tổ chức lực lượng bảo vệ an ninh các mục tiêu nội địa và giới tuyến quân sự tạm thời.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư) gắn huy hiệu, trao cờ và bằng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (lần thứ hai) tặng BĐBP Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư) gắn huy hiệu, trao cờ và bằng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (lần thứ hai) tặng BĐBP Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Lực lượng mới ra đời, công việc bộn bề, tổ chức chưa được kiện toàn, song Ban Chỉ huy Trung ương CANDVT (tháng 7/1961 đổi tên thành Bộ Tư lệnh CANDVT) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác xây dựng đảng, coi đó là khâu then chốt trong công tác xây dựng lực lượng; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm thống nhất ý chí, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực nghiệp vụ, xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng.

Sau 6 năm thành lập, năm 1965, trước hành động leo thang chiến tranh ra miền Bắc của đế quốc Mỹ và tay sai, việc bảo vệ an ninh miền Bắc trở nên cấp bách, đòi hỏi phải điều chỉnh nhiệm vụ của CANDVT cho phù hợp và ngày 28/4/1965, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 116/NQ-TW về phân công nhiệm vụ giữa QĐND và CAND trong bảo vệ trị an miền Bắc và điều chỉnh tổ chức lực lượng CANDVT. Nghị quyết xác định rõ “CANDVT là một thành phần trong lực lượng CAND có nhiệm vụ: Bảo vệ trị an biên giới, giới tuyến, bờ biển chủ yếu bằng biện pháp chính trị và nghiệp vụ công an; vũ trang trực tiếp bảo vệ lãnh tụ, cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các cơ quan ngoại giao, các vị khách nước ngoài của Đảng và Nhà nước, các cơ sở kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật trọng yếu; vũ trang canh giữ trại giam”.

Đến cuối năm 1965, các tỉnh, thành phố biên giới và nội địa miền Bắc đã cơ bản triển khai xong việc bố trí lực lượng theo Nghị quyết số 116; đồng thời tiếp tục tăng cường lực lượng chi viện cho An ninh vũ trang miền Nam. Trong giai đoạn (1965-1975), công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh CANDVT đặc biệt coi trọng; công tác đảm bảo chỉ huy chiến đấu và bảo vệ cũng có nhiều đổi mới, sáng tạo phù hợp với yêu cầu thời chiến. Từ một lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới và các mục tiêu trọng yếu ở nội địa, CANDVT đã trở thành một đội quân công tác, đội quân chiến đấu bằng biện pháp chính trị, nghiệp vụ, vũ trang, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đất nước thống nhất, CANDVT đã khẩn trương kiện toàn cơ quan Bộ Tư lệnh để chỉ huy, chỉ đạo cả 2 miền; củng cố các đơn vị phía Bắc, tập trung chỉ đạo xây dựng các đơn vị miền Nam đi vào nền nếp, trong đó chú trọng vào các đơn vị làm nhiệm vụ ở hải đảo, ở những khu vực biên giới phức tạp và chuẩn bị cho 2 cuộc chiến đấu chống chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ biên giới quốc gia ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, trước yêu cầu cấp thiết đặt ra trong giai đoạn cách mạng mới, để thống nhất lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang, tăng cường sức mạnh chiến đấu, đồng thời, phát huy sở trường của các lực lượng nhằm góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-TW về chuyển giao nhiệm vụ và tổ chức biên chế CANDVT từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng, đổi tên thành BĐBP. Nghị quyết ghi rõ: “Chuyển giao sang Bộ Quốc phòng và chuyển thành BĐBP toàn bộ lực lượng và tổ chức CANDVT hiện nay thuộc Bộ Nội vụ, bao gồm các đơn vị chiến đấu ở biên giới, bờ biển, hải đảo và trên chiến trường Campuchia, các cơ quan, nhà trường, các cơ sở vật chất kỹ thuật của lực lượng CANDVT".

Chuyển sang tổ chức mới, theo cơ chế lãnh đạo mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng, của Quân đội và BĐBP để đưa cơ quan, đơn vị vào khuôn khổ chung trong tổ chức quân đội, khẳng định vị trí của BĐBP trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trong công tác xây dựng đơn vị, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung lãnh đạo các đơn vị thực hiện tốt 5 mục tiêu của cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu” để đưa cơ quan, đơn vị vào khuôn khổ chung trong tổ chức của quân đội; thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Quân ủy Trung ương về “Xây dựng quân đội chính quy, thống nhất và từng bước hiện đại”. Vì vậy, trước những khó khăn, thử thách của tình hình đất nước, sự chuyển đổi tổ chức và phương thức lãnh đạo mới đối với lực lượng, song, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đều tuyệt đối trung thành với Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành nhiều mặt công tác có chất lượng cao, khẳng định vai trò, vị trí của BĐBP trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Sau gần 7 năm thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TW, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia nói chung và an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biên giới nói riêng, ngày 30/1/1987, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 07/NQ-TW "về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới", quyết định chuyển giao lực lượng BĐBP cho Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) trực tiếp phụ trách.

Trong giai đoạn này, BĐBP đã có những bước chuyển biến vững chắc về chính trị, tư tưởng, tổ chức và thực hiện nhiệm vụ. Cùng với công tác ổn định tổ chức, biên chế, các đơn vị đã chủ động, tích cực xây dựng lực lượng vững mạnh, chính quy, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, phục vụ công cuộc đổi mới của Đảng. Bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tích cực, chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng biên giới vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc bảo vệ biên giới quốc gia...

Năm 1995, để BĐBP thực hiện tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách, huy động và phối hợp với các lực lượng vũ trang, các ngành, các đoàn thể, nhân dân và toàn xã hội trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế, ngày 8/8/1995, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 11/NQ-TW về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới” đã quyết định chuyển BĐBP từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng. Thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (8/8/1995) và Quyết định số 754 của Chính phủ (16/11/1995) về xây dựng BĐBP trong tình hình mới, từ năm 1995 đến nay, BĐBP đã triển khai thực hiện hệ thống tổ chức 3 cấp từ Bộ Tư lệnh BĐBP đến Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố và các đồn Biên phòng.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành các văn bản pháp luật quan trọng như: Luật Biên giới quốc gia; Pháp lệnh BĐBP; Nghị định số 02/1998/NĐ-CP; Nghị định số 34/2000/NĐ/-CP, Nghị định số 161/2003/NĐ-CP nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý Nhà nước đối với biên giới quốc gia, mới đây nhất là Luật Biên phòng Việt Nam, tạo hành lang pháp lý cho BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và xây dựng lực lượng trong tình hình mới.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương, chính sách trong xây dựng và bảo vệ biên giới. Đồng thời, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong toàn lực lượng phát huy truyền thống anh hùng, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực nghiên cứu, đổi mới toàn diện các biện pháp công tác Biên phòng, vận dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh, xử lý đúng đắn, kịp thời các hoạt động vi phạm chủ quyền biên giới, vùng biển, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị trên các tuyến biên giới, giữ bình yên cuộc sống cho đồng bào các dân tộc.

Tuy nhiên, sau 30 năm đổi mới, trước những đòi hỏi và yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, BĐBP phải có chiến lược quy hoạch, xây dựng lực lượng vững mạnh về mọi mặt theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP chủ động đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp nhằm củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng BĐBP theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của BĐBP tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng Đề án tổ chức lực lượng và Đề án quy hoạch hệ thống đồn trạm với mục tiêu xây dựng quy hoạch tổ chức BĐBP toàn diện, lâu dài, ổn định, chuyên sâu nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và khả năng thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng và tham gia có hiệu quả trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới, biển đảo và giữ biên giới hòa bình, ổn định lâu dài với các nước láng giềng. Vì vậy, ngày 11/12/2017, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 5592/QĐ-BQP phê duyệt Đề án quy hoạch đồn trạm Biên phòng đến năm 2021 và những năm tiếp theo; ngày 1/10/2018 ký Quyết định số 4159/QĐ-BQP phê duyệt Đề án tổ chức lực lượng BĐBP giai đoạn 2017-2021 và những năm tiếp theo.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ủy BĐBP; sự chỉ huy, điều hành chặt chẽ của Bộ Tư lệnh BĐBP, các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng đã tiến hành rà soát, sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức theo hướng tập trung giảm các đầu mối trung gian, các đơn vị phục vụ; bố trí sử dụng cán bộ, nhân viên các đơn vị nằm trong diện giải thể, sáp nhập... phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Việc tổ chức, sắp xếp nói trên đã giúp BĐBP tinh giản 122 đầu mối tổ chức, giảm gần 2.000 biên chế ở các cơ quan, đơn vị, thành lập mới 18 đơn vị... Đồng thời, sáp nhập 49 đầu mối; tiến hành giải thể 9 tổ chức không còn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của BĐBP trong giai đoạn hiện nay; đổi tên và di chuyển vị trí đóng quân 36 đồn Biên phòng. Cùng với tổ chức lại, thành lập mới và sáp nhập, BĐBP đã tập trung đầu tư xây dựng các lực lượng đã được xác định tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị gồm: Trinh sát kỹ thuật; Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Kiểm soát cửa khẩu...

Sau khi tổ chức biên chế toàn lực lượng được kiện toàn, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp trong BĐBP xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo, đề ra các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật phù hợp với phù hợp với tổ chức biên chế và thực tiễn công tác chiến đấu của BĐBP. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tổ chức các đợt sinh hoạt, học tập, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của cấp trên, chú trọng tăng cường giáo dục, kỷ luật, pháp luật và điều lệnh cho bộ đội, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác giáo dục, quản lý, duy trì kỷ luật; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục với quản lý bộ đội, duy trì chế độ, nền nếp công tác và đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới...

Qua đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng được nâng lên, trận địa tư tưởng luôn được giữ vững, công tác bảo vệ chính trị nội bộ được tăng cường, gắn xây dựng đơn vị an toàn với xây dựng địa bàn an toàn; chất lượng huấn luyện, đào tạo và xây dựng chính quy chuyển biến tích cực; các chế độ, nền nếp học tập, công tác, sẵn sàng chiến đấu của cơ quan, đơn vị được duy trì thực hiện nghiêm túc; ý thức kỷ luật, pháp luật của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên; phương pháp, tác phong công tác ngày càng chính quy, khoa học, đúng điều lệnh. Hệ thống doanh trại, cảnh quan môi trường cơ quan, đơn vị khang trang, xanh-sạch-đẹp, gọn gàng, ngăn nắp; đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được cải thiện...

Chính vì vậy, trước sự tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, bọn tội phạm luôn tìm cách lôi kéo, nhưng do được giáo dục thường xuyên và thử thách qua thực tế công tác trên các tuyến biên giới nên cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn kiên định vững vàng, vượt qua mọi thử thách, đoàn kết thống nhất, giữ nghiêm kỷ luật, khắc phục khó khăn gian khổ, giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, người lính quân hàm xanh.

Ðể thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ mà Ðảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó, giữ vững truyền thống “Đoàn kết thống nhất, giữ nghiêm kỷ luật, xây dựng BĐBP vững mạnh” trong thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia theo các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện đào tạo, nghiên cứu ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Đổi mới mạnh mẽ tác phong, phương pháp công tác theo hướng chính quy, khoa học, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là trong công tác kiểm soát xuất nhập cảnh; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động của cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng.

Qua đó, xây dựng BĐBP vững mạnh về chính trị, tư tưởng, giỏi về quân sự, am hiểu về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, thành thạo ngoại ngữ. Đồng thời, tiếp tục tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực biên giới gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở khu vực biên giới. Trong đó, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Bài 6: Tăng cường đoàn kết quốc tế, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển

Hương Mai

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bo-doi-bien-phong-65-nam-xay-dung-chien-dau-va-truong-thanh-bai-5-post472392.html