Bình Định: Tận dụng lợi thế từ các hồ chứa thủy lợi nuôi cá lồng bè

Năm 2009, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai thực hiện đề tài 'Đánh giá tiềm năng và xây dựng quy trình kỹ thuật ương - nuôi cá diêu hồng trong lồng năng suất cao' tại huyện Vĩnh Thạnh. Đến nay, mô hình nuôi cá diêu hồng lồng bè đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành sinh kế bền vững cho người dân sống quanh khu vực lòng hồ Định Bình, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh.

Anh Hà Tấn Thuận, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh đã tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ Định Bình để đầu tư 12 lồng lưới nuôi cá diêu hồng kết hợp cá ba sa, cá trê. Mỗi năm anh nuôi 2 vụ, với giá bán tận nơi từ 30.000 - 55.000 đồng/kg tùy loại, trừ chi phí anh thu về gần 20 triệu đồng/vụ.

Còn gia đình ông Nguyễn Nga có 30 lồng nuôi với số lượng thả nuôi 200 ngàn con cá giống diêu hồng, thát lát cườm. Nhờ nguồn nước tự nhiên thích hợp và cách chăm sóc tốt nên số lượng cá chết rất ít. Ông ước tính, vụ cá này có thể thu hoạch đạt 20 tấn, tổng doanh thu lên tới hàng trăm triệu đồng.

Năm 2009, huyện bắt đầu triển khai mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ Định Bình. Ban đầu khoảng 7 hộ nuôi, đến nay, đã tăng lên 30 hộ. Mô hình này áp dụng chủ yếu cho cá diêu hồng, cá thác lác và cá trê. Về sản lượng, hộ ít nhất có có 8 lồng nuôi, nhiều nhất có 30 lồng. Thu nhập trung bình mỗi hộ từ 100 triệu đến 130 triệu đồng/năm, gấp 1,5 lần so với các loại cây trồng trên địa bàn huyện.

Hiện tại mô hình đã được nhân rộng, số lượng hộ nuôi ngày một tăng lên. Chính quyền địa phương cũng đã có những giải pháp hữu hiệu để gia tăng giá trị thủy sản nuôi trồng, tạo sinh kế bền vững, ví như “cần câu cơm” để người dân vươn lên làm giàu.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/binh-dinh-tan-dung-loi-the-tu-cac-ho-chua-thuy-loi-nuoi-ca-long-be-190036.htm