Bệnh trĩ đang 'trẻ hóa'

Nếu như trước đây bệnh trĩ thường xuất hiện ở người trung niên từ 50 tuổi trở lên thì nay độ tuổi mắc bệnh trĩ ngày càng 'trẻ hóa'. Không ít thanh, thiếu niên chỉ 15-16 tuổi đã phát hiện mắc bệnh trĩ do lối sống hiện đại với thói quen ít vận động, 'nghiện' các thiết bị điện tử, chế độ ăn uống không lành mạnh.

Nguyên nhân khiến bệnh trĩ "trẻ hóa"

Bệnh trĩ là một bệnh lý lành tính liên quan đến biến đổi cấu trúc bình thường của ống hậu môn. Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh lại gây nhiều khó chịu, phiền toái, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Về cơ bản, trĩ chủ yếu có 2 loại, bao gồm trĩ nội và trĩ ngoại. Trường hợp người bệnh có cả hai thì gọi là trĩ hỗn hợp. Đáng lo ngại, bệnh trĩ đang dần trở thành căn bệnh có độ tuổi "trẻ hóa" nhanh chóng với nguyên nhân do lối sống hiện đại ít vận động, thói quen ăn đồ thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, “nghiện” điện thoại thông minh.

Người bị trĩ nên lựa chọn bệnh viện (phòng khám) uy tín để điều trị.

TS.BS Lê Mạnh Cường, Chủ tịch Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam, Phó Giám đốc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, kiêm Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết: Qua thực tiễn lâm sàng, các nghiên cứu trong nước và nước ngoài, trước đây, độ tuổi người mắc bệnh trĩ tỷ lệ cao nhất ở khoảng 45 - 60 tuổi. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, nhịp sống hiện đại bận rộn cộng thêm thói quen “lạm dụng” công nghệ đang dẫn tới việc trẻ hóa bệnh trĩ. Số người trẻ mắc bệnh này đang có xu hướng tăng, thậm chí, nhiều bệnh nhân mắc bệnh khi ở độ tuổi dưới 20.

Một trong những nguyên nhân của trẻ hóa bệnh trĩ hiện nay xuất phát từ thói quen ăn uống như sở thích ăn đồ cay nóng, sử dụng đồ ăn nhanh, ăn không đúng giờ giấc. Nhiều bạn trẻ có thói quen sinh hoạt không khoa học, dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính, laptop để chơi điện tử, lướt mạng xã hội. Thậm chí, khi đi vệ sinh cũng phải “ôm” điện thoại để một công đôi việc, khiến kéo dài thời gian đi đại tiện, ảnh hưởng đến phản xạ đào thải của cơ thể. Những thói quen tưởng chừng đơn giản này đã làm tăng áp lực các vùng tiểu khung, hậu môn trực tràng, đấy chính là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh trĩ.

Đặc biệt, nhiều người trẻ hiện nay “lười” vận động, thường xuyên ngồi lỳ một chỗ. Việc ngồi, nằm lâu không đi lại, vận động sẽ khiến khí huyết không được lưu thông, gây áp lực cho các tĩnh mạch hậu môn. Yếu tố này còn liên quan trực tiếp đến tính chất công việc, có thể kể đến một số ngành nghề như nhân viên văn phòng, giáo viên, nghề may, lái xe, tiếp thị…

“E ngại” đi khám khiến bệnh càng trầm trọng

Là căn bệnh không quá nguy hiểm nhưng lại là bệnh ở vùng kín nên bệnh nhân thường e ngại đi khám và điều trị bệnh trĩ, nhất là với các chị em phụ nữ. Nhiều người ngại đi khám nên đã âm thầm chấp nhận các triệu chứng khó chịu của bệnh trong nhiều năm cho đến khi bệnh trở nặng, gây chảy máu nhiều hoặc búi trĩ bị sa nằm bên ngoài hậu môn không thể nhét vào thì mới bắt buộc phải đến các cơ sở y tế. Việc thăm khám và điều trị muộn như vậy có thể khiến bệnh trở nặng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật đại trực tràng và tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Việc điều trị sớm bệnh trĩ sẽ mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả. Vì hiện nay chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm cũng rất đơn giản. Do đó, khi có bệnh trĩ, bệnh nhân nên đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để an toàn hơn trong quá trình chữa bệnh”.

Việc điều trị được chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là điều trị nội khoa, vệ sinh, ăn uống. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ, bệnh nhân chỉ cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, tăng cường vận động, thay đổi lối sống sinh hoạt, sử dụng một số loại thuốc điều trị các triệu chứng của bệnh…

Nhóm thứ hai là điều trị bằng thủ thuật. Nếu người bệnh có biến chứng đau, chảy máu, nhiễm trùng, thậm chí phải cấp cứu, bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp bằng thủ thuật như tiêm trĩ, thắt vòng cao su, tia laser, điện từ trường.

Nhóm thứ ba là điều trị bằng phẫu thuật. Việc can thiệp phẫu thuật hiện nay cũng có rất nhiều tiến bộ. Trĩ ở giai đoạn hơi muộn, bệnh nhân có thể dùng các phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn như phẫu thuật Longo hoặc tạo hình mô trĩ bằng laser; phẫu thuật triệt mạch, treo trĩ; phẫu thuật cắt trĩ kinh điển: Phương pháp cắt trĩ hở để hở vết thương (phương pháp Milligan-Morgan hoặc phương pháp cắt trĩ kín khâu lại vết thương như phương pháp Ferguson)…

Đáng lo ngại, bệnh trĩ nếu không được điều trị kịp thời, kéo dài lâu ngày có thể làm cho toàn thân thiếu máu mạn tính, sút cân, giảm thể lực, có thể tắc mạch, chảy máu, hoại tử trĩ… Do vậy, khi có bất cứ dấu hiệu nào bất thường, cần gạt bỏ e ngại để đến thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/benh-tri-dang-tre-hoa-666049.html