Bên lề Quốc hội: Hoạt động của Quốc hội ngày càng thực chất, sát với thực tế
Ngày 26/3, qua theo dõi kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, nhiều cử tri của tỉnh Bình Dương cho rằng, trong nhiệm kỳ qua các đại biểu và hoạt động của Quốc hội đã ngày càng thực chất, sát với thực tế của đất nước cũng như mong muốn của nhân dân.
Cử tri Nguyễn Văn Vẹn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Dương (trú tại phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương), tâm đắc báo cáo công tác nhiệm kỳ đã đánh giá khá toàn diện và đầy đủ, phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri. Đặc biệt, trong báo cáo của Chính phủ và của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Công tác điều hành của Quốc hội và Chính phủ đã được nhân dân và cử tri cả nước tin tưởng, đồng thuận.
Cử tri Nguyễn Văn Vẹn mong muốn hoạt động của Quốc hội sẽ được đổi mới hơn nữa, nhất là đi sát vào từng vấn đề đời sống. Chính phủ cần quan tâm nâng cao năng lực y tế, phát triển y tế dự phòng, chống dịch COVID-19, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khám chữa bệnh, quản trị bệnh viện và tất cả người dân sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí.
Cử tri Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ – Điện Bình Dương, đánh giá, nhiệm kỳ qua hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, đạt nhiều thành công rõ nét như kịp thời ra Nghị quyết về xử lý nợ công, đưa nợ công của Việt Nam về ngưỡng an toàn. Quốc hội đã thông qua những chính sách lớn để đưa đất nước tiến tới khát vọng giàu mạnh, hùng cường và được cử tri cả nước hoan nghênh như làm đường cao tốc Bắc –Nam, xây dựng sân bay quốc tế Long Thành...
Tuy nhiên, theo ông Trần Thành Trọng, các đại biểu Quốc hội cần tăng tính chuyên nghiệp bằng cách thêm đại biểu chuyên trách, tăng cường hiệu lực thực hiện việc giám sát của Quốc hội, cần chế tài kỷ luật những cá nhân, tổ chức bị Quốc hội giám sát có chỉ ra thiếu sót, sai phạm mà không khắc phục.
Ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty gỗ Triệu Phú Lộc (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), đề nghị, Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn nữa, thực thi bằng chính sách cụ thể như hiện nay sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, trong khi chính sách hỗ trợ thuế vừa qua chưa đủ để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục đề xuất các giải pháp cho phép các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp tục được gia hạn, miễn, giảm nộp thuế. Đồng thời, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết.
Công tác giám sát của Quốc hội chặt chẽ, đạt hiệu quả cao
Ông Lò Văn Chiến, 81 tuổi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Giáy ở bản Tả Sin Chải, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu, cho biết: Nhiệm kỳ qua, công tác giám sát của Quốc hội khóa XIV đã chặt chẽ hơn, đạt hiệu quả cao.
Theo ông Lò Văn Chiến, thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội khóa XV cần tăng cơ quan chuyên trách, đại biểu chuyên trách của Quốc hội kể cả Trung ương và địa phương nhằm thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn thay vì kiêm nhiệm nhiều như hiện nay. Đối với việc phát triển vùng đồng bào dân tộc, miền núi, Quốc hội cần chỉ đạo việc triển khai, thực hiện các nghị quyết nghiêm túc tại cấp cơ sở và giám sát chặt chẽ để đạt được đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Ông Hảng A Xà, người uy tín trong đồng bào dân tộc Mông ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nêu ý kiến, Quốc hội khóa XIV đã bám sát đời sống nhân dân để giải quyết nhiều vấn đề. Ông thường xuyên theo dõi các phiên tranh luận tại kỳ họp nên nhận thấy công tác giám sát tại cơ sở ngày càng được quan tâm. Nhiều đoàn đại biểu của Quốc hội từ Trung ương đã tiếp xúc cử tri, gặp gỡ đồng bào dân tộc ở các bản xa xôi của tỉnh để từ đó hiểu rõ cuộc sống của người dân và truyền đạt ý kiến của cư tri đến với Quốc hội.
Ông Hảng A Xà mong muốn, Quốc hội, Nhà nước cần quan tâm, đầu tư hơn nữa ở vùng cao, biên giới về cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, trường học, trạm y tế… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ cho đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.