Bảo vệ người cao tuổi trước vấn nạn lừa đảo

Theo phản ánh từ các địa phương, tình trạng lừa đảo, bán hàng đa cấp đang diễn biến ngày càng phức tạp. Mục tiêu mà các đối tượng lừa đảo hướng tới chính là người cao tuổi, bởi họ không 'sành' công nghệ, ít tiếp cận thông tin, dễ bị thuyết phục, tài chính có sẵn.

Đủ chiêu trò lừa đảo

Anh em, con cái của vợ chồng ông bà H.T.S. và N.V.C. trú tại huyện Sơn Dương không thể ngờ ông bà lại lâm vào cảnh túng bấn, giật gấu vá vai như hiện nay. Theo lời chị H.M.G. (con gái ông bà H.T.S. và N.V.C.) cách đây khoảng 5 năm, trong một lần tham gia chương trình tư vấn sức khỏe cho người già của một tổ chức, bố chị đã được nhân viên tư vấn mua máy mát xa chân tặng kèm thêm những lọ dầu gió có nhãn hiệu nước ngoài để tự chăm sóc sức khỏe tại nhà mà không phiền đến con cháu. Sau lần mua đó, bố chị G. liên tục được nhân viên gọi điện tư vấn mua thêm các sản phẩm khác để phục vụ đời sống tốt hơn với giá ưu đãi hơn chỉ dành cho những khách hàng vàng, khách hàng bạc.

Điều đáng nói là sau những lần mua ưu đãi, đầu mối cung cấp sản phẩm đã “tin tưởng” ký gửi sản phẩm tại nhà bố mẹ chị. Chị G. khẳng định, mặc dù con cái trong nhà đã ra sức can ngăn, phân tích, tuy nhiên bố mẹ chị vẫn cứ tin, nghe theo các đối tượng và tiền ông bà cứ đội nón ra đi lúc nào không biết. Chị G. bảo, khoảng 2 năm nay, nhà của bố mẹ chị trở thành kho chứa hàng và mỗi lần bên bán ký gửi đồ, bố mẹ chị lại mất đi một khoản tiền để làm tin. Dù 2 ông bà với khoảng 15 triệu đồng lương hưu mỗi tháng, vậy mà không những lương hết, tích lũy cũng hết, tháng nào ông bà cũng giật gấu vá vai vay nợ anh em, họ mạc.

Nhân viên Ngân hàng Agribank Tuyên Quang hỗ trợ ngăn chặn hành vi lừa đảo của các đối tượng với khách hàng cao tuổi

Nhân viên Ngân hàng Agribank Tuyên Quang hỗ trợ ngăn chặn hành vi lừa đảo của các đối tượng với khách hàng cao tuổi

Không tham gia vào đường dây mua hàng nhưng bà N.T.T, xã Nhữ Khê (Yên Sơn) mất cả chục triệu đồng để mua các loại thuốc và thực phẩm chức năng. Anh N.V.Q. chia sẻ, tháng 5 vừa qua, mẹ anh được một tổ chức tự xưng là thiện nguyện đến tận nhà vận động và “đài thọ” các cụ chuyến xe miễn phí về Hà Nội khám sức khỏe.

Trên đường đi, nhà xe và nhân viên của một hãng dược phẩm đã tư vấn để các cụ mua các loại sản phẩm được quảng cáo có nguồn gốc từ thiên nhiên, rất tốt cho sức khỏe người già, đặc biệt điều trị dứt điểm bệnh xương khớp, mờ mắt. Tin lời giới thiệu của các nhân viên hơn nữa nể tình nhà xe chở miễn phí đi khám bệnh nên mẹ anh đã rút tiền mua ủng hộ. Theo anh Q, tất cả các loại thuốc mẹ anh mua đều là thực phẩm chức năng, không phải thuốc chữa bệnh như lời quảng cáo.

Ngoài các thủ đoạn lừa đảo để bán thực phẩm chức năng, các sản phẩm quảng cáo có khả năng hỗ trợ chữa bệnh với giá… trên trời thì nhiều hình thức lừa đảo tài chính khác cũng đang “bủa vây” người cao tuổi.

Sự việc xảy ra gần 1 năm nhưng bà N.T.S, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) vẫn chưa thể tin mình có thể bị lừa dễ dàng đến vậy. Theo bà S, khoảng tháng 10-2023, bà đang ngồi xem ti vi có một cuộc gọi từ số máy lạ nói là con bà cần tiền gấp khoản tiền để đặt cọc nhà. Thương con đi làm xa vẫn phải thuê nhà, ngay sáng hôm sau bà đã đến phòng giao dịch để làm thủ tục tất toán sổ tiết kiệm có giá trị gần 1 tỷ đồng để chuyển đến số tài khoản vừa được gửi đến.

Rất may trong quá trình bà làm thủ tục, nhân viên ngân hàng đã nghi ngờ và xin được hỗ trợ. Ngay khi phát hiện nhân viên ngân hàng, đối tượng đã tắt thuê bao. Bà S. bảo, bà quá may mắn gặp được nhân viên ngân hàng nhiệt tình, trách nhiệm nếu không công sức cả đời tích cóp của bà đã không còn.

Bảo vệ người cao tuổi trước vấn nạn lừa đảo

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tội phạm, mục tiêu mà các đối tượng lừa đảo hướng đến hiện đang có sự dịch chuyển mạnh về nhóm người cao tuổi, đây là nhóm người mà khả năng nhận diện lừa đảo còn hạn chế. Các hình thức lừa đảo thường xuyên như: Lừa đảo “combo du lịch” giá rẻ; lừa đảo công nghệ cao thông qua cuộc gọi video Deepfake; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp, bảo hiểm ngân hàng; giả danh Công an, kiểm sát viên, cán bộ tòa án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin CCCD đi vay tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dẫn dụ đầu tư, nhận bưu phẩm; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền; lừa đảo để kinh doanh hoạt động đa cấp

Điều đáng nói là với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, rất nhiều người, trong đó có người cao tuổi đã trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tài chính và toàn bộ số tiền mà người cao tuổi tích cóp được trong suốt thời gian dài đã nhanh chóng bị rơi vào túi kẻ gian.

Ông N.X.T. thành phố Tuyên Quang trình báo với cơ quan chuyên môn hỗ trợ bảo vệ tài sản.

Ông N.X.T. thành phố Tuyên Quang trình báo với cơ quan chuyên môn hỗ trợ bảo vệ tài sản.

Đồng chí Nịnh Văn Quân, Bí thư Đảng ủy xã Nhữ Khê (Yên Sơn) cho biết, trên địa bàn xuất hiện tình trạng một nhóm đối tượng gửi thư mời người dân, trong đó chủ yếu tập trung vào người già tham dự và nghe giới thiệu sản phẩm, sau đó sẽ được tặng quà là ấm nước siêu tốc, nước giặt hoặc tư vấn mua thuốc, mua thực phẩm chức năng… Ngay sau khi phát hiện vấn đề, xã đã gọi Chủ tịch Hội Người cao tuổi để quán triệt, xã yêu cầu Hội tuyệt đối không chấp thuận cho bất kỳ tổ chức, hiệp hội nào tổ chức các hội nghị, hoạt động tư vấn liên quan đến người cao tuổi khi chưa được thẩm tra rõ ràng.

Đại diện Thanh tra Sở Công Thương cho biết, Sở đang phối hợp với các ngành liên quan như: Quản lý thị trường, Công an, Cục Thuế tỉnh kiểm tra các hoạt động kinh doanh có dấu hiệu lừa đảo. Tuy vậy vẫn có những cái khó đó là trụ sở của các tổ chức không trên địa bàn tỉnh mà chỉ là những mạng lưới nhỏ lẻ, hoạt động núp bóng dưới rất nhiều hình thức nên việc thanh tra, kiểm tra cũng gặp những trở ngại.

Đại diện Công an tỉnh Thượng tá Trịnh Văn Thủy, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội khuyến cáo: Mọi người dân, trong đó có người cao tuổi không thực hiện các giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án thông báo có liên quan đến các vụ án nghiêm trọng như mua bán ma túy, mua bán người, gây tai nạn bỏ trốn, vi phạm pháp luật...

Khi gặp sự việc tương tự, người dân cần thận trọng, bình tĩnh trước những thông tin đe dọa, uy hiếp. Dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, không gửi các thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng cho các đối tượng này và thông báo ngay đến cơ quan công an gần nhất để xác minh, xử lý.

Gia đình, người thân, Hội người cao tuổi các cấp cần thường xuyên nhắc nhở người cao tuổi tuyệt đối không truy cập các trang thông tin không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không tin cậy; không tham gia các hoạt động kinh doanh buôn bán khi không biết nguồn gốc sản phẩm; không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và các tài khoản khác cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh, diễn đàn trực tuyến.

Bài, ảnh: Tuấn Quang

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/bao-ve-nguoi-cao-tuoi-truoc-van-nan-lua-dao-197703.html