Lý do có nơi hàng cứu trợ lũ lụt chất thành đống, không ai phân phát
Mạng xã hội lan truyền hình ảnh hàng cứu trợ chất thành đống lớn trong khi các đoàn tình nguyện cho biết nhiều người đang đi hỗ trợ vùng lũ theo kiểu 'no dồn đói góp'.
“Đoàn em là đoàn cứu hộ ưu tiên cứu người giờ lại gánh thêm trách nhiệm cứu đồ từ thiện. Các đoàn xe lớn xe bé gửi đồ lên chụp kiểu ảnh đã giao đến tận tay chính quyền địa phương, còn việc chính quyền đưa vào kiểu gì thì không biết”, chị L.H.H., một người tham gia công tác cứu trợ lũ lụt ở Vĩnh Phúc, chia sẻ trên Facebook.
Ở các bài viết tiếp theo, chị H. nêu vấn đề các đoàn cứu trợ theo kiểu “no dồn đói góp”, tức là dồn quá nhiều hỗ trợ vào một địa phương trong khi các địa phương khác nhận được ít hơn hẳn. Hàng hóa cứu trợ của một số đoàn cũng không phù hợp, có nhiều đồ ăn dễ hư hỏng hoặc không thể sử dụng trong điều kiện ngập lụt.
Tri Thức - Znews đã trao đổi với các đoàn cứu trợ khác tại khu vực miền Bắc và ông Hoàng Hoa Trung, Trưởng ban Mạng lưới tình nguyện Quốc gia khu vực miền Bắc. Thực tế cho thấy ùn ứ hàng hóa là một vấn đề nan giải trong những đợt thiên tai.
Hàng cứu trợ ùn ứ
6h sáng 11/9, đoàn cứu trợ đồng bào vùng lũ của chị Thanh Lan xuất phát từ Hà Nội đi Yên Bái. Đoàn mang theo hàng tấn hàng hóa như mì ăn liền, sữa, áo phao… để hỗ trợ người dân.
Đến nơi, chị bất ngờ khi nhìn thấy hàng trăm phần quà nằm la liệt khắp nhà văn hóa thay vì được phát cho người dân. “Tôi hỏi chính quyền mới biết số hàng này là những thực phẩm phải ăn nhanh như bánh chưng, cơm nắm, giò chả… Đa số đã hỏng và không thể tiêu thụ”, chị kể.
“Có những khu sạt lở, khó đi nên các đoàn thiện nguyện không thể vào, phải tập kết đồ cứu trợ ở một nơi để chờ chính quyền mang cho người dân. Các cơ quan địa phương đã làm rất tốt nhưng nhân lực thì có hạn. Từ đó mà tình trạng ùn ứ diễn ra”, chị chia sẻ với Tri Thức - Znews về một lý do khác làm hàng hóa chất đống.
Tương tự, chị Hương Huệ (Biên Hòa), người đứng ra huy động hàng hóa ở khu vực miền Nam và gửi ra Bắc, chia sẻ việc phân phối hàng cứu trợ cho mỗi địa phương đều như nhau là rất khó. Đoàn của chị Huệ đã đến hỗ trợ ở các khu vực chịu ảnh hưởng lũ lụt nặng nề như Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai…
“Ngay sáng hôm qua, một người quen ở Trấn Yên, Yên Bái, còn gọi cho tôi than rằng tấm lòng của bà con khó đến được chỗ họ vì đường đi quá khó khăn”, chị nói.
Chị kể nhiều tình nguyện viên phản ánh hàng hóa phân phối không đều ở các địa phương là do người dân ở vùng cô lập bị mất sóng, cắt điện. “Người dân không có Internet hay mạng xã hội nên không thể kêu gọi mọi người hỗ trợ. Ngược lại, những người bị lũ lụt ảnh hưởng nhưng vẫn dùng được mạng xã hội thì dễ kêu gọi hơn”, chị cho biết.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Hoàng Hoa Trung nhận xét việc phân phối hàng hóa cứu trợ không đều là “cái khó chung trong mỗi đợt thiên tai”. Ông Trung có hơn 16 năm kinh nghiệm tình nguyện ở khu vực vùng núi đồng thời là nhà sáng lập dự án “Nuôi Em”.
Quy trình cứu trợ phù hợp
“Tâm lý chung của mọi người là hễ đi hỗ trợ được đi không ai chịu ngồi im. Cũng vì gấp cứu người mà nhiều đoàn cứu trợ chưa nghiên cứu, khảo sát kỹ đã lao đi”, ông Trung lý giải.
Theo ông, cách tốt nhất để cứu trợ với đồng bào là trao đổi với chính quyền địa phương về tài lực, nhân lực của từng đoàn. Từ đó, chính quyền các địa phương sẽ làm việc chặt chẽ với nhau để phân phối nguồn hỗ trợ phù hợp.
“Tình hình bão lũ, cứu trợ thay đổi theo từng giờ, từng phút, thậm chí là giây. Có thể tại thời điểm này địa phương chưa có người hỗ trợ nhưng thời gian ngắn sau đã dư thừa. Thế mới nói chỉ có chính quyền sở tại mới hiểu người dân cần gì nhất”, ông nói thêm một số địa phương miền Bắc đã bắt đầu các hoạt động tái thiết sau lũ.
Hiện, ông Trung và cộng sự đã tổ chức gây quỹ để xây lại nhà cho người dân chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Kêu gọi từ 12/9, ông huy động hơn 90 triệu, 4 căn nhà và 1 phòng tin học cho người dân vùng lũ. Sắp tới, dự án của ông còn chuẩn bị xây 1 cây cầu trị giá hơn 300 triệu ở khu vực chịu ảnh hưởng của lũ lụt.
Ông Trung khuyến khích những người muốn ủng hộ đồng bào miền Bắc không dừng ở hoạt động cứu trợ trong lũ mà tiếp tục hỗ trợ bà còn tái thiết cuộc sống. “Thời điểm này, mọi người cứ có sức thì góp sức dọn dẹp. Nếu không, mọi người có thể góp cho các em nhỏ sách vở, quần áo, bút viết hoặc chút tiền để xây trường, để đồng bào xây lại nhà. Mọi đóng góp như thế đều tính là tái thiết sau lũ”, ông nói.
Nói về quy trình phù hợp để cứu trợ cả trong và sau lũ, nhà sáng lập dự án “Nuôi Em” nhấn mạnh khâu nghiên cứu và làm việc với chính quyền địa phương.
Đầu tiên, người có lòng hảo tâm cần xem khu vực mình đến hỗ trợ đang gặp vấn đề gì và đã có nhiều người hỗ trợ chưa. Sau đó họ nên liên hệ với chính quyền địa phương để trình bày kế hoạch. Các đoàn có thể gây quỹ và huy động nhân lực, hàng cứu trợ sau khi xác định nhu cầu của địa phương. Từ đó, các hoạt động cứu trợ đồng bào sẽ được diễn ra suôn sẻ và đúng nhu cầu của địa phương.
“Việc phân phối hàng cứu trợ không đều là cái khó chung trong mỗi đợt thiên tai. Mỗi hành động giúp đỡ đồng bào đều đáng quý và cần được trân trọng. Và nếu những hành động đó được thực hiện một cách hợp lý thì sẽ để lại nhiều tác động tích cực hơn”, ông Trung nhấn mạnh.