Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình: Thực trạng và định hướng chính sách

Hòa Bình là vùng đất cổ, có nền văn hóa phát triển, cái nôi của văn hóa Mường (với 07 dân tộc, trong đó người Mường chiếm khoảng 63% dân số cả tỉnh); nhiều di tích văn hóa, lịch sử; nền ẩm thực đa dạng, phong phú (có tới 786 di sản văn hóa phi vật thể; hơn 18.000 hiện vật có giá trị...). 'Văn hóa Hòa Bình' là một di sản quý giá của đất nước và nhân loại, cần phải được tiếp tục nghiên cứu và bảo tồn phát huy giá trị mang tầm thế giới.

Lễ hội khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2025

Lễ hội khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2025

Bảo tồn văn hóa Mường tại Hòa Bình trong bối cảnh hội nhập

Các giá trị văn hóa dân tộc Mường là tài sản vô giá gắn kết cộng đồng dân tộc Việt Nam. Người Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, dân ca, tục ngữ, lễ hội, tri thức dân gian, Mo Mường. Còn “Văn hóa Hòa Bình” có vị trí quan trọng trong thời đại đồ đá ở Việt Nam, cũng như trên thế giới; là tài sản vô cùng quý báu của nhân loại.

Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, cùng với nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, bản sắc dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” đang dần bị mai một, hơn bao giờ hết việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường là điều cấp bách. Hiện nay, tại nhiều vùng quê đã mất đi những giá trị quý báu của văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”.

Trước tình hình đó, tỉnh Hòa Bình đã và đang nỗ lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể của người Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” trên địa bàn.

Các giá trị văn hóa dân tộc Mường là tài sản vô giá gắn kết cộng đồng dân tộc Việt Nam

Các giá trị văn hóa dân tộc Mường là tài sản vô giá gắn kết cộng đồng dân tộc Việt Nam

Thực trạng bảo tồn văn hóa Mường tại Hòa Bình

Hòa Bình là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, địa phương giàu truyền thống cách mạng, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, với 786 di sản văn hóa phi vật thể; hơn 18 nghìn hiện vật có giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình".

Nói về "Văn hóa Hòa Bình" từ năm 1926, bà Madeleine Colani - nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện và đặt tên cho nền văn hóa này, khi bà cùng một số nhà khảo cổ học của Trường Viễn Đông Bác Cổ đi khảo sát các hang động trong các sơn khối đá vôi tỉnh Hòa Bình.

Kể từ khi giới khảo cổ học thế giới vinh danh "Văn hóa Hòa Bình" cách đây hơn 90 năm, đến nay, ngành Khảo cổ học Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu nền văn hóa này. "Văn hóa Hòa Bình" tại tỉnh Hòa Bình là minh chứng khẳng định tỉnh Hòa Bình là một trong những chiếc nôi của loài người.

Dân số Hòa Bình có khoảng trên 90 vạn người, với 6 dân tộc là Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, nhất là dân tộc Mường với 4 vùng: "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động".

tỉnh Hòa Bình đã và đang nỗ lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể của người Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” trên địa bàn

tỉnh Hòa Bình đã và đang nỗ lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể của người Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” trên địa bàn

Tỉnh Hòa Bình hiện đang nắm giữ 786 di sản văn hóa phi vật thể về các loại hình tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Di sản văn hóa vật thể tại Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ 18.003 hiện vật.

Về di tích, trên địa bàn tỉnh đã có 101 di tích được xếp hạng, bao gồm 41 di tích cấp quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh và hơn 100 di tích chưa xếp hạng. Nhiều giá trị văn hóa đặc sắc được quan tâm khôi phục, phát triển nhưcác lễ hội: chùa Tiên (Lạc Thủy), Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), đền Bờ (Cao Phong - Đà Bắc), Xên Mường, Gầu Tào (Mai Châu)…

Bên cạnh đó, đến nay, Hòa Bình đã có 5 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật trình diễn chiêng Mường, Mo Mường, tri thức dân gian lịch Tre dân tộc Mường, lễ hội Khai hạ dân tộc Mường và nghệ thuật trình diễn keng lóng dân tộc Thái huyện Mai Châu; cùng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc về đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc Mường, Tày, Thái, Mông, Dao.

Tri thức dân gian lịch Tre dân tộc Mường

Tri thức dân gian lịch Tre dân tộc Mường

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình"; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững. Qua đó, hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và hết sức quý báu của các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã được quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy tương đối hiệu quả, làm cho giá trị các di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội.

Trong năm 2024, Ban Chỉ đạo Đề án đã quan tâm chỉ đạo công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Khu bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại huyện Tân Lạc. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh Hòa Bình giao UBND huyện Tân Lạc thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch khu bảo tồn, trở thành "bảo tàng sống” lưu giữ các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống.

Trống đồng cổ trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình

Trống đồng cổ trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình tiếp tục tiến hành công tác phục chế các trống đồng có giá trị để bảo quản và phục vụ trưng bày giới thiệu về di sản trống đồng của Hòa Bình.

Đến nay Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đã phục chế được 9/74 trống đồng có giá trị trong bộ sưu tập trống đồng tại Bảo tàng. Trong tháng 11/2024, chào mừng Ngày Di sản Việt Nam, đúng dịp tỉnh tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức gian trưng bày chuyên đề "Vật báu xứ Mường” với 2 bộ sưu tập quý trống đồng và chiêng Mường, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là học sinh đến tham quan, tìm hiểu.

Cũng trong năm 2024, tỉnh Hòa Bình mời các nhà khoa học về nghiên cứu, đánh giá những giá trị của quần thể hang động và danh lam thắng cảnh chùa Tiên, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy; UBND tỉnh đã trình Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về việc xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ việc xây dựng hồ sơ khoa học xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tiếp tục mời các nhà khoa học về nghiên cứu để bổ sung hoàn thiện hồ sơ.

Đặc biệt, nội dung được đông đảo cán bộ, nhà nghiên cứu văn hóa và người dân quan tâm là việc nghiên cứu thiết kế mẫu kiến trúc nhà sàn cổ của người Mường và mẫu nhà sàn bằng vật liệu thay thế phù hợp điều kiện hiện nay. Thực hiện nhiệm vụ này, Sở Xây dựng đã triển khai đề án, xin ý kiến các sở, ngành liên quan. Sở Xây dựng đã tiếp thu giải trình và dự thảo cuốn Sổ tay mẫu kiến trúc nhà sàn của người Mường cổ và mẫu nhà sàn bằng vật liệu thay thế phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay để địa phương tham khảo vận dụng. Cùng với đó nghiên cứu, sưu tầm xây dựng mẫu quy cách của bộ trang phục truyền thống thông thường và lễ phục của người Mường để phổ biến trong cộng đồng và giới thiệu cho du khách khi đến Hòa Bình.

Chú trọng các giải pháp đồng bộ để bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa

Để có những kết quả trên, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều giải pháp bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh gắn với phát triển du lịch.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận nhằm phát huy giá trị văn hóa các dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chiến lược phát triển văn hóa của tỉnh đến năm 2030 cũng đề ra mục tiêu cụ thể: "Hoàn thiện việc xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, chăm lo đời sống cho các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh".

HĐND tỉnh Hòa Bình cũng đã thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về phát triển văn học, nghệ thuật; rà soát, bổ sung và xây dựng mới cơ chế, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật như chế độ nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp và các hoạt động văn hóa quần chúng, đội ngũ nghệ nhân dân gian… Đến nay, toàn tỉnh có 1.482 đội văn nghệ quần chúng tại các thôn, xóm, tổ dân phố với hàng chục nghìn diễn viên, nghệ nhân; mỗi đội được hỗ trợ 2 triệu đồng/năm từ năm 2012 tăng lên 4 triệu đồng/đội/năm từ năm 2020. Chính sách này đã góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển; một số xóm, bản phát triển du lịch cộng đồng có từ 4 đến 6 đội văn nghệ thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách.

UBND tỉnh Hòa Bình cũng quan tâm xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật của tỉnh; ban hành các quyết định về phê chuẩn Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018 - 2030. Trong đó, đề ra một số mục tiêu cụ thể như: tư liệu hóa nhóm di sản văn hóa loại hình nghệ thuật và diễn xướng dân gian (dân ca, thường rang, bộ mẹng, mo, trượng, mỡi, nghệ thuật chiêng sắc bùa, múa các dân tộc...); tư liệu hóa nhóm di sản văn hóa loại hình văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện thơ...).

UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã ban hành Đề án bảo tồn, phát huy giá trị sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình; Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường; kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Chú trọng sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật các dân tộc như: pho sử thi đồ sộ "Đẻ đất, Đẻ nước" của người Mường, "Ẳm Ệt"- tác phẩm phản ánh lịch sử loài người theo nhận thức của người Thái cổ về nhân sinh quan, thế giới quan.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện một số dự án truyền dạy nghệ thuật chiêng Mường, nghệ thuật hát ru, hát đối, bộ mẹng của người Mường; nghệ thuật hát (khắp) dân tộc Thái, dân tộc Tày; nghệ thuật trình diễn Mo Mường, chiêng Mường… góp phần kết nối cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, xây dựng văn hóa, con người Hòa Bình đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Từ các hoạt động, chương trình văn hóa nghệ thuật các dân tộc bước đầu khai thác phát triển thành một số sản phẩm công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các hoạt động sáng tác, quảng bá nghệ thuật, liên hoan văn hóa, văn nghệ ở tỉnh Hòa Bình diễn ra sôi nổi, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, thưởng thức nghệ thuật cho công chúng.

Bảo tàng không gian văn hóa Mường chứa đựng đầy đủ các công cụ trong quá trình dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Mường

Bảo tàng không gian văn hóa Mường chứa đựng đầy đủ các công cụ trong quá trình dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Mường

Ngoài ra, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được quan tâm, thu hút các nguồn lực trong toàn tỉnh để đầu tư xây dựng các thiết chế, công trình văn hóa, nghệ thuật. Có thể kể đến như Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (thành phố Hòa Bình) là nơi tổ chức thành công 5 festival nghệ thuật, thu hút trên 200 lượt họa sĩ, nhà điêu khắc trong nước và 20 quốc gia trên thế giới, cùng nhiều cơ sở khác ở các huyện Mai Châu, Kim Bôi... Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở ngày càng được hoàn thiện, dần đi vào hoạt động hiệu quả.

Các hoạt động bảo tồn các sản phẩm văn hóa dân gian trong những năm qua đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh; ý thức về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh ngày càng được nâng lên. Vai trò quản lý, điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường, củng cố, phát huy hiệu quả. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật phát triển rộng khắp ở cơ sở, tác động mạnh mẽ, tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đông đảo người dân.

Đội ngũ văn nghệ sỹ, nghệ nhân được động viên, khuyến khích kịp thời đã tích cực sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy, sáng tác các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, qua đó góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đặc biệt, với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cùng với nhiều lễ hội truyền thống được các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tổ chức đã phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Từ đó, tạo sức hút đối với khách du lịch nội địa và quốc tế đến tham quan du lịch.

Thời gian tới, để bảo đảm phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh Hòa Bình tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương.

Đẩy mạnh đa dạng hóa và xã hội hóa các nguồn lực, trong đó, nguồn lực Nhà nước có vai trò quan trọng và quyết định trong việc huy động các nguồn lực khác vào bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình". Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các chương trình, sự kiện, giao lưu, trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa; học tập kinh nghiệm các mô hình hiệu quả, sáng tạo tại các địa phương… góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Biến di sản thành tài sản

Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được quan tâm. Tỉnh Hòa Bình phối hợp Viện Âm nhạc Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố hoàn thiện bộ hồ sơ khoa học về di sản văn hóa mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ đệ trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đồng thời chỉ đạo tiến hành kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường.

Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hòa Bình

Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hòa Bình

Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định: Việc khơi dậy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch đã bước đầu đạt được hiệu quả tích cực. Trên địa bàn các huyện, thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình lấy bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường làm điều kiện cốt lõi để xây dựng môi trường du lịch bền vững, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho du lịch tỉnh Hòa Bình.

Đến nay có 4 di sản văn hóa phi vật thể của người Mường được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Mo Mường Hòa Bình; nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình; lễ hội Khai hạ của người Mường Hòa Bình; lịch tre của người Mường Hòa Bình. Hiện tiếp tục trình Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch 2 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của người Mường Hòa Bình là "Kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy của người Mường Hòa Bình”; "Hát dân ca thường đang - bộ mẹng của người Mường Hòa Bình”.

Năm 2024, tỉnh triển khai công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn huyện Lạc Sơn và TP Hòa Bình, trong đó cơ bản là kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường. Cùng với đó chỉ đạo khôi phục, bảo tồn một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc Mường Hòa Bình.

Điểm mới trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa Mường là Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp Cục Thể dục thể thao trực thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch triển khai công tác nghiên cứu trò chơi dân gian "đánh mảng” tiêu biểu của dân tộc Mường để khôi phục, phát triển trở thành môn thể thao đại chúng đưa vào trong hệ thống các giải thi đấu của tỉnh, khu vực và toàn quốc. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố tiếp tục phát triển các loại hình hoạt động câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian để huy động các nghệ nhân tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của người Mường.

Mộc Miên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dan-toc-muong-o-tinh-hoa-binh-thuc-trang-va-dinh-huong-chinh-sach-a28417.html