Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp dệt may
Dệt may là một trong những ngành, nghề được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) quy định có nguy cơ cao về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Quảng Trị luôn tuân thủ thực hiện công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh.
Theo Liên đoàn lao động tỉnh, hiện nay trên địa bàn có 19 công đoàn cơ sở doanh nghiệp dệt may với 4.288 người lao động, trong đó có 3.445 lao động nữ. Hầu hết doanh nghiệp dệt may đều triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ hằng năm theo quy định.
Trưởng bộ phận Hành chính, Nhân sự, Tiền lương Công ty TNHH Scavi Quảng Trị (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) Nguyễn Việt Triều cho biết, công ty chuyên sản xuất hàng dệt sẵn, quần áo lót, quần áo thể thao và quần áo trẻ em với hơn 500 lao động, trong đó có 445 lao động nữ. Công ty luôn đề cao vấn đề ATVSLĐ trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hằng năm, với sự hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn của lực lượng chức năng, công ty đã tổ chức các đợt tuyên truyền, tập huấn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động giúp người lao động nâng cao ý thức và nhận biết rủi ro trong quá trình sản xuất trực tiếp.
Cùng với đó, đơn vị luôn thực hiện tự kiểm tra, đánh giá công tác ATVSLĐ định kỳ; phân tích kết quả, hạn chế, tồn tại và bài học kinh nghiệm; tổ chức khen thưởng đối với các cá nhân làm tốt công tác này; phát động phong trào thi đua bảo đảm ATVSLĐ trong công ty.
Để nâng cao hơn nữa công tác ATVSLĐ trong ngành dệt may, vừa qua Sở LĐ,TB&XH tổ chức hội thi an toàn, vệ sinh lao động ngành dệt may Quảng Trị năm 2024 nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về công tác ATVSLĐ, bảo vệ môi trường; vận động cán bộ, đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động tham gia.
Hội thi có các đội đến từ nhiều công ty dệt may trên địa bàn tỉnh: Công ty TNHH Dệt may VTJ Toms; Chi nhánh Công ty Cổ phần quốc tế Phong Phú-Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú, Quảng Trị; Công ty TNHH Scavi Quảng Trị; Công ty Cổ phần May và Thương mại Gio Linh; Chi nhánh Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ-Công ty May Hòa Thọ Đông Hà và Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Đại Song Tiến. Các đội trải qua 3 vòng thi gồm: giới thiệu, kiến thức và thực hành.
Nội dung các bài thi gắn với công tác ATVSLĐ trong ngành dệt may. Hội thi là sân chơi bổ ích để các doanh nghiệp trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, vận động người lao động nghiêm túc thực hiện công tác ATVSLĐ ngày càng hiệu quả hơn.
Mặt khác, qua hội thi, người lao động được nâng cao kiến thức về các biện pháp khoa học kỹ thuật, pháp luật... để loại trừ các yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong quá trình sản xuất, tạo nên môi trường lao động tiện nghi, thuận lợi, ngày càng được cải thiện tốt hơn, trực tiếp góp phần bảo vệ và phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động.
Thượng tá Nguyễn Tiến Lợi, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh, cho biết: Đối với các doanh nghiệp dệt may do phòng quản lý, trong 2 năm 2023 và 2024, đơn vị đã phối hợp tổ chức 24 lượt tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho hơn 2.100 người tham gia. Huấn luyện định kỳ và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho 185 người.
Đơn vị cũng đã tổ chức 22 lượt thực tập phương án chữa cháy và thực hiện 28 lượt kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Nhờ đó, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các doanh nghiệp dệt may ngày càng được nâng lên, người lao động yên tâm sản xuất, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Theo Sở LĐ,TB&XH, thời gian qua, các ngành nghề nói chung và ngành dệt may trên địa bàn tỉnh nói riêng tích cực tham gia thực hiện công tác ATVSLĐ, góp phần xây dựng văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, tổ chức và công nhân viên chức lao động, người sử dụng lao động. Ngành dệt may công nghiệp từ lâu đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế cũng như phục vụ đời sống của con người.
Người lao động ngành này phải thường xuyên làm việc trong môi trường có nhiều tác động ảnh hưởng đến sức khỏe như: bụi vải, rác thải, tiếng ồn, thiếu ánh sáng... nên công tác ATVSLĐ luôn được đặt ra cấp thiết.
Doanh nghiệp cần nghiêm túc tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ định kỳ trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh ít nhất 1 lần trong một năm. Đồng thời căn cứ vào kết quả đánh giá người sử dụng lao động xác định nội dung, quyết định hình thức, tổ chức hướng dẫn cho người lao động thực hiện tự đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ theo quy định nhằm giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ với doanh nghiệp cũng được coi là nhiệm vụ cần thiết, không thể lơ là. Thực hiện tốt công tác này góp phần mang lại an toàn trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người lao động ngành dệt may.