Bảo đảm an toàn trong sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt

Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về vụ nổ lò hơi làm 6 lao động tử vong ở tỉnh Đồng Nai vào đầu tháng 5, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm về an toàn lao động trên địa bàn tỉnh. Trao đổi về vấn đề này, ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết:

- Vụ nổ lò hơi làm 6 người chết và nhiều người bị thương tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh (tỉnh Đồng Nai) vào đầu tháng 5 là một sự việc rất đau lòng và đáng tiếc. Qua đó, báo động, cảnh báo cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp (DN) về công tác quản lý, kiểm định, đảm bảo an toàn lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

- Xin ông cho biết công tác quản lý, kiểm định, khai báo sử dụng lò hơi đã được các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh thực hiện như thế nào?

- Theo quy định tại Nghị định số 44, ngày 15-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động thì tổ chức, cá nhân khi sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải thực hiện kiểm định và khai báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong khoảng thời gian 30 ngày trước hoặc sau khi đưa vào sử dụng. Trong đó, quy định thiết bị lò hơi có áp suất làm việc định mức của hơi trên 0,7bar; nồi đun nước nóng có nhiệt độ môi chất trên 115 độ C phải được kiểm định và khai báo sử dụng. Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2017 đến nay, có 52 lượt DN thực hiện khai báo đưa vào sử dụng 104 lượt nồi hơi các loại, được kiểm định đảm bảo an toàn đưa vào sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các DN đã thực hiện và tuân thủ đúng quy định về việc quản lý, triển khai hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện lao động vận hành lò hơi.

Đoàn kiểm tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra việc doanh nghiệp sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt.

Đoàn kiểm tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra việc doanh nghiệp sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt.

- Công tác thanh, kiểm tra về sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt, nhất là lò hơi đã được sở và các ngành chức năng thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Trong những năm qua, sở đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ tại các DN, trong đó chú trọng những DN sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Qua thanh, kiểm tra, sở đã kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn và xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm trong quá trình vận hành từng loại thiết bị theo quy chuẩn được quy định. Nhờ đó, các DN trên địa bàn tỉnh đã áp dụng tốt các biện pháp bảo đảm an toàn, không để xảy ra sự cố hay vụ việc mất an toàn nghiêm trọng.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh sau vụ nổ lò hơi ở tỉnh Đồng Nai, sở đã có văn bản đề nghị các DN trên địa bàn tỉnh tăng cường rà soát, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; củng cố bộ phận làm công tác ATVSLĐ, y tế, mạng lưới an toàn vệ sinh viên; rà soát, niêm yết các nội quy, quy trình tại nơi làm việc; thường xuyên tự kiểm tra tất cả các vị trí sản xuất và chủ động đánh giá các nguy cơ, đề ra biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm việc kiểm định, khai báo các loại máy móc, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ khi đưa vào sử dụng đến cơ quan chức năng có thẩm quyền…

- Để phòng ngừa tai nạn lao động, nhất là sự cố trong sử dụng lò hơi, các sở, ngành, địa phương và DN cần có những giải pháp gì, thưa ông?

- Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp với sở để rà soát, nghiên cứu đề xuất bổ sung các quy định, chính sách phù hợp với thực tế. Chính quyền địa phương cũng cần có những phương án phù hợp để kiểm soát từ sớm, không để xảy ra những sự cố về tai nạn lao động, môi trường, an toàn cháy nổ. Đồng thời, các ngành chức năng và DN cần tăng cường và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến đến người lao động thực hiện nghiêm các nội quy, quy trình và biện pháp đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc; thường xuyên thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng, kiểm định các loại máy móc, thiết bị định kỳ theo quy định; chú trọng đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động; tiếp tục triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc, giảm căng thẳng tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, quan tâm đặc biệt đến hoạt động đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng công tác ATVSLĐ cho người lao động; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, siết chặt quy trình an toàn lao động trong sản xuất, không để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng…

- Xin cảm ơn ông!

VĂN GIANG (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202405/bao-dam-an-toan-trong-su-dungthiet-bi-co-yeu-cau-nghiem-ngat-ea9546d/