Báo Đài Loan: QĐ Trung Quốc lộ điểm yếu chí tử ở eo biển, phải 'vá víu' bằng không quân?
7 ngày qua, 59 lượt máy bay Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến eo biển và vùng biển tây nam của Đài Loan nhằm tạo thế 'siết chặt gọng kìm' để đánh giá phản ứng của Đài Bắc.
Kế hoạch quân sự ở eo biển Đài Loan của Trung Quốc gặp trở ngại cực lớn!
Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc 2020 mà Bộ Quốc phòng nước này đệ trình lên Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã tiết lộ một chi tiết vô cùng quan trọng, đây là nhận định của Thời báo Đài Bắc dẫn nguồn báo cáo của lực lượng vũ trang Đài Loan hôm 31/8.
Báo cáo cho biết rằng nếu Bắc Kinh quyết định tiến hành chiến dịch quân sự "tái thống nhất Đài Loan" vào ngay lúc này, các kế hoạch tác chiến của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ chỉ dừng lại ở hình thức đe dọa quân sự, phong tỏa biển, pháo kích và đổ bộ hạn chế.
Ở giai đoạn đầu tiên của hoạt động quân sự, PLA có thể tăng cường độ diễn ra các cuộc tập trận quân sự hoặc bằng cách tuyên bố "tự do đi lại", điều tàu chiến đến vùng biển cách Đài Loan khoảng 24 hải lý (45 km), nhằm tạo ra "cảm giác bất an".
Vào giai đoạn tiếp theo, PLA có thể cắt đứt nguồn cung cấp nhu yếu phẩm và hàng hóa và yêu cầu Đài Bắc "đầu hàng" bằng cách chặn các cảng chính và phong tỏa giao thông hàng hải của Đài Loan, báo cáo nêu rõ.
PLA có thể sẽ leo thang bằng tập kích tên lửa vào hệ thống chỉ huy của lực lượng vũ trang Đài Loan, hoặc các địa điểm có tầm quan trọng lớn về kinh tế và chính trị, các mục tiêu mang tính biểu tượng, một phần của nỗ lực có tính hệ thống nhằm triệt tiêu dần tinh thần của đối phương.
Báo cáo cũng bổ sung thêm rằng việc đổ bộ vào các đảo "xa xôi" hiện do Đài Bắc kiểm soát bởi PLA có thể diễn ra trong giai đoạn này.
Ở giai đoạn cuối, nếu PLA chiếm được ưu thế trên không, kiểm soát biển, tiến hành chiến tranh điện tử và đánh quỵ phần lớn đối phương, động thái tiếp theo sẽ là tập kích ồ ạt bằng không kích, tên lửa, đổ bộ vào quần đảo Bành Hồ và cuối cùng là đảo Đài Loan, báo cáo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết năng lực hiện tại của PLA cho phần quan trọng nhất của giai đoạn này là một cuộc đổ bộ ồ ạt vào đảo Đài Loan vẫn còn hạn chế, đặc biệt do thiếu phương tiện đổ bộ và khả năng cung cấp hậu cần.
Như vậy là hoạt động đổ bộ vẫn tiếp tục là "điểm yếu chí tử" từ nhiều năm qua của PLA trong các kế hoạch quân sự ở eo biển Đài Loan.
Phải "vá víu" bằng không quân?
Việc Bắc Kinh tiếp tục trang bị thêm tiêm kích và máy bay không người lái (UAV) cho Không quân quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) đã khá rõ ràng rằng nhằm duy trì ưu thế trên không nếu xung đột nổ ra ở eo biển Đài Loan vào cuối năm 2020.
Hôm 23/9, 2 máy bay trinh sát - săn ngầm Shaanxi Y-8 của Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.
Lực lượng Đài Loan đã ra lệnh xuất kích các tiêm kích để xua đuổi máy bay đối phương, phát các cảnh báo bằng sóng vô tuyến và theo dõi các máy bay của PLAAF bằng các hệ thống tên lửa phòng không.
Vụ việc đánh dấu lần xâm nhập ADIZ của Đài Loan thứ 6 trong vòng 7 ngày (tính từ ngày 17/9), với 59 lượt máy bay.
Bên cạnh những nỗ lực đưa tiêm kích vượt qua đường trung tuyến eo biển để đánh giá phản ứng của Đài Bắc, PLA đã điều động máy bay trinh sát bay thường xuyên ở vùng biển tây nam của đảo, nhằm tạo thế "siết chặt gọng kìm" quanh bầu trời Đài Loan.
Báo cáo của PLA cho biết, Bắc Kinh cũng đã tăng cường cơ chế phản ứng đối với các máy bay trinh sát của Mỹ khi chúng bay gần bờ biển Trung Quốc.
PLA còn cho rằng ngoài các tiêm kích chủ lực trang bị vũ khí dẫn đường chính xác và được hỗ trợ bởi các phương tiện kỹ thuật khác của PLAAF, nhiều người đang tin rằng Trung Quốc có thể triển khai cả biện pháp "tiêu diệt mềm" và "tiêu diệt cứng" bằng vũ khí không gian.
Như vậy là Bắc Kinh đang tỏ rõ sự tự tin rằng họ đang sở hữu những "điều kiện cần" để kiểm soát bầu trời, biển và chế áp các hệ thống phòng thủ của đối phương nếu xung đột nổ ra ở Đài Loan.
Rõ ràng lúc này Đài Bắc khó có thể "kê cao gối mà ngủ" dù biết đối phương không thể tiến hành một hoạt động đổ bộ ồ ạt.