Bài 3: Những bất cập, vướng mắc trong chính sách bảo tồn di sản

Sự phát triển bao giờ cũng đi kèm áp lực về dân số, đô thị hóa, sự gia tăng các dịch vụ... Đó là những nguy cơ thực tế làm biến đổi và mất đi các giá trị bản địa, tổn hại các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Trong khi đó, chúng ta lại chưa đáp ứng kịp cơ sở hạ tầng, nguồn lực, trình độ quản lý, năng lực chuyên môn.

Bảo tồn hợp lý mà vẫn chưa đúng... luật

Đi thực tế tại nhiều địa phương, tiếp xúc với các chuyên gia, nhà quản lý, người dân, du khách… chúng tôi nhận thấy ngoài những vấn đề chung, công tác quản lý tại các khu di sản văn hóa thế giới (DSVHTG) tại Việt Nam còn những vướng mắc, bất cập không dễ giải quyết.

 Có những lúc Hội An dường như bị "quá tải" bởi khách du lịch.

Có những lúc Hội An dường như bị "quá tải" bởi khách du lịch.

Khi chúng tôi ở Ninh Bình đúng vào thời điểm lãnh đạo tỉnh tiến hành tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến vẫn tiếp tục đưa ra kiến nghị, thắc mắc liên quan tới việc liệu họ có được sửa chữa, xây mới nhà cửa và các công trình khác cạnh quần thể danh thắng Tràng An hay không? Như vậy, dù có ý thức hay không về vấn đề bảo vệ di sản, bản thân những người sống trên vùng đất di sản vẫn... lơ mơ. Trong khi đó, chúng tôi được biết, chủ trương cắm cột mốc ranh giới phân định các phân vùng của khu di sản này đã có nhưng chưa được thực hiện.

Không chỉ người dân, mà chính những nhà quản lý dường như cũng đang lúng túng trong việc cân bằng các vấn đề luật định với thực tiễn. Họ cho rằng, các quy định nghiêm ngặt được áp dụng trong vùng lõi của di sản tạo những trở ngại cho người dân địa phương tiếp tục các hoạt động văn hóa và sinh hoạt truyền thống. Gặp chúng tôi, ông Vũ Hữu Huân, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư (Ninh Bình) bày tỏ khó khăn khi toàn bộ các xã: Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Hải nằm trong vùng lõi của di sản hỗn hợp thế giới quần thể danh thắng Tràng An. Trừ những người đi chở đò thì có thu nhập khá hơn, nhưng không phải ai cũng đi chở đò được. Hơn một vạn dân, Nhà nước chưa thu hồi nên chưa có tiền tái định cư, không thể mua đất đi nơi khác trong khi diện tích xây dựng nhà thì hạn chế, nhiều căn nhà xưa cũ theo thời gian đã hư hỏng, mục nát cần sửa chữa mà nhân khẩu thì vẫn cứ tăng lên theo năm tháng.

Liên quan đến cuộc sống của người dân trong khu vực di sản, ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho chúng tôi biết: "Số lượng dân cư sống trong các khu vực bảo vệ di tích ở Huế rất lớn, chiếm gần nửa dân số toàn TP Huế. Vì vậy, mọi hoạt động liên quan đến bảo vệ di tích đều có ảnh hưởng nhất định tới cuộc sống của người dân và nhu cầu phát triển của địa phương".

 Một tháp ở Mỹ Sơn phải chống đỡ bằng cọc sắt để tránh sự ngả đổ.

Một tháp ở Mỹ Sơn phải chống đỡ bằng cọc sắt để tránh sự ngả đổ.

Giải quyết được bài toán về nhà dân sống trong khu di tích, dù là mô hình kiểu mẫu của châu Á, nhưng Hội An lại đang làm... trái luật và nghị định. Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa (DSVH) Hội An, cho rằng: "Tuy là trái luật nhưng nếu không làm thế thì Hội An không quản lý được. Luật và nghị định bao trùm và điều chỉnh cái chung, còn Hội An là di sản sống, di sản mà hơn 90% là sở hữu tư nhân. Đối với Hội An, vì nhà dân ở nên khi xuống cấp là phải sửa, không thể chờ. Mà sửa là phải cấp phép, không thể như các di tích khác khi xuống cấp có thể che chắn, nghiên cứu rồi từng bước tìm vốn. Theo Nghị định 70/2012/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt là phải lấy thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng… Đối với Hội An thì người dân liệu có thể ra bộ để xin không? Thậm chí khi người dân ra xin thẩm định, thì các bộ có thể vào Hội An để hậu kiểm được không?".

Rõ ràng chỉ chú ý bảo tồn đơn thuần di sản thì không thể phát triển, mà đưa phát triển vào thì dễ dẫn tới việc giảm giá trị bảo tồn của di tích. Bài toán này chưa bao giờ dễ. Đối với mỗi di sản khác nhau, cần những lời giải khác nhau.

Nỗi lo về nguồn nhân lực chuyên môn

Đến khu di sản thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp vượt thời gian của các nhóm tháp cổ. Nhưng cũng buồn thay, một số kiến trúc của di sản được thế giới đánh giá cao bởi vẻ đẹp mỹ miều bất chấp thời gian, giờ đây như bị "đeo cùm" gông sắt lạnh lùng. Người ta phải dựng các khung sắt để giữ cho một số tòa tháp tránh bị sụp đổ, tàn lụi vì thời gian và sự tàn phá của thiên nhiên.

Tiếp chúng tôi, ông Phan Hộ, Giám đốc Ban quản lý DSVHTG-khu đền tháp Mỹ Sơn, trăn trở: "Khu vực Mỹ Sơn có may mắn vì quá trình bảo tồn đã sớm được các chuyên gia nước ngoài phát hiện, giữ gìn, giúp sức. Tuy nhiên, hiện khu di tích luôn trong tình trạng có nguy cơ trở thành phế tích. Việc trùng tu Mỹ Sơn không chỉ là vấn đề tài chính mà còn liên quan đến cả lịch sử, văn hóa, kiến trúc với hàng loạt khó khăn. Một số tháp đã khai quật lâu mà chưa có giải pháp trùng tu, một số khác lại trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, không biết có qua nổi mùa mưa năm nay không? Trong khi đó, nguyên liệu mà các chuyên gia Ý sử dụng công nghệ hiện đại giúp ta tìm ra để cấu kết chắc chắn cho tháp bằng nguyên liệu địa phương tưởng chừng đã giải được một phần bài toán khó, thì đến nay lại cho thấy độ bền không hoàn toàn được như công thức thất truyền của người Chăm cổ”.

Vấn đề chuyên môn là nỗi lo không chỉ của khu di sản Mỹ Sơn, mà là nỗi lo chung của tất cả di sản. Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cũng lo ngại khi cho rằng, áp lực lớn nhất đối với di sản Hoàng thành Thăng Long chính là bảo tồn các di tích khảo cổ đã phát lộ trong điều kiện khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt và thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn.

Trong khi thách thức về tìm kiếm phương thức bảo tồn, phục dựng phù hợp, tránh mất đi những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản không biết bao giờ mới được giải quyết thỏa đáng, thì việc giữ những con người đang nắm giữ bí quyết bảo tồn cũng là một vấn đề cần sớm được xử lý. Sau khi khẳng định, nếu không có những người làm chuyên môn phục dựng thì di sản sẽ trở thành lý thuyết, mà đây cũng là khó khăn chung của các cơ quan quản lý di sản, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn DSVH Hội An Nguyễn Chí Trung bày tỏ trăn trở với chúng tôi rằng, hiện nay, mức lương của người làm chuyên môn quá thấp nên người ta không gắn bó với nghề, trong khi làm khoa học ngoài hiểu biết còn cần đam mê, tâm huyết. Chẳng hạn, với Hội An, đội ngũ kiến trúc sư không muốn làm, vì khi ra ngoài thiết kế kiếm được nhiều tiền hơn là làm kiến trúc sư quản lý di sản. Công tác bảo tồn, giữ gìn di sản vật thể, phi vật thể cũng đều cần nghệ nhân. Chẳng hạn như nghệ nhân đắp vẽ, chạm trổ thì không thể áp dụng cách tính công ngang với trả công cho thợ bình thường. Trong khi công việc tại di tích cũng rất vất vả, bấp bênh, lại đòi hỏi độ tinh tế, điệu nghệ hơn. Do đó, nếu không có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với đội ngũ này thì công tác bảo tồn, trùng tu DSVHTG sẽ gặp thêm khó khăn.

"Chúng tôi đề nghị sớm điều chỉnh Luật Đầu tư công (trong đó quy định dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt đều thuộc dự án nhóm A) để giảm bớt thủ tục phiền hà không phù hợp khi triển khai các dự án bảo tồn, trùng tu di sản" (GS, TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia).

Bài và ảnh: MINH NHÃ

(còn nữa)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bai-3-nhung-bat-cap-vuong-mac-trong-chinh-sach-bao-ton-di-san-549284