Bài 1: Những lần 'kéo pháo vào' và 'kéo pháo ra' của Quốc hội

Năm 2023, Quốc hội có nhiều đổi mới rất quan trọng trên các mặt hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và đối ngoại, thể hiện rất rõ quyết tâm xây dựng Quốc hội chuyên nghiệp, linh động, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Với 16 luật được thông qua trong năm 2023, mới đi qua hơn nửa nhiệm kỳ nhưng Quốc hội đã hoàn thành 83,21% nhiệm vụ lập pháp trong cả nhiệm kỳ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua theo đúng mục tiêu kiến tạo phát triển, luôn đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của mọi chính sách...

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Hoàn thành 83,21% nhiệm vụ lập pháp nhiệm kỳ

Lập pháp để kiến tạo phát triển - đây là một trong những thông điệp rất rõ ràng của Quốc hội khóa XV và thực tiễn hơn nửa nhiệm kỳ đã cho thấy Quốc hội khóa XV đang nỗ lực không mệt mỏi để kiên trì thực hiện thông điệp này, nhất là trong năm 2023 - năm bản lề thực hiện các mục tiêu của cả nhiệm kỳ và cũng là năm nền kinh tế nước ta phải đối mặt với những khó khăn rất lớn từ cả bên trong và bên ngoài.

Đảng ta đã xác định một trong 3 đột phá chiến lược để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững là xây dựng và hoàn thiện thể chế. Do vậy, lập pháp tiếp tục được Quốc hội khóa XV xác định là trọng tâm công tác với tinh thần "lập pháp kiến tạo phát triển". Riêng trong năm 2023, Quốc hội đã xem xét đến 26 dự án luật, trong đó thông qua 16 luật và cho ý kiến vào 10 dự án luật khác, thông qua 6 nghị quyết có tính chất như luật (nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật); Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 1 pháp lệnh và 10 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.

Ngay khi bước vào nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội đã chủ động trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó nêu ra 137 nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ.

Đây là những định hướng dài hạn, tạo ra sự chủ động trong công tác lập pháp, giúp các cơ quan có thời gian chuẩn bị từ sớm, từ xa các nhiệm vụ lập pháp, khắc phục tình trạng "bắc nước sôi chờ gạo". Với những công việc lập pháp mà Quốc hội đã hoàn thành trong năm 2023, số lượng nhiệm vụ lập pháp mà Quốc hội đã hoàn thành đạt tới 114/137 nhiệm vụ nhiệm kỳ. Như vậy, Quốc hội mới đi qua nửa nhiệm kỳ nhưng đã hoàn thành 83,21% nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ.

Với rất nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác lập pháp, các dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chất lượng rất tốt nên được thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao. Mọi văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đều được rà soát kỹ lưỡng với mục tiêu tối thượng là đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của mọi chính sách. Mọi chính sách mới được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành không những không tạo thêm bất kỳ gánh nặng nào về chi phí cho người dân, doanh nghiệp; tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, mà còn có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua các giai đoạn khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội bấm nút biểu quyết tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Các tập đoàn đa quốc gia gửi thư cảm ơn

Ví dụ cụ thể và gần nhất về việc đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu theo quy trình rút gọn đặc biệt chỉ trong 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ sáu. "Đây là một ví dụ điển hình về việc "kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra", "kéo pháo ra rồi lại kéo pháo vào" của Quốc hội khóa XV", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với chúng tôi như vậy.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất sẽ trình Quốc hội 2 nghị quyết đồng thời. Nghị quyết thứ nhất là về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; nghị quyết thứ hai về thí điểm chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao. Quốc hội cũng đã nhất trí bổ sung 2 dự thảo nghị quyết này vào chương trình xây dựng luật năm 2023.

Sau đó, trong quá trình xem xét, cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chỉ trình Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nghị quyết về thí điểm chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tới 2 lần, nhưng đều không đạt được đồng thuận trình Quốc hội, bởi vấn đề này quá khó và chưa có nước nào triển khai.

Quốc hội cũng nhất trí với lập luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho phép rút dự thảo nghị quyết về thí điểm chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Sau đó, các tập đoàn đa quốc gia đã gửi thư kiến nghị nếu chưa xem xét thông qua thì chưa xem xét thông qua cả 2 nghị quyết. Tôn trọng ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của cả 2 dự thảo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ lại thống nhất báo cáo Quốc hội cho rút cả 2 dự thảo nghị quyết ra khỏi chương trình.

"Tôi đã trực tiếp làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Tại cuộc làm việc này, chúng tôi đã phân tích rất kỹ về tranh chấp pháp lý xảy ra nếu Quốc hội chưa thông qua dự thảo nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu trong năm 2023. Bởi nếu theo kịch bản này, từ năm 2024, các tập đoàn đa quốc gia mặc nhiên sẽ phải nộp phần thuế chênh lệch về nước đặt trụ sở của công ty mẹ", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.

Sau khi phân tích kỹ càng, trong ngày đầu tiên Quốc hội nghỉ giữa 2 đợt họp của Kỳ họp thứ sáu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tổ chức làm việc với các cơ quan hữu quan; đưa ra sáng kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; đồng thời đưa vào dự thảo nghị quyết chung của kỳ họp cho phép thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác, giao Chính phủ ban hành nghị định không đầu (ban hành nghị định nhưng chưa có luật quy định về lĩnh vực này).

"Tất cả các cơ quan đều thống nhất với ý kiến của tôi và ý tưởng này cũng được Thủ tướng Chính phủ rất phấn khởi tán thành. Trên cơ sở đó, các cơ quan hữu quan nhanh chóng triển khai và kịp thời trình Quốc hội xem xét, thông qua các chính sách này ngay tại Kỳ họp thứ sáu", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua các chính sách này, các tập đoàn đa quốc gia lại gửi thư cảm ơn Quốc hội, Chính phủ Việt Nam; bày tỏ sự cảm kích trước sự quan tâm rất kịp thời tới quyền lợi của các doanh nghiệp. Họ cũng khẳng định hoàn toàn yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam; cam kết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp khác tăng đầu tư vào Việt Nam.

Có thể khẳng định, việc Quốc hội kịp thời thông qua chính sách liên quan tới thuế tối thiểu toàn cầu là một chiến công rất vang dội, bởi nếu chúng ta không kịp thời ban hành chính sách thì theo tính toán sơ bộ, mỗi năm sẽ có khoảng gần 15.000 tỷ đồng tiền thuế phát sinh tại Việt Nam từ thu nhập của các tập đoàn đa quốc gia sẽ chảy ngược sang quốc gia khác.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Không chạy theo số lượng

Cũng liên quan tới việc "kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra" còn có việc Quốc hội quyết định chưa thông qua 2 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ sáu theo chương trình dự kiến, trong khi người dân, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng rất mong chờ. Tuy vậy, đây là kết quả của sự cân nhắc rất thấu đáo của Quốc hội, bởi công tác lập pháp ngoài việc đáp ứng các mục tiêu trước mắt cũng phải tính đến các yếu tố mang tính chiến lược lâu dài, nhất là chất lượng của các dự thảo luật được thông qua phải được bảo đảm ở mức cao nhất có thể, kiên quyết không chạy theo số lượng.

Hơn nữa, việc "rút pháo ra" như vậy cũng dựa trên cơ sở tính toán tới quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Một khi những vướng mắc lớn liên quan tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp chưa đạt được sự đồng thuận về giải pháp mà nóng vội thông qua thì chúng ta sẽ phải chờ thời gian rất lâu sau mới lại có cơ hội để sửa luật.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có tầm quan trọng có lẽ chỉ sau Hiến pháp, bởi nó có tác động rất sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Không phải tự nhiên mà có tới hơn 12 triệu lượt ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho dự án luật này. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xem xét theo quy trình đặc biệt tại 3 kỳ họp, với 27 vấn đề còn có ý kiến khác nhau được trình Quốc hội cho ý kiến.

Đến trước lần trình Quốc hội xem xét lần thứ 3 tại Kỳ họp thứ sáu mới chỉ có 6 vấn đề đạt được sự đồng thuận. Trong quá trình Quốc hội họp đợt 1 của Kỳ họp thứ sáu thì có thêm 9 vấn đề đạt được sự đồng thuận. Khi Quốc hội nghỉ giữa 2 đợt họp tại Kỳ họp thứ sáu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tiếp tục thống nhất thêm, nâng tổng số vấn đề đạt được đồng thuận lên 22. 5 vấn đề còn lại cũng cơ bản đã đạt được sự thống nhất trong quá trình chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ năm. Sau khi nhận được ý kiến chính thức từ Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất khi sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, với yêu cầu chiến lược là xây dựng hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, bảo đảm an toàn hệ thống, tăng khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên trong và bên ngoài nền kinh tế, ngăn ngừa và hạn chế được tình trạng sở hữu chéo. Mục tiêu của dự án luật là ngăn ngừa xuất hiện các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, chứ không phải ban hành luật để xử lý ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém.

Không thể đưa cá biệt thành phổ quát, bởi như thế sẽ tạo ra kỳ vọng cho các tổ chức tín dụng rằng cứ tha hồ hoạt động, cả nền kinh tế và người dân sẽ cùng gánh chịu nếu có rủi ro. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì trách nhiệm của chủ thể kinh doanh rất quan trọng - các chủ thể phải hoạt động công khai, minh bạch và tự chịu trách nhiệm với hoạt động kinh doanh của mình. Đồng thời, khi ngân hàng, tổ chức tín dụng có dấu hiệu mất an toàn, Nhà nước phải can thiệp càng sớm càng tốt, đến mức độ nhất định sẽ tiến hành kiểm soát đặc biệt.

Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là nghị quyết mang tính đặc thù, giải quyết trong thời điểm cấp bách và đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Chính sách đặc thù trong thời điểm cấp bách không thể áp dụng cho giai đoạn bình thường, nên không thể luật hóa nghị quyết này. Sau thời gian chuẩn bị thêm, các cơ quan hữu quan đã làm việc và cơ bản đạt được sự thống nhất về các vấn đề lớn còn lại của dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Dự án luật này cũng đã được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm.

Tương tự như vậy, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng đã được Quốc hội quyết định chưa thông qua tại Kỳ họp thứ tư (năm 2022) theo chương trình dự kiến để bảo đảm chất lượng. Kết quả, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sau đó được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 (đầu năm 2023) với chất lượng tốt hơn rất nhiều, đáp ứng được yêu cầu của cả người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ sở y tế, giải quyết được rất nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra.

Điều đó phản ánh rất rõ tinh thần lập pháp chủ động, kỹ lưỡng, kiến tạo phát triển, đồng thời rất linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.

(Còn nữa)

CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/bai-1-nhung-lan-keo-phao-vao-va-keo-phao-ra-cua-quoc-hoi-764484