'Bà con chung sức, doanh nghiệp đồng hành, khó khăn mấy sản xuất nông nghiệp cũng vượt qua'
Năm 2019 trôi qua với nhiều bất lợi về thời tiết, cháy rừng lớn chưa từng có, lũ lụt gây ngập nặng, dịch bệnh diễn biến phức tạp... Dẫu vậy, ngành nông nghiệp vẫn thực hiện khá tốt các kế hoạch, mục tiêu, tạo sức bật cho giai đoạn mới. Trước thềm xuân Canh Tý, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT.
P.V: Điều đầu tiên mà “tư lệnh” ngành muốn chia sẻ về hoạt động của ngành trong năm 2019 là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Việt: Trước hết, phải nói rằng, 2019 là năm ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh. Cả hệ thống chính trị vào cuộc vì mặt trận nông nghiệp đã trở thành động lực lớn cho ngành bám sát mục tiêu. Bên cạnh đó là sự đồng hành của doanh nghiệp, chung sức của bà con nông dân để khắc phục thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất.
Mặc dù chỉ số tăng trưởng cuối kỳ còn thấp, nhưng các chỉ số vẫn tăng khá, đảm bảo thu nhập của người dân, góp phần ổn định kinh tế, chính trị địa phương. Tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt trên 12.780 tỷ đồng, tăng 3,06% so với năm 2018. Sản lượng lương thực đạt 55,1 vạn tấn (vượt 4,1 vạn tấn); tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 52%.
Tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực tiếp tục phát triển với nhiều mô hình phong phú, liên kết chuỗi giá trị. Cam, bưởi, chè có nhiều lợi thế cạnh tranh; sản xuất lúa hình thành cánh đồng nguyên liệu lớn, tích tụ ruộng đất; mỗi xã một sản phẩm... Kết quả này giúp tỉnh và các địa phương định hình sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm...
P.V: Năm qua, dịch tả lợn châu Phi hoành hành khắp cả nước nhưng vào Hà Tĩnh khá muộn, số lợn thiệt hại cũng thấp hơn các tỉnh trong khu vực. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Ông Nguyễn Văn Việt: Kịch bản ứng phó được Hà Tĩnh xây dựng trước 8 tháng (tháng 9/2018) khi dịch xảy ra. “Lường” khả năng xâm nhập, “hàng rào” được kiểm soát chặt chẽ từ an toàn dịch bệnh, phát triển “nóng” ngoài quy hoạch đến củng cố chăn nuôi.
Đặc biệt, sự vào cuộc của cả hệ thống đã thay đổi nhận thức người chăn nuôi. Bà con chủ động cách ly, tuân thủ nghiêm túc vệ sinh tiêu độc khử trùng và có ý thức bảo vệ môi trường xung quanh...
Ở nhiều địa phương, hai cơ sở chăn nuôi sát nhau nhưng khi dịch bùng phát tại hộ nào thì “bị khóa” tại đó, không lây lan ra ngoài.
So với cả nước, dịch tả lợn châu Phi ở Hà Tĩnh xảy ra muộn hơn 4 tháng và đến nay, nằm trong số 10 tỉnh có số lợn chết thấp nhất cả nước (21.801 con). Trang trại chăn nuôi lớn và trại nái, đàn lợn vẫn an toàn, đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định.
P.V: Sản xuất cây ăn quả, nhất là các đặc sản như cam, bưởi đang là thế mạnh của Hà Tĩnh. Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này vì thế càng phải đặc biệt quan tâm hơn, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Việt: Những “đặc ân” của thiên nhiên đã tạo nên những thương hiệu đặc sản vùng miền như cam Khe Mây, cam Thượng Lộc, cam Vũ Quang, cam Sơn Mai, cam bù Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch...
Nét độc đáo này thể hiện chất lượng sản phẩm đến từ từng tên gọi, từng địa phương, đưa nhận diện chính xác đến cho người tiêu dùng. Tôi nghĩ, đó là cách riêng của Hà Tĩnh mà không phải địa phương nào cũng có lợi thế.
Toàn tỉnh có 3.790/7.089 ha cam đã cho sản phẩm, sản lượng đạt trên 35.452 tấn, tăng 18,44%; 2.466/3.567 ha bưởi cho sản phẩm, sản lượng đạt 21.444 tấn, tăng 32,3% so với năm 2018.
Sản xuất cam, bưởi đang đáp ứng xu thế phát triển và đưa lại thu nhập khá cho bà con, đóng góp vào lĩnh vực có mức tăng trưởng cao của ngành. Nhiều doanh nghiệp đã mang thương hiệu của Hà Tĩnh vào các chuỗi siêu thị lớn như: VinMart, Co.opMart...
P.V: Có ý kiến lo ngại về tình trạng phát triển “nóng” các diện tích cây ăn quả. Ông có thể cho biết quan điểm của mình và trong trường hợp những lo ngại trên là có cơ sở, ngành đã có giải pháp gì để kiểm soát vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Việt: Không riêng gì Hà Tĩnh, sản xuất cam, bưởi đang có dấu hiệu phát triển “nóng” trên cả nước. Trước thực trạng này, Sở NN&PTNT đã đưa ra những cảnh báo về thực trạng “được mùa - mất giá”. Đồng thời, ngành cho rà soát lại quy hoạch, chỉ đạo phát triển diện tích hiện có, hạn chế tối đa việc phát triển tự phát ngoài vùng quy hoạch.
Bên cạnh đó, ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống, bình tuyển sản phẩm đầu dòng để bảo tồn, lưu giữ nguồn giống cam, bưởi địa phương phát triển bền vững.
P.V: Hà Tĩnh cần làm gì để tạo những tăng trưởng mới cho nông nghiệp, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Việt: 2020 là năm có tính chất quyết định, khép lại kế hoạch 5 năm (2016 - 2020). Ngành nông nghiệp phải tiếp tục vượt qua thử thách của biến đổi khí hậu, dịch bệnh gia súc, gia cầm; kiên định mục tiêu tái cơ cấu, gia tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa chủ lực để giữ vững ngành kinh tế chủ lực, làm nền tảng để thúc đẩy phát triển KT-XH Hà Tĩnh.
Trong điều kiện hội nhập, cần ưu tiên kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp, tạo ra những lợi thế về xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường, tiếp thị sản phẩm. Cũng từ doanh nghiệp, khoa học công nghệ tiên tiến, giống, vật tư, kỹ thuật... được áp dụng, mở đường cho nông nghiệp công nghệ cao...
Hiện nay, chính sách kêu gọi đầu tư của tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như C.P, Vinamilk, TH true milk, VinaFood, Dabaco... Trên địa bàn tỉnh, một số mô hình tích tụ ruộng đất; liên kết sản xuất chuỗi lúa gạo; phá bờ vùng, bờ thửa... sẽ là những “tín hiệu” đáng mừng của năm 2020.
P.V: Xin cảm ơn ông và chúc ngành nông nghiệp Hà Tĩnh sẽ có những bước tiến mới trong năm 2020!
Nguyễn Oanh