Armenia, Azerbaijan ngừng bắn khi xung đột bùng phát làm nhiều binh lính thương vong
Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, Armenia và Azerbaijan hôm thứ Ba (16/11) đã đồng ý ngừng bắn ở biên giới của họ, sau khi cuộc xung đột giữa hai bên tái bùng phát làm một số binh lính thương vong.
Bộ Quốc phòng Armenia trước đó cho biết quân đội của họ đã bị Azerbaijan tấn công và 12 binh sĩ của họ đã bị bắt, trong khi hai vị trí chiến đấu gần biên giới với Azerbaijan bị mất.
Các thành viên Azeri tham gia vào một cuộc diễu hành đánh dấu kỷ niệm kết thúc cuộc xung đột quân sự năm 2020 tại khu vực ly khai Nagorno-Karabakh, liên quan đến quân đội của Azerbaijan chống lại các lực lượng Armenia, ở Baku, Azerbaijan, ngày 8 tháng 11 năm 2021. Ảnh: REUTERS / Aziz Karimov
Ông Eduard Aghajanian, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của Quốc hội Armenia cho biết, 15 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azeri cho biết họ đã đáp trả "các cuộc khiêu khích" quy mô lớn sau khi lực lượng Armenia pháo kích vào các vị trí của quân đội Azeri, và chiến dịch của họ đã thành công.
Bộ Quốc phòng Armenia cho biết: "Theo thỏa thuận ngừng bắn do phía Nga làm trung gian, hỏa lực đã ngừng trên khu vực phía đông của biên giới Armenia-Azeri và tình hình tương đối ổn định".
Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Trước đó, vào hôm thứ Ba (16/11), Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã thảo luận qua điện thoại về tình hình biên giới, Điện Kremlin cho biết.
Hãng thông tấn Interfax cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đã nói chuyện qua điện thoại với các bộ trưởng quốc phòng Armenia và Azerbaijan.
Năm ngoái, cuộc xung đột nghiêm trọng đã xảy ra giữa Armenia và Azerbaijan. Cuộc chiến kéo dài 44 ngày giữa lực lượng dân tộc Armenia và quân đội Azeri trên vùng đất Nagorno-Karabakh khiến ít nhất 6.500 người thiệt mạng.
Cộng đồng quốc tế đã rất nỗ lực để ngăn chặn cuộc chiến leo thang giữa hai quốc gia vùng Caucasus. Cuộc xung đột đã kết thúc sau khi Nga, quốc gia có căn cứ quân sự ở Armenia, làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình và triển khai gần 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình tới khu vực tranh chấp.
Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía Azerbaijan, nước đã giành lại những vùng đất mà họ đã mất trong một cuộc xung đột trước đó.
Anh Vũ (theo Reuters)