Áp lực bán gia tăng, VN-Index điều chỉnh về 1.326 điểm

Thị trường chứng khoán trải qua những phút giao dịch khá hỗn loạn trong phiên chiều 26/3, khi đồng loạt các trụ bị ép giá mạnh, VN-Index rơi về 1.326 điểm

Tiếp đà tăng, VN-Index mở cửa phiên sáng 26/3 trong tâm lý tích cực. Sắc xanh bao phủ thị trường, kéo chỉ số chung lên ngưỡng 1.340 điểm sau 1 giờ giao dịch.

Tuy nhiên, khả năng duy trì của nhóm cổ phiếu trụ như VIC, VHM không bền, bắt đầu có dấu hiệu “lung lay”, chưa kể tốc độ bán ra cổ phiếu FPT dường như “mất phanh”, khiến diễn biến thị trường “chùng xuống” và cứ thế rơi xuống dưới tham chiếu. Riêng mức giảm của FPT đã xóa bỏ gần hết mọi nỗ lực của TCB, VCB trong sáng nay.

VN-Index đang xác định lại vùng kháng cự mới 1.340 điểm.

VN-Index đang xác định lại vùng kháng cự mới 1.340 điểm.

Bước vào phiên chiều, sự hồi phục của bộ đôi cổ phiếu Vin, cùng sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu thép và một số mã đơn lẻ khác, giúp VN-Index hồi phục, vượt lên trên tham chiếu. Tuy nhiên, sắc xanh không duy trì được lâu. Thị trường tiếp tục giằng co với bên bán chiếm ưu thế và gần về cuối phiên áp lực cung càng gia tăng khiến chỉ số suy yếu và đóng cửa trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,83 điểm (-0,44%), xuống mức 1.326,09 điểm; HNX-Index giảm 3,23 điểm (-1,32%), xuống mức 241,33 điểm. Độ rộng toàn thị trường có phần nghiêng về sắc đỏ với bên bán có 394 mã giảm và bên mua có 321 mã tăng. Sắc đỏ có phần áp đảo trong rổ VN30 với 19 mã giảm, 7 mã tăng và 4 mã tham chiếu.

Sau các phiên thăng hoa trước đó, VIC và VHM hôm nay đã hạ nhiệt, VIC chỉ còn nhích 0,18%, VHM về mức tham chiếu. Trong khi nhóm ngân hàng hiện sắc đỏ. Các trụ cột VCB, BIDV, CTG, VPB đều giảm giá.

Điểm nhấn của thị trường hôm nay đến từ HPG (+1,29%). Cố phiếu thép này vẫn hút dòng tiền, nhờ thông tin Hòa Phát ước tính doanh thu cao kỷ lục, lên đến 170.000 tỷ đồng và chia cổ tức 20%, bao gồm tiền mặt. Ngoài ra, trong nhóm vốn hóa lớn, cũng có thêm TCB tăng 0,36%, GAS tăng 0,45%. Tuy vậy tác động của FPT đã vô hiệu hóa hoàn toàn. Nói cách khác, khả năng kéo trụ đã bị triệt tiêu và không có gì bất ngờ khi VN-Index mất điểm rõ nét.

Mặt bằng giá giảm xuống chiều nay cũng đi cùng mức thanh khoản giảm so với phiên giao dịch trước đó. Khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 734 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 16,5 ngàn tỷ đồng; HNX-Index đạt hơn 53,8 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 953 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì bán ròng, với giá trị bán ròng hơn 500 tỷ đồng. Khối này chủ yếu bán FPT (-308,9 tỷ đồng), TPB (-128,3 tỷ đồng), DBC (-57,9 tỷ đồng), VHM (-51,6 tỷ đồng), HCM (-47,3 tỷ đồng)... Chiều ngược lại, các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất có VRE (+162,4 tỷ đồng), STB (+55,7 tỷ đồng), BID (+48,7 tỷ đồng).

Theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), trong một chu kỳ của chứng khoán, VN-Index tăng vượt qua MA50 và MA200 có thể là một tín hiệu xác nhận xu hướng tăng. Trong quá trình đi lên, nhịp điều chỉnh là điều không thể tránh.

Câu chuyện "xanh vỏ, đỏ lòng", "đỏ vỏ, xanh lòng" đã xảy ra trong những tuần gần đây. Nhóm cổ phiếu liên quan Vingroup, như VHM, VRE, hay một số mã ngân hàng như TCB, VCB tăng tích cực, trong khi ngược lại FPT lại giảm sâu. Câu chuyện thị trường cần mã trụ để vượt qua giai đoạn khó khăn là điều luôn phải xảy ra, trong thời điểm kiểm tra lại vùng đỉnh, xác nhận vùng kháng cự mới.

“Chúng ta đừng kỳ vọng thị trường tăng đều trong giai đoạn này. Điều quan trọng là VN-Index không đánh mất chuỗi tăng giá. Việc điều chỉnh giảm 1 - 2 tuần là điều bình thường, nhưng nếu chuỗi giảm kéo dài tới 3 tuần thì nhà đầu tư sẽ mất kiên nhẫn. Vì thế, chúng ta nên kỳ vọng nhịp giảm hiện tại chỉ trong ngắn hạn, 1-2 tuần để thị trường giữ động lực tăng”, chuyên gia của VPBankS chia sẻ.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ap-luc-ban-gia-tang-vn-index-dieu-chinh-ve-1-326-diem.html